Tại Hội nghị G7, Tổng thống Biden đề nghị được cấp quyền truy cập vào phòng thí nghiệm Vũ Hán để xem COVID-19 có phải là sản phẩm nhân tạo?
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/6 đã tiết lộ rằng, ông và các nhà lãnh đạo khác trong G7 đã nói về việc giành quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc để xác định xem Covid-19 có phải là kết quả của một thử nghiệm của Trung Quốc bị sai sót hay không.
Trong cuộc họp báo tại hội nghị G7 ở Cornwall, Anh hôm Chủ nhật, Tổng thống Biden kêu gọi Trung Quốc bắt đầu hành động “có trách nhiệm hơn về các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền và minh bạch”.
Ông Biden sau đó tiết lộ rằng một trong những mối quan tâm mà ông và các nhà lãnh đạo khác tại G7 đã nêu ra là “chúng tôi không có quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm để xác định xem liệu Covid-19 có phải là kết quả của việc bày bán dơi ở các chợ Trung Quốc hay là “một thử nghiệm đã trở nên mất kiểm soát trong phòng thí nghiệm”.
“Tôi chưa đưa ra kết luận vì cộng đồng tình báo của chúng tôi vẫn chưa chắc chắn” – Tổng thống Biden nói và nói thêm rằng điều quan trọng là phải biết câu trả lời ”để cộng đồng quốc tế có thể dự đoán và ngăn chặn một đại dịch khác xảy ra trong tương lai”.
“Thế giới phải có quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm” – ông Biden lập luận và kết luận rằng ông và các nhà lãnh đạo khác đang cố gắng tìm ra cách để đạt được sự minh bạch.
Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố rằng virus này đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ gọi các cáo buộc là “không khác gì những lời dối trá về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt cách đây 12 năm”. Khi đó, sự thật được phơi bày bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt có các thành phần hóa học không khác nào một gói bột giặt.
Ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh rất quan ngại về ‘câu chuyện vô lý’ là virus corona đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng sự thật và khoa học, tự kiềm chế không chính trị hóa vấn đề… và tập trung vào hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch” – ông Dương nói trên truyền hình Trung Quốc CCTV sau cuộc điện đàm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngày 11-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc, đã có cuộc điện đàm hiếm hoi về hàng loạt vấn đề, trong đó có nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19.
Ông Blinken nhấn mạnh cần hợp tác và minh bạch trong vấn đề nguồn gốc của bệnh COVID-19, trong đó cho phép các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành điều tra về COVID-19 giai đoạn 2 ở Trung Quốc là cần thiết.
Cuộc gọi của hai nhà ngoại giao diễn ra vào thời điểm Mỹ – Trung đang có mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề từ thương mại, công nghệ đến nhân quyền và nguồn gốc của virus corona chủng mới. Ông Dương đề nghị Washington nên phối hợp với Bắc Kinh để đưa các mối quan hệ trở lại “đúng hướng”.
Cuộc điện đàm được hãng tin AFP nhận định là “hiếm hoi”, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh khối G7 tại Anh, củng cố quan hệ đồng minh với Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản.
Không quên “đá xéo” việc này, ông Dương Khiết Trì nhắn nhủ Mỹ rằng chủ nghĩa đa phương chân chính không phải là chủ nghĩa đa phương giả danh dựa trên lợi ích trong nhóm nhỏ.
Tại Hội nghị G7, các nhà lãnh đạo cũng đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) sẽ đối đầu với sáng kiến “Vành đai, con đường” vốn bị phương Tây chỉ trích là “ngoại giao bẫy nợ”.
Theo ước tính của Nhà Trắng, các nước đang phát triển cần ít nhất 40 ngàn tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2035.
Cũng theo Nhà Trắng, G7 và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến này để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới.
Giới quan sát cho rằng, để hàn gắn các vết nứt với đồng minh, Mỹ đang mang hàng loạt vấn đề của Trung Quốc để làm cái cớ, tìm kiếm tiếng nói chung vừa đạt được tham vọng triệt hạ đối thủ của mình.