Một khi đã dùng từ “tỉnh ngộ” trong trường hợp này, phải chăng trước đó, ông Duterte không tỉnh táo? Đúng thế. Thiếu tỉnh táo vì người đứng đầu Philippines đã đặt kỳ vọng quá lớn vào mối thâm tình có phần cá nhân của ông với người đồng cấp tại Trung Nam Hải.
Xuồng và tàu tuần tra của cảnh sát biển PLPdiễn tập trên Biển Đông ngày 25/4
Người đồng cấp đó là ai? Không ai khác ngoài ông Tập Cận Bình đang chễm chệ hai ghế: Vừa là tổng bí thư, vừa là chủ tịch Trung Quốc – một cường quốc đang lên.
Lịch sử có thể ghi nhận, mối thâm tình cùng nỗ lực cá nhân của một nhà lãnh đạo quốc gia nào đó có thể làm thay đổi tình huống ngoại giao hai nước, thậm chí, biến thù thành bạn. Chỉ có điều, niềm tin phải được đặt đúng chỗ. Nói cách khác, phải có con mắt tinh đời. Bằng không, nếu may mắn chưa mang lại tai họa, thì cũng có thể khiến đất nước chịu thất thiệt to lớn về lợi ích.
Vậy mà xem ra, bài học đó lại đã không được ông Duterte – tổng thống Philippines ghi nhớ. Hay nói đúng hơn, gần như vào cuối nhiệm kỳ, ông mới “ôn lại” và có vẻ ân hận vì đã đặt niềm tin vào Bắc Kinh.
Càng đáng trách hơn, nào phải ông Duterte không được cảnh báo. Ngôi vào ghế tổng thống Philippines đúng thời điểm Philippines được coi là có lợi thế khi Tòa trọng tài (PCA) ra phán quyết trong vụ kiện đình đám của Manila với Bắc Kinh. Phán quyết này đã bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Cho dù Bắc Kinh phủ nhận, nhưng với thời thế đó, Manila lẽ ra phải phát huy kết quả một vụ kiện công phu, tốn kém đã kiên trì theo đuổi liên tục trong 3 năm trời để đấu tranh bảo vệ lợi ích của Philippines trước Trung Quốc.
Vậy mà không. Thay vì làm việc cần làm đó, ông Duterte…lờ hẳn phán quyết của PCA. Ông sốt sắng thực hiện các chuyến thăm Trung Quốc. Ông săn đón, vồ vập ông Tập Cận Bình khi ông này thăm cấp nhà nước tới Philippines ngày 20/11/2018, và hết mực hể hả với câu nói “Quan hệ của chúng ta giờ như cầu vồng sau mưa” của ông Tập. Cũng trong chuyến thăm này của ông Tập, ông Duterte hăm hở, đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận khung về khai thác chung trên Biển Đông, bất chấp nó đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận; thậm chí, từ sự kiện này, có người gọi ông Duterte là ‘bán chủ quyền quốc gia…”
Có lẽ, việc nhận được lời nói không chính thức từ Trung Nam Hải, rằng: “Ông Duterte khiến chúng tôi phải nghĩ lại chính sách của mình. Chúng tôi phải đáp lại sự lịch sự của ông ấy” trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên vào cuối năm 2016, khi vừa ngồi vào ghế tống thống vài bốn tháng, đã khiến ông Duterte tin rằng, quan hệ cá nhân của ông với ông Tập là một tình bạn lớn; sự chân thành cùng tấm lòng thịnh tình của ông dành cho ông Tập không chỉ cải thiện quan hệ ngoại giao hai nước, mà còn cứu Philippines khỏi sự o ép của Trung Quốc trên Biển Đông mà chẳng cần phải kiện cáo, phản ứng hay đối đầu gay gắt như thời người tiền nhiệm, hoặc như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và một số nước đang làm.
Thời gian đã trả lời tất cả. Còn hơn 1 năm nữa mới hết nhiệm kỳ, nhưng tại thời điểm này đã có thể khẳng định niềm tin mà ông Duterte gửi vào Bắc Kinh là nhầm chỗ.
Trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn gia tăng các hoạt động gây hấn ngang ngược với tất cả, chẳng hề dành cho Philippines sự “biệt đãi” nào. Ngư dân Philippines vẫn không được quyền hoạt động như trước năm 2012 tại các ngư trường truyền thống, trong đó có bãi cạn Scarborough, khiến sản lượng đánh bắt hải sản giảm sút thê thảm. Thậm chí, họ còn hứng chịu những cú húc tàu tàn bạo như cú húc tại khu vực bãi Cỏ Rong năm 2019 của tàu Trung Quốc khiến 22 ngư dân Philippines suýt toi mạng. Kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí chung vẫn trong tình trạng bế tắc. Vụ gần 300 tàu dân quân biển trá hình tàu cá tại khu vực Đá Ba Đầu mà Philippines cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi tháng 3 năm nay được ví như “giọt nước tràn ly”, khiến Manila không thể chịu đựng thêm và đẩy quan hệ ngoại giao hai nước trở nên căng thẳng.
Cho dù văn phòng tổng thống có phần dịu dàng, nhưng dư luận khó mà nghĩ rằng, phản ứng mạnh mẽ, thậm chí có phần bỗ bã của lãnh đạo bộ quốc phòng, bộ ngoại giao lại là tự phát, không được ông Duterte bật đèn xanh. Việc các tàu hải cảnh, và hải quân Philippines gia tăng đáng kể hoạt động diễn tập, tuần tra trên Biển Đông, trong đó có khu vực các tàu dân quân biển trá hình của Trung Quốc neo đậu, viện lý do “thời tiết xấu” (?) nên không thể di chuyển, cũng khiến dư luận khó có thể nghĩ, chỉ là thực thi theo lệnh của bộ quốc phòng mà không thông qua phủ tổng thống…
Những động thái có thể coi là lạ lẫm, mới mẻ đó là gì nếu không phải sự thể hiện việc thay đổi quan điểm của ông Duterte trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc? Và nếu điều đó là thật, thì có thể hiểu, vào cuối nhiệm kỳ, ông Duterte đã ân hận lắm lắm về việc trong các năm qua, chính ông đã đặt niềm tin quá lớn vào sự tử tế của Bắc Kinh đối với Philippines trong vấn đề Biển Đông?