Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Anh hôm 12/6 họp sang ngày thứ hai, có một phiên thảo luận về vấn đề Trung Quốc. Để ngăn chặn nội dung bị Bắc Kinh nghe trộm, tất cả hệ thống liên lạc và mạng Wi-Fi đều bị ngắt.
Đề phòng Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 bàn về Trung Quốc bị nghe trộm, phòng họp bị ngắt mọi hệ thống liên lạc và mạng Wi-Fi
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 13/6, dường như giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia có một số khác biệt về vấn đề đối phó với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 12/6 đã đưa ra một thiết kế cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển để cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Trong quá trình họp bàn, để đề phòng bị Trung Quốc nghe trộm, nước chủ nhà Anh Quốc đã ngắt toàn bộ mọi kết nối từ phòng họp với bên ngoài. Giới quan sát cho rằng động thái này không chỉ phản ánh sự nhạy cảm trong các vấn đề của Trung Quốc, mà còn cho thấy sự thâm nhập sâu rộng của Trung Quốc vào khắp mọi nơi đang thu hút sự chú ý và gây lo ngại.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng các nước G7 có ý kiến khác nhau về cường độ chống Trung Quốc. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng lãnh đạo các quốc gia khác cùng nhất trí lên án hành động cưỡng bức lao động của Trung Quốc đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đưa nội dung này vào văn bản tuyên bố chung; nhưng một số đồng minh châu Âu lại không muốn làm mất mặt Bắc Kinh như vậy.
Ông Joe Biden mạnh mẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia đồng minh lên án “hành vi phản dân chủ” của Trung Quốc và nhấn mạnh cần áp dụng hành động chung. Ý kiến này của ông nhận được sự ủng hộ của Canada, Vương quốc Anh và Pháp. Ông Biden, Thủ tướng Anh Johnson và Thủ tướng Canada Trudeau kêu gọi có các hành động cụ thể và chú trọng biện pháp hành động chống lại Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đức, Italy và Liên minh châu Âu có thái độ do dự hơn, họ muốn tập trung nhiều vào sự hợp tác giữa G7 và Trung Quốc.
Khi các nhà lãnh đạo của Tập đoàn bảy nước công nghiệp lớn (G7) họp vào ngày 12/6 để thảo luận về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, họ ngay lập tức đồng ý một điều: không muốn ai nghe thấy họ đã bàn những gì.
Được biết, trong cuộc họp này, Tổng thống Mỹ Biden đã đề nghị các nước phương Tây và Nhật Bản cung cấp vốn cho các nước đang phát triển để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thay thế kế hoạch “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Nhà Trắng gọi đây là dự án “Tái thiết một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh có những bất đồng nghiêm trọng về cách ứng phó trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của cuộc họp đã đưa ra một tuyên bố sau cuộc họp, chỉ nói rằng họ sẽ cung cấp một quan hệ đối tác “có định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch” cho các nước thu nhập thấp và trung bình, nhưng không hứa họ sẽ chi ra bao nhiêu tiền.
Sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Merkel cho biết G7 hiện vẫn chưa đạt đến giai đoạn giải phóng vốn.
Theo trang tin Nanyang của Singapore, một quan chức của chính quyền Joe Biden tiết lộ rằng đã có sự khác biệt nghiêm trọng trong quan điểm về cách đối phó tốt nhất với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Các quan chức dự cuộc họp tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo G7 về cơ bản nhất trí rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến lược đầu tư “Vành đai và con đường” để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của họ thiết lập mạng lưới cảng thương mại, đồng thời thực hiện quyền kiểm soát mạnh mẽ thông qua hệ thống thông tin liên lạc của Huawei.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu, Đức và Italy lo ngại rằng nếu họ có những hành động cứng rắn chống lại Bắc Kinh, có thể làm gia tăng “cuộc chiến tranh lạnh mới” hoặc gây ra rủi ro cho các thỏa thuận thương mại và đầu tư khổng lồ của họ với Bắc Kinh.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, với chi phí hàng chục nghìn tỷ USD. Hơn 100 quốc gia ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đã ký các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc để phát triển và đầu tư vào mạng lưới, đường sắt, cảng, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng khác.
Mặc dù Mỹ hiện đang đề xuất một giải pháp thay thế tích cực gọi là “Build Back Better for the World, B3W” (Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn), nhưng Nhà Trắng đã không đưa ra cam kết tài chính và lập trường của tất cả các bên về Trung Quốc cũng bị chia rẽ; hiện vẫn chưa rõ Nhóm G7 có đạt được sự nhất trí toàn diện trong vấn đề đối phó Trung Quốc hay không.