Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, nên có thái độ bình tĩnh đối với năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Nhiều nhà đầu tư đã và đang quan tâm đến tiềm năng gió của Việt Nam với những dự án điện gió ngoài khơi tỷ đô.
Trong số này phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD; dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (liên doanh giữa Công ty CP năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) có công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỷ USD.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, HBRE Group và đối tác Pháp đã rót 1 tỷ USD vào dự án điện gió ngoài khơi 500 MW…
Dù nhiều nhà đầu tư quan tâm đến điện gió ngoài khơi, song trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, điện gió ngoài khơi sẽ không phát triển nóng như điện mặt trời trong thời gian qua vì có nhiều vấn đề phức tạp.
Trên đất liền, điện mặt trời phát triển nóng, ngoài mức giá FIT hấp dẫn, còn do chính quyền nhiều địa phương nới lỏng quản lý đất đai, chuyển đất nông nghiệp chỉ được phép trồng trọt sang làm dự án điện mặt trời. Điều này khác với nhiều quốc gia chỉ làm điện mặt trời ở các vùng thưa thớt, hoang mạc.
Còn với điện gió ngoài khơi, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới khí hậu gió mùa, có tiềm năng về năng lượng gió, nhưng vẫn chưa ăn thua gì so với gió ở Biển Bắc và các nơi khác trên thế giới.
Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg cũng đã đưa ra giá FIT để thu hút các nhà đầu tư điện gió. Theo quyết định này, đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa VND và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Mức giá này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Dẫu có “cơ chế mồi”, song ông Doanh vẫn tin rằng, mức giá này chưa hẳn đã thu hút được nhà đầu tư.
“Làm điện gió ngoài khơi không dễ dàng. Nó chiếm một diện tích nhất định trên biển, mà ở đó có thể cản trở nhiều hoạt động hàng hải. Việt Nam lại nằm trong vùng hoạt động hàng hải nhộn nhịp, không có nhiều chỗ trống để làm các trang trại gió ngoài khơi.
Vướng mắc lớn nhất của điện gió ngoài khơi là đòi hỏi chiều cao cột gió chừng 80-100m, làm bằng thép; hệ thống truyền tải phức tạp, công suất điện gió phải chuyển bằng cáp về đất liền. Giá tuabin cũng như giá xây lắp rất lớn, xét về hiệu quả tài chính, nhà đầu tư không có lãi nhiều”, PGS.TS Lê Văn Doanh nhận xét và cho rằng, nếu điện gió thực sự hấp dẫn, tại sao nhà đầu tư không đầu tư ở đảo Phú Quốc hay tại sao các quốc gia như Indonesia, Philippines không phát triển mạnh điện gió?
Một điểm khác được PGS.TS Lê Văn Doanh nhắc lại, đó là các nhà đầu tư năng lượng tái tạo nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng, mới chỉ chạy theo việc kết nối lưới để bán điện, kiếm lợi nhuận chứ chưa tính đến các vấn đề khác như đầu tư thiết bị tích trữ điện để tránh phải cắt giảm công suất một cách lãng phí, hay kết hợp với ngành kinh tế khác để phục vụ cho lợi ích tổng thể quốc gia.
“Nếu nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo có năng lực tài chính mạnh, tự bỏ tiền ra làm dự án, không phải vay của ai và không làm cản trở đến ai thì bên mua sẵn sàng mua khi thấy cần thiết. Thực tế nhiều dự án cho thấy, nơi cần điện thì nhà đầu tư không có, họ đầu tư ở nơi không phát triển công nghiệp, ít người nên buộc phải tải đi nơi khác, những phần ấy ngành điện lực lại phải gánh chịu”, ông Doanh nói.
Cho nên, khẳng định phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, song vị chuyên gia ngành điện vẫn giữ quan điểm cần bình tĩnh đối với loại hình năng lượng này. Năng lượng tái tạo vẫn chỉ là phương án bổ sung, không thể trông cậy hoàn toàn vào nguồn năng lượng này bởi thiếu sự ổn định.
Đối với vấn đề năng lượng của Việt Nam, ông Doanh cho rằng tốt nhất là phát triển điện khí hóa lỏng. Việt Nam có tiềm năng lớn về khí, trước mắt khi chưa khai thác được thì có thể nhập từ một số nước lân cận.