Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngNhật Bản đang gắn kết vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông...

Nhật Bản đang gắn kết vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan với an ninh khu vực

Từ đầu năm 2021 đến nay, Nhật Bản luôn thể hiện một thái độ mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng so với chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe thì chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide còn thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trên cả vấn đề Biển Đông lẫn vấn đề Đài Loan.

Trong tháng 1/2021, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; khằng định lại giá trị pháp lý phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông và tinh thần thượng tôn pháp luật. Tiếp đó, trong các cuộc gặp gỡ song phương với các nước Mỹ, Úc, các nước châu Âu… hoặc đa phương trong khuôn khổ nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) các quan chức cấp cao Nhật đều bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhiều nhà quan sát thắc mắc, là đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực, song trong suốt nửa năm kể từ khi Mỹ công bố lập trường pháp lý về tranh chấp Biển Đông ngày 13/7/2020, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, song Nhật Bản vẫn im lặng trong khi các đồng minh của Mỹ như Úc, Anh, Pháp, Đức và cả Hà Lan đều đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Mỹ và các nước nhỏ ven Biển Đông. Tuy nhiên, cần hiểu sự thận trọng của người Nhật trong việc cân nhắc vấn đề một cách toàn diện bởi Nhật Bản cũng là láng giềng và đang có tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc và Thủ tướng Suga Yoshihide mới chỉ nhâm chức từ tháng 9/2020 phải cần có thời gian để giải bài toán lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức 1 ngày, chính quyền của Thủ tướng Suga đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm pháp lý rõ ràng của mình trên vấn đề Biển Đông. Kể từ đó, Tokyo có một quan điểm mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông và dường như có ý gắn kết vấn đề biển Hoa Đông với vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong chuyến thăm Mỹ trung tuần tháng 4/2021, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết chống lại “sự uy hiếp” của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông; nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như hành vi đe dọa các nước khác trong khu vực; cam kết làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc trên những vấn đề này để đảm bảo một tương lai của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đáng chú ý, Tuyên bố chung Mỹ – Nhật đã lần đầu tiên kể từ năm 1969 đề cập đến vấn đề Đài Loan; khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Sách Xanh Ngoại giao năm 2021 được Bộ Ngoại giao Nhật Bản đệ trình lên Nội các hôm 27/4, nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và các hoạt động của nước này ở biển Hoa Đông và Biển Đông “đã trở thành một mối quan ngại an ninh nghiêm trọng”; đồng thời, chỉ trích Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, nhất là việc cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí; lên án hoạt động của các tàu hải cảnh của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Liên minh châu Âu (EU) trực tuyến ngày 27/5, các lãnh đạo EU và Nhật Bản đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông trước việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh trong vùng. Thủ tướng Suga và các lãnh đạo EU nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan; nhất trí cần phải thúc đẩy giải quyết hòa bình những vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan. Thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Đài Loan, khiến Bắc Kinh hết sức tức tối. Trước đó, trong các cuộc gặp song phương với các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức… các quan chức cấp cao Nhật Bản luôn đề cập đến việc phản đối các hành vi phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Vì sao thời gian gần đây, chính quyền của Thủ tướng Suga có thái độ mạnh mẽ hơn trước các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và mới đây là thêm eo biển Đài Loan được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm và đưa ra những nhận định xung quanh vấn đề này. Nguyên nhân có thể là:

Thứ nhất, mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm và hiện hữu đối với Nhật Bản. Đặc biệt, việc Bắc Kinh lợi dung thế giới đang phải tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 gia tăng các hoạt động gây hấn, bắt nạt láng giềng đe dọa lợi ích an ninh, kinh tế của Nhật Bản.

Biển Hoa Đông là lợi ích thiết thân của Nhật Bản, quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý, song thời gian qua các tàu của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo này. Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch trong khu vực, gắn liền với các lợi ích kinh tế của Nhật Bản. Hàng năm có tới 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật đi qua Biển Đông. Nếu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và khống chế tuyến đường hàng hải qua đây, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải sẽ tăng gấp 5 lần, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với Nhật.

Chính quyền của Thủ tướng Suga cho rằng Nhật Bản cần phải can dự sâu hơn vào tranh chấp tại Biển Đông do các tranh chấp này có tác động đến các tranh chấp tại biển Hoa Đông và ảnh hưởng đến trật tự biển toàn cầu.

Thứ hai, việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, có hiệu lực từ đầu tháng 2/2021 cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài đe dọa trực tiếp tàu thuyền của Nhật Bản hoạt động trên tuyến hàng hải qua Biển Đông cũng như trên biển Hoa Đông, đặc biệt ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku.

Trên thực tế thời gian gần đây tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên đi vào lãnh hải 12 hải lý của quần đảo Senkaku, thậm chí truy đuổi tàu cá của Nhật Bản khiến tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) phải can thiệp để đảm bảo an toàn cho tàu đánh cá này. Trung tuần tháng 2/2021, ngay sau khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực, đã có 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi tàu cá của Nhật Bản ở khu vực Senkaku. Rõ ràng Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực đã gây cảm giác bất an đối với ngư dân Nhật Bản. Một số quan chức nghề cá của tỉnh Okinawa đã nói rằng “nhiều ngư dân sợ rằng nếu họ đánh cá quanh quần đảo Senkaku, họ sẽ bị các tàu Trung Quốc bắn”.

Một số chuyên gia cảnh báo việc Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép sử dụng vũ lực có thể dẫn tới xung đột giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với các tàu của Nhật; đồng thời khuyến nghị Nhật Bản cần nghiên cứu để sửa đổi Luật An ninh lãnh hải nhằm tăng quyền hạn cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và cho phép sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản để đáp trả hành vi vũ lực của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Thứ ba, nhằm “sửa chữa” những khiếm khuyết của chính quyền cựu Tổng thống Trump, chính quyền Tổng thống Biden tập trung củng cố quan hệ với các đồng minh và chủ trương phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong các vấn đề khu vực. Theo đó, Washington hết sức coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật trong việc ngăn chặn Trung Quốc. Chính quyền Thủ tướng Suga tranh thủ điều này để thúc đẩy quốc tế hóa các vấn đề ở biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan. Tokyo đã liên tục đề cập đến những hành vi hung hăng bắt nạt láng giềng ở cả biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc chỉ trích Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc tại các cuộc họp của nhóm “Bộ Tứ”, đồng thời gắn những vấn đề này với việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Thứ tư, thời gian gần đây, cùng với vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông Nhật Bản đề cập nhiều đến vấn đề hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan, coi đây là một vấn đề trọng tâm của an ninh khu vực. Hòa bình ổn định ở Đài Loan và eo biển Đài Loan liên quan trực tiếp đến an ninh của Nhật. Nếu Bắc Kinh khống chế eo biển Đài Loan thì sẽ rảnh tay xâm phạm các vùng biển của Nhật trên biển Hoa Đông, nhất là khu vực quần đảo Senkaku. Vừa qua, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Đài Loan bằng việc liên tiếp cho số lượng lớn máy bay xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan; cho tàu chiến các loại tiến sát Đài Loan, gây tình hình căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, đe dọa an ninh của Nhật Bản.

Đài Loan có vị trí quan trọng đối với bàn cờ địa chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, được coi là tàu sân bay không thể đánh chìm, là “lá chắn” ngăn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương. Duy trì nguyên trạng Đài Loan và eo biển Đài Loan không chỉ cấn thiết đối với an ninh của Nhật mà còn là lợi ích chiến lược của Mỹ, các đồng minh của Mỹ và cả Ấn Độ. Gần đây, giới cầm quyền Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố “không loại trừ khả năng dùng vũ lực thu hồi Đài Loan”, đồng thời uy hiếp Đài Loan cả trên không lẫn trên biển. Nhật chủ trương nêu vấn đề duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan trong các cuộc gặp của nhóm “Bộ Tứ” và trong cuộc họp với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) là nhằm tạo ra cơ chế phối hợp trong việc duy trì nguyên trạng hai bờ eo biển Đài Loan ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Thứ năm, Nhật Bản có ý gắn kết 3 vấn đề (Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan) với nhau bởi Nhật Bản nhận thức rằng để thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển”, vươn ra các vùng biển xa, mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là khống chế Biển Đông (cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc) và khống chế eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông để mở cánh cửa phía Đông ra Thái Bình Dương. Do vậy, cả ba vấn đề này có mối liên hệ qua lại mật thiết với nhau.

Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông và thu hồi Đài Loan, phá vỡ nguyên trạng 2 bờ eo biển Đài Loan thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến trên 3 mặt trận Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Nếu Nhật Bản tách rời vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông với vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan thì Nhật Bản sẽ bị đơn độc trong việc đối phó với Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định rằng Nhật Bản mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển để ngăn chặn sự hung hăng trên biển của Bắc Kinh. Nhật Bản muốn thông qua vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông trong ASEAN, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Một số học giả cho rằng Tokyo đang thực hiện theo triết lý “giúp người chính là tự cứu mình”.

Nhật Bản cho rằng khi phải tập trung sức mạnh vào Biển Đông và eo biển Đài Loan thì Bắc Kinh sẽ bị phân tán lực lượng, không thể tập trung toàn bộ vào biển Hoa Đông. Dương cao “ngọn cờ” đấu tranh với Trung Quốc trên cả 3 mặt trận (Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông) để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên biển bởi cả 3 vấn đề này liên quan đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và quốc tế.

Việc Nhật Bản cùng lúc nêu mạnh nguy cơ của Trung Quốc đối với Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông sẽ càng giúp cộng động quốc tế hiểu rõ “bộ mặt thật” của Bắc Kinh. Cách làm này của Nhật Bản đã có được những kết quả trên thực tế, các nước không còn tin vào những lời hứa hão huyền về “sự phát triển hòa bình của Trung Quốc” mà giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, bao gồm cả Tập Cận Bình suốt ngày ra rả. Tất cả đều nhận thức rõ về nguy cơ ngày càng lớn đến từ sự phát triển của Trung Quốc, chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Bắc Kinh.

Thứ sáu, Nhật Bản nâng cao sự cảnh báo về nguy cơ của Trung Quốc trên cả 3 vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan để khẳng định vai trò, vị thế của Nhật Bản với các đồng minh và trong thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở của nhóm “Bộ Tứ”. Là một nước liên quan trực tiếp và có vai trò quan trọng trên cả 3 vấn đề này, Nhật Bản sẽ là cầu nối để tăng cường sự can dự của các nước ngoài khu vực từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Úc vào vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Giới phân tích đang theo dõi các bước đi tiếp theo của Nhật Bản liên quan đến vấn đề biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan. Theo một số nguồn tin, cả 3 vấn đề này đã được đưa vào dự thảo Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản dự kiến được Tokyo công bố vào khoảng tháng 7 năm nay. Theo đó, Nhật Bản chỉ ra rằng với việc đẩy mạnh quân sự hóa trên biển, Bắc Kinh đang làm thay đổi về cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực có thể tác động đến hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vì vậy, Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng với các nước trong nhóm “Bộ Tứ” và kể cả một số nước châu Âu để duy trì một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới