Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếGiải mã việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông

Giải mã việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh bắt đầu thực hiện chuyến đi dài 28 tuần từ ngày 22/5. Trước khi tàu rời cảng, Nữ hoàng Elizabeth II đã đi trực thăng tới thăm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại căn cứ hải quân Portsmouth ở miền nam nước Anh. Việc Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm tàu ở tuổi 95 cho thấy sự coi trọng của Hoàng gia đối với tàu HMS Queen Elizabeth, được coi là biểu tượng sức mạnh của hải quân nước Anh thời hiện tại.

HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nó được khởi đóng từ năm 2009 với chi phí lên tới 4,2 tỷ USD. Con tàu có diện tích mặt boong 16.000 m2, gấp 2,5 lần sân vận động Wemble. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mô tả tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là “một tàu chiến, một tàu mẹ, một tàu trinh sát giám sát… và một cỗ máy triển khai sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của nước Anh”.

Khởi hành từ quân cảng Portsmouth, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi một khu trục hạm, một hộ vệ hạm, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ của Anh, cùng khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Có 10 máy bay phản lực F35-B của Mỹ, cùng 8 chiếc F35-B của Anh được triển khai trên tàu.

Việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông không phải là điều gì bất ngờ. Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là ông Gavin Williamson đã nói rằng chuyến triển khai làm nhiệm vụ đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ bao gồm Biển Đông. Tiếp đó, các quan chức cấp cao Anh nhiều lần khẳng định sẽ điều tàu HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông trong chuyến hành trình đầu tiên và nay Anh đã thực hiện đúng cam kết của mình.

Việc tàu của hải quân Anh tuần tra ở Biển Đông không phải điều gì mới mẻ. Năm 2018, tàu đổ bộ tấn công HMS Albion của Anh từng được triển khai đến Biển Đông và đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Trước phản ứng tức tối của Bắc Kinh cho rằng “Anh khiêu khích”, Bộ Quốc phòng Anh lúc đó đã khẳng định họ “thực hiện quyền tự do hàng hải”. Năm 2019, các tàu chiến của Anh và Mỹ cũng đã tiến hành 6 ngày diễn tập phối hợp ở Biển Đông.

Theo kế hoạch trong thời gian hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông lần này, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ thăm nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cùng hải quân nhiều nước tiến hành diễn tập quân sự. Việc Anh quốc điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông vào thời điểm hiện nay vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông vốn có quan hệ gắn chặt với Anh trong hơn 100 năm qua, nên London không muốn bị “chầu rìa” ở vùng biển này. Sau khi rời khỏi EU, thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương càng trở nên quan trọng nên London đã thi hành chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 16/3/2021, giữa lúc vẫn đang tiếp tục phải đối phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố báo cáo về tầm nhìn của nước Anh thời hậu Brexit khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây được xem là một trong những bước chuyển trong chính sách đối ngoại của London, nhằm hiện thực hóa chiến lược “nước Anh toàn cầu” giai đoạn hậu Brexit.

Anh có một số thuận lợi khi triển khai chính sách ở khu vực này vì hiện Anh quốc có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang ở Brunei, một căn cứ quân sự ở Oman và một bộ chỉ huy hàng hải ở Bahrain, Theo một số nguồn tin, để phát huy vai trò trong khu vực và thuận lợi cho việc thực hiện cam kết đối với châu Á, các quan chức quân đội Anh đang xem xét ý tưởng đặt một tàu sân bay ở châu Á trong dài hạn. London muốn thông qua việc điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực để chứng minh nước Anh hậu Brexit vẫn có vị thế quốc tế xứng đáng; đồng thời thể hiện quyết tâm của Anh trong việc can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng việc tăng cường hiện diện để đóng góp vào an ninh khu vực.

Thứ hai, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden thi hành chính sách củng cố các mối quan hệ đồng minh, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Anh là một đồng minh thân cận của Mỹ và đây là lúc London cần thể hiện rõ quyết tâm của mình trong việc đồng hành với Washington trong việc ứng phó với các thách thức đến từ Bắc Kinh.

Tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không chỉ có các chiến hạm của Anh mà còn có tàu khu trục của Hà Lan và tàu khu trục của Mỹ; trên tàu có cả máy bay của Anh và Mỹ; trong số 1.600 thủy thủ đoàn, có 250 thành viên thuộc lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ. Đây là một dấu hiệu chứng tỏ liên minh quốc phòng chặt chẽ giữa Anh và Mỹ và các đồng minh NATO, đồng thời thể hiện sự đoàn kết và khả năng phối hợp tác chiến với các đối tác quốc phòng NATO để khẳng định sức mạnh vượt trội so với đối thủ trên các vùng biển, kể cả ở Biển Đông.

Thứ ba, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng đẩy mạnh các yêu sách phi lý ở Biển Đông, gia tăng các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng từ Biển Đông tới biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, Anh là nước tích cực nhất trong việc đồng hành cùng Mỹ trong các chính sách với Trung Quốc từ việc tẩy chay, cấm mạng 5G của Huawei đến việc lên tiếng về các hành vi của Trung Quốc ở Hong Kong, Tân Cương và thể hiện quan điểm trên vấn đề Biển Đông.

Anh là nước duy nhất có Tuyên bố riêng của Bộ Ngoại giao bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (đầu tháng 9/2020) giống như Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm hôm 13/7/2020; tiếp đó, Anh cùng Pháp, Đức gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, khẳng định giá trị pháp lý phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giống như các nước Úc, Nhật đã làm. Anh cũng là đồng minh duy nhất đưa tàu vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa như Mỹ đã nhiều lần thực hiện FONOP ở quần đảo Hoàng Sa thời gian qua.

Việc nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hoạt động ở Biển Đông không chỉ thể hiện thái độ cứng rắn của London trước các hành vi gây hấn hiếu chiến của Bắc Kinh với các nước láng giềng trên Biển Đông mà còn chuyển tới lãnh đạo Trung Quốc thông điệp mạnh mẽ rằng Anh sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước trong việc ngăn chặn tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Thứ tư, Anh có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế huyết mạch ở khu vực. Biển đông được coi là vùng biển cốt yếu trong hải trình giao thương của Anh. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019, khoảng 12% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, trong giao thương xuất nhập khẩu của Anh, trị giá khoảng 97 tỉ USD đi qua Biển Đông. Do vậy, London không thể để Biển Đông bị biến thành “ao nhà” của Bắc Kinh.

Việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hoạt động ở Biển Đông trong chuyến hành trình đầu tiên cho thấy London đang theo đuổi những bước đi dài hơi để thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông. Không chỉ phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Anh còn lên án các hành động của Trung Quốc gây sự với Nhật ở biển Hoa Đông và hết sức bất bình trước việc Bắc Kinh liên tiếp tiến hành các cuộc xâm nhập trên không và trên biển xung quanh Đài Loan làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Đầu tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Anh – Nhật, hai bên đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, phản đối hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực, đồng thời phía Anh chính thức thông báo cho Nhật Bản việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 21/5, một ngày trước HMS Queen Elizabeth rời cảng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm và phát biểu về mục tiêu chuyến hành trình của nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth: “Một trong những điều chúng tôi (nước Anh) sẽ làm rõ là chứng minh cho những người bạn của chúng tôi ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin tưởng vào luật biển quốc tế theo một cách tự tin nhưng không đối đầu”; “Chúng tôi không muốn gây sự với bất kỳ ai, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh đóng một vai trò rất quan trọng, với bạn bè và đối tác, người Mỹ, người Hà Lan, người Úc, người Ấn Độ và nhiều người khác, trong việc duy trì sự thượng tôn pháp luật, hệ thống dựa trên quy tắc quốc tế mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào”.

Giới quan sát cho rằng việc nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hoạt động ở Biển Đông là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông.

Trước hết, sự hiện diện của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông góp phần duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, duy trì hòa bình ổn định và tự do an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông qua Luật hải cảnh mới và Luật An toàn giao thông hàng hải mới nhằm đơn phương áp dụng ở Biển Đông, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hoạt động ở Biển Đông sẽ trở thành nhân tố quan trọng phá vỡ mưu toan này của Bắc Kinh.

Hai là, sau khi trở thành “Ông Chủ Nhà Trắng”, Tổng thống Biden thúc đẩy chính sách lôi kéo các đồng minh cùng tham gia vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực; chủ trương khuyến khích các đồng minh can dự vào Biển Đông. Việc London triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông cho thấy Washington không đơn độc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này cũng cho thấy Bắc Kinh ngày càng đơn độc hơn trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông.

Một số học giả cho rằng việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông là “một cú đấm” trực diện vào đòi hỏi vô lý của Bắc Kinh gạt các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông. Động thái này của Anh có ý nghĩa tiếp thêm động lực cho các nước Đông Nam Á chống lại yêu cầu phi lý này của Trung Quốc trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ba là, lâu nay giới cầm quyền Bắc Kinh luôn lu loa đổ lỗi cho Mỹ là “nguyên nhân gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông”, phản đối việc Mỹ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông. Nay với sự vào cuộc của tàu sân bay Anh đã khẳng định rõ ràng rằng không chỉ có Mỹ quan tâm đến tình hình Biển Đông mà các quốc gia châu Âu ở rất xa Biển Đông cũng không thể chấp nhận cách hành xử cưỡng ép, bắt nạt láng giềng theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” của Bắc Kinh. Sự hiện diện của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã đập tan luận điệu vu cáo trắng trợn lâu nay của Bắc Kinh; đồng thời khẳng định một cách rõ ràng rằng chính những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông mới là nguyên nhân làm leo thang căng thẳng, thôi thúc các nước cùng chung sức chống lại.

Việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện diện trên Biển Đông phát đi thông điệp cảnh báo cho thế giới rằng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là vấn đề đối với tất cả các bên, không chỉ các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Bốn là, động thái đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông không chỉ phản ánh sự bức xúc của Anh mà còn thể hiện sự quan ngại sâu sắc của cả châu Âu, trong đó có khối quân sự NATO đối với sự hung hăng bắt nạt các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc. Cuối năm 2020, NATO đã ra báo cáo, gọi sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là mối đe dọa đối với liên minh. Báo cáo của NATO nhấn mạnh:

“Trung Quốc có một chương trình chiến lược ngày càng lan tỏa mạnh ra toàn cầu, được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và quân sự. Nước này đã chứng tỏ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại các nước láng giềng, cũng như cưỡng ép kinh tế và ngoại giao vượt cả ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Cuối cùng, ngày 26/5, truyền thông Mỹ đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ được điều đến Trung Đông để yểm trợ quá trình rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Một số ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng khoảng trống khi không có tàu sân bay Mỹ nào hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương để làm càn, gia tăng gây hấn với các nước láng giềng trên biển. Đó lại chính là quãng thời gian nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth (với sự tham gia của tàu chiến Mỹ và Hà Lan) có mặt ở khu vực. Giới quan sát cho rằng dường như có một sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Anh trong việc điều chuyển lực lượng trong khu vực, kể cả ở Biển Đông. Điều này khẳng định rõ tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden về việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong việc sát cánh cùng các nước ven Biển Đông ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

Động thái mới này của Anh là có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc nên chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh, chào đón của các nước ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới