Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông liệu có bình yên trước những toan tính của Mỹ...

Biển Đông liệu có bình yên trước những toan tính của Mỹ và TQ?

Cuối năm 2020, nước Mỹ tập trung vào bầu cử Tổng thống, nên hoạt động ở Biển Đông phần nào có giảm hơn, trong khi đó các bên còn lại cũng “chờ đợi và theo dõi” kết quả cuộc bầu cử của Mỹ để có sự tính toán trong bước đi tiếp theo ở Biển Đông. Vì vậy, từ tháng 11/2020 đến nay, tuy không xảy ra sự kiện “nóng” nào gây   chú ý nhiều của dư luận trong khu vực và thế giới, song Biển Đông dường như sẽ không “lặng sóng” mà vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng hơn trong thời gian tới. Điều này chủ yếu xuất phát từ toan tính và hành động của Mỹ và Trung Quốc, hai nước lớn với nhiều ảnh hưởng tại khu vực.

Trước hết, cần phải thấy rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc, nghĩa là cùng với Nga, Trung Quốc được Mỹ xác định là “đối thủ số 1”. Ngay trong quá trình tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đã từng nói: “Mỹ cần phải cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc”. Còn trong hơn 100 ngày đầu tiên cầm quyền, ngoài việc ông Joe Biden bổ nhiệm vào nội các mới nhiều nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, thì từ khóa được Chính quyền của ông đề cập và nhắc tới nhiều nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang từng bước tìm cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mai; tập trung cạnh tranh với Bắc Kinh về các lĩnh vực chiến lược như công nghệ di động 5G, trí tuệ nhân tạo… Tất nhiên, Mỹ vẫn hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết một số vấn đề khác như biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân Iran… Mới đây nhất, ngày 26/5/2021, khi phát biểu tại Đại học Stanford, Điều phối viên phụ trách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, ông Kurt Campbell đã khẳng định, chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ sẽ đi theo “các tham số chiến lược mới”, nhấn mạnh yếu tố “cạnh tranh”, đồng thời cho rằng, chính các chính sách cứng rắn của Trung Quốc như tiến hành ngoại giao “chiến lang” với các nước trong khu vực Biển Đông, đụng độ với Ấn Độ ở biên giới, gây sức ép kinh tế với Australia… là nguyên nhân chính khiến Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn hơn đối với nước này. Biển Đông vẫn là “mặt trận” chính để Chính quyền Joe Biden tập hợp lực lượng, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, song bước đi và cách làm sẽ bài bản, chặt chẽ và có tính chiến lược hơn. Theo đó, Mỹ sẽ đẩy mạnh can dự trên lĩnh vực ngoại giao và pháp lý, đồng thời giữ nhịp độ tiếp cận trên thực địa để tập hợp đồng minh, đối tác. Theo Trung tâm Thăm dò tình hình Biển Đông (SCSPI) tại Bắc Kinh, trong tháng 5/2021, Mỹ đã tiến hành 72 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2020 (35 chuyến). Trong số 72 chuyến bay này, hải quân thực hiện 57 chuyến, còn lại là của không quân. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping rằng: “Năng lực của quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục được cải thiện khiến quân đội Mỹ càng lo lắng. Nói cách khác, quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng chiến đấu. Do đó, Mỹ cần tăng cường các chuyến bay trinh sát nhằm vào quân đội Trung Quốc”.

Tuy nhiên, sự gia tăng can dự và hiện diện của Mỹ sẽ được Trung Quốc lấy đó là cái cớ để nước này tăng cường hoạt động đáp trả, thể hiện năng lực, quyết tâm bảo vệ “lợi ích cốt lõi”. Nhiều học giả nghiên cứu chính trị quốc tế cho rằng, Biển Đông sẽ “nóng” hơn, thậm chí có nguy cơ xảy ra va chạm khi cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi chính sách cứng rắn. Việc hai nước cùng điều động tàu sân bay đến Biển Đông tập trận trong những tháng đầu năm 2021 là hành động rất có thể xảy ra tình huống này.

Đối với Trung Quốc, nguy cơ Biển Đông sẽ leo thang căng thẳng hơn trong thời gian tới do nước này gây ra là có thật, bởi vì:

Thứ nhất, như đã biết, việc duy trì nguyên trạng như hiện nay sẽ gây ra tổn hại đến lợi ích lâu dài của các nước ASEAN có tranh chấp và dẫn đến tình huống các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc liên tục phải “nhường” quyền kiểm soát Biển Đông cho Trung Quốc. Thực tế này được thể hiện rõ nét qua những diễn biến trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong thời gian qua. Dường như chiến lược tổng thể của các bên tranh chấp là tham gia các cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho các yêu sách lãnh thổ chồng lấn, đồng thời xây dựng và củng cố các đảo nhỏ mà họ đang kiểm soát trên thực tế để tạo ra tình huống “sự đã rồi” nhằm củng cố các yêu sách của họ. Tuy nhiên, quy mô và sức mạnh quân sự, kinh tế áp đảo của Trung Quốc đã cho phép nước này hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các nước ASEAN có tranh chấp. Vì vậy, theo thời gian, Trung Quốc sẽ loại bỏ họ và giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực Biển Đông. Trung Quốc cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia đều đang chiếm giữ các đảo nhỏ trong một số khu vực ở Biển Đông, tuy nhiên, Trung Quốc là nước chủ động nhất trong việc cải tạo và xây dựng các cảng và đường băng phục vụ nhu cầu hoạt động trong khu vực.

Thứ hai, Trung Quốc đã tiến một bước xa hơn khi tìm cách làm suy yếu nỗ lực của các bên tranh chấp khác nhằm đảm bảo quyền kiểm soát ở Biển Đông. Trên thực tế, Bắc Kinh đã chiếm lại và phong tỏa hiệu quả một số tiền đồn trên biển do các bên tranh chấp khác kiểm soát, áp dụng bước đi được gọi là “chiến lược bắp cải”, trong đó có việc bao vây các tiền đồn bằng các tàu hải quân và tàu cá. Philippines và Việt Nam đều là đối tượng của chiến lược này trong thập kỷ qua. Và mặc dù cách tiếp cận mang tính hòa giải mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thực hiện với Trung Quốc đã làm giảm áp lực mà nước ông phải đối mặt trong những năm gần đây, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể nhanh chóng tăng tốc “chiến lược bắp cải” nếu các quốc gia “đối thủ” ở Biển Đông đẩy mạnh hơn nữa các tuyên bố chủ quyền của mình – điều mà các nước này đã làm và rất cần phải làm trong thời gian tới.

Thứ ba, mặc dù các quốc gia ASEAN đã có sự liên kết với nhau nhiều hơn để tăng cường khả năng thương lượng và xây dựng các biện pháp phòng thủ của riêng mình nhằm ngăn chặn bước tiến của Bắc Kinh ở Biển Đông, thế nhưng những việc làm đó chưa đủ độ, và nó cho thấy một thực tế là các nước này vẫn cần phải có sự “hỗ trợ” từ một cường quốc bên ngoài để đẩy lùi Bắc Kinh trên Biển Đông một cách hiệu quả hơn. Cho đến nay, các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông có thể phần nào dựa vào việc Mỹ tiến hành định kỳ các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để làm chậm lại bước tiến của Bắc Kinh, hoặc như gần đây nhất là vào tháng 7/2020, thời điểm cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, đã tạo động lực cho các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và các nước bên ngoài khu vực cùng lên tiếng đấu tranh với Trung Quốc.

Có một điều đáng quan tâm là, nhận thức được khả năng về sự can thiệp của “bên thứ ba” có thể sẽ phá vỡ chiến lược của mình, nên từ lâu Trung Quốc đã duy trì lập trường chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào các cuộc đàm phán với ASEAN về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 8/2018, 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất (SDNT) – cơ sở để thông qua COC. Tuy nhiên, kế hoạch ký kết COC vào năm 2021 này xem ra rất khó trở thành hiện thực do Trung Quốc có một số đề xuất không phù hợp nhằm hạn chế, nếu không muốn nói là loại trừ sự tham gia của các “bên thứ ba” không phải là thành viên của COC. Như vậy có thể thấy rằng, tiến độ đàm phán COC nhanh hay chậm, tiến triển hay bế tắc, về cơ bản phụ thuộc vào các bên đàm phán, nhưng quan trọng hơn cả là quyết tâm của Trung Quốc. ASEAN, nhất là các thành viên có tranh chấp, cùng nhiều nước đối tác mong muốn sớm đạt được COC có tính ràng buộc, minh bạch, phù hợp luật pháp quốc tế và bảo đảm quyền lợi của các nước khác; trong khi đó, Bắc Kinh lại muốn đạt được lợi ích tối đa, ngăn các nước ngoài khu vực can dự và không muốn bị “trói tay”. Tiến trình đàm phán COC sẽ còn nhiều chông gai do mục tiêu thực sự của các bên đàm phán khác nhau, vì thế tình hình Biển Đông sẽ còn ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp khi khi tham vọng của Trung Quốc ngày càng lớn. Không loại trừ tình huống Trung Quốc sẽ làm một “việc đã rồi” tiếp theo ở Biển Đông, trước khi nước này có một sự “nhân nhượng” nào đó với các nước ASEAN trong đàm phán COC.  

Thứ tư, thái độ nghi ngại về sự tham gia của bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ, được cho là lý do chính khiến Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông trong thời gian tới. Cho đến nay, Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, như tiến hành các cuộc tập trận hải quân với cường độ ngày càng cao hơn, nhiều hơn, có sự tham gia của máy bay chiến đấu, tàu chiến đồn trú ở Hồng Kông và máy bay ném bom tầm xa, đặc biệt là có sự tham gia của tàu sân bay. Trung Quốc có thể đáp trả sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ bằng cách tuyên bố “Vùng nhận dạng phòng không” trên một số khu vực ở Biển Đông, như họ đã làm ở một số khu vực của biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, để củng cố các tuyên bố của mình. Tuy nhiên, điều đó được cho là khó có thể xảy ra ngay lúc này bởi nó sẽ đánh dấu một sự leo thang đáng kể, song vẫn không thể loại trừ tình huống này. Và khi mà Trung Quốc đưa ra những hành động mạnh mẽ như vậy thì rất có thể sẽ đẩy các nước ASEAN tham gia ký kết COC vào vòng tay của Mỹ. Bắc Kinh sẽ càng “tức giận” mà tiếp tục nỗ lực đẩy lui Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ vẫn đang xấu đi.

Thứ năm, gần đây có tin cho rằng, Campuchia có thể cho phép Trung Quốc tiếp cận một số căn cứ không quân và hải quân của mình. Nếu điều đó xảy ra thì Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế hơn nữa trong việc triển khai sức mạnh ở Biển Đông. Mặc dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phủ nhận những thông tin này, nhưng theo dư luận thì Campuchia là “láng giềng thân cận” thứ hai của Trung Quốc ở châu Á sau Triều Tiên, nên thông tin này không hẳn là “hoang đường”. Đáng chú ý, theo hãng tin Reuters, ngay sau chuyến thăm Campuchia ngày 01/6/2021 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ – bà Wendy Sherman, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tham gia một dự án cải tạo quy mô lớn ở căn cứ hải quân Ream tại Campuchia, các báo cáo “đáng tin cậy” cho thấy, dự án này là một khu vực hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc? Ngày 3/6/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cũng đã xác nhận Trung Quốc đang hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân này.

Thứ sáu, có lẽ quan trọng nhất là việc Trung Quốc đã và đang nhận ra một điều rằng, họ không có nhiều thời gian để thực hiện một chính sách đối ngoại quyết đoán trong một hoặc hai thập kỷ tới, bởi vì các nguồn lực kinh tế của họ có thể sẽ sớm cạn kiệt do dân số già. Do đó, Bắc Kinh khó có thể lùi bước trong vấn đề Biển Đông, thậm chí phải tăng tốc hơn, cho dù Mỹ đã làm rõ quan điểm của mình đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này. Điều này càng củng cố thêm nhiều nhận định cho rằng, Biển Đông sẽ là một trong những “chiến trường” có nhiều rủi ro hơn với khả năng diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự khi hai bên tiếp tục đối đầu với nhau bằng các chiến dịch tự do hàng hải và các cuộc tập trận quân sự dày đặc hơn, với nhiều phương tiện hiện đại nhất hiện nay, trong đó có cả tàu sân bay của hai bên đều được huy động tham gia.

Như vậy, các diễn biến về pháp lý, ngoại giao và trên thực địa ở Biển Đông, cũng như toan tính và bước đi của Mỹ, Trung tại khu vực đang cho thấy, Biển Đông vẫn là khu vực trọng điểm, nơi Mỹ – Trung thể hiện sự cọ xát địa chiến lược nhiều nhất, nên nguy cơ leo thang căng thẳng, thậm chí là xung đột quân sự ở mức độ vừa, khó có thể giảm xuống trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới