Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ quyết liệt hơn với Huawei và ZTE

Mỹ quyết liệt hơn với Huawei và ZTE

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ ngày 17/6 đã thông qua kế hoạch cấm các công ty viễn thông Mỹ cài đặt và sử dụng thiết bị của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, theo kế hoạch này Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ không phê duyệt các đơn xin cấp phép từ các công ty này và cũng có thể thu hồi giấy phép ủy quyền thiết bị đã cấp cho các công ty này trước đây.

Quyền Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel cho biết: Biện pháp mới sẽ giúp loại trừ các thiết bị không đáng tin cậy khỏi mạng truyền thông của Mỹ. Bà nói: “Quy trình ủy quyền thiết bị của Mỹ đã tạo cơ hội cho các thiết bị của Huawei và các công ty Trung Quốc khác được sử dụng. Vì vậy, chúng tôi khuyên các bạn nên đóng cánh cửa đó lại”. Ủy viên FCC Brendan Carr thì cho biết kể từ năm 2018, FCC đã phê duyệt hơn 3.000 đơn xin phép đăng ký bán sản phẩm của Huawei.

Vào tháng 3 năm nay, FCC đã liệt kê 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co., Ltd. và Zhejiang Dahua Technology Co., Ltd.

Công ty Huawei đã ra tuyên bố nói rằng, các sửa đổi của FCC là “các trừng phạt gây hiểu lầm và không cần thiết” và dựa trên “các phán đoán kiểu dự đoán” vì việc cấm mua do quốc gia xuất xứ hoặc do thương hiệu thiết bị là không có cơ sở và mang tính kì thị; đều không giúp được gì cho việc bảo vệ mạng thông tin liên lạc và chuỗi cung ứng của nước Mỹ.

 Bên cạnh đó, hãng tin Anh Reuters Anh hôm nay (18/6) dẫn thông tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định ký sắc lệnh hành pháp mới cưỡng chế một số ứng dụng từ các nước thù địch như Trung Quốc và Nga phải thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ dữ liệu người dùng, nếu không Washington có thể cấm các ứng dụng hay chương trình này được sử dụng ở Mỹ.

Theo các quan chức quen thuộc với vấn đề này tiết lộ, Bộ Thương mại Mỹ có thể đưa ra trát đòi hầu tòa để yêu cầu cung cấp thông tin về chương trình của điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính, sau đó đàm phán về điều kiện sử dụng của chúng ở Mỹ, hoặc thậm chí cấm hoàn toàn chúng. Bộ trưởng Thương mại Gina Marie Raimondo sẽ quyết định các chương trình mục tiêu, nhưng chúng phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Ví dụ, các chương trình do các cá nhân hoặc tổ chức hỗ trợ hoạt động quân sự hoặc tình báo ở các quốc gia như Trung Quốc và Nga sở hữu, kiểm soát và quản lý. Nếu bà Raimondo xác định một chương trình nào có những rủi ro không thể chấp nhận được, công ty có liên quan sẽ có 30 ngày để phản đối hoặc gửi đề xuất để bảo vệ dữ liệu tốt hơn. Các quan chức chỉ ra rằng WeChat, TikTok và 8 chương trình khác của Trung Quốc đã bị chính quyền Trump cấm trước đây sẽ là đối tượng bị giám sát. Các quy định mới cũng áp dụng cho các chương trình về ngân hàng, truyền thông và kinh doanh tiêu dùng.

Tổng thống Joe Biden trước đó đã thu hồi lệnh cấm đối với các ứng dụng Trung Quốc dưới thời Trump. Các quan chức cho biết Nhà Trắng đồng ý với những lo ngại của chính quyền Donald Trump trước đó rằng Trung Quốc có thể theo dõi nhân viên chính phủ Mỹ, thiết lập cơ sở dữ liệu cá nhân để tống tiền và hoạt động gián điệp thương mại. Lệnh hành pháp mới tạm thời chưa nêu tên các công ty vào thời điểm hiện tại, nhưng có thể bị cấm nhiều hơn thời Tổng thống Trump. Mỹ đã liên lạc với các đồng minh của mình về vấn đề này và hy vọng rằng họ cũng sẽ có những hành động tương tự.

Cụ thể, ngày 9/6 Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mới nhằm thu hồi một loạt lệnh cấm đối với TikTok và WeChat dưới thời chính quyền Donald Trump và đổi thành ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ hành động đánh giá lại về rủi ro an ninh đối với các đơn đăng ký của các ứng dụng của các quốc gia đối thủ; đồng thời nêu rõ đối thủ nước ngoài bao gồm Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 15/6 trả lời rằng bà hiện đang xem xét toàn diện các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc.

Trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Biden rút lệnh cấm hành chính của ông Trump đối với các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, nhưng đổi thành ứng dụng của quốc gia đối thủ cần đánh giá lại về rủi ro an ninh; ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã phản hồi, nói Trung Quốc luôn thúc giục Mỹ thực sự tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, chấm dứt việc tầm thường hóa khái niệm an ninh quốc gia; chấm dứt việc lạm dụng quyền lực quốc gia để đàn áp một cách vô lý các công ty công nghệ Trung Quốc; đối xử với các công ty Trung Quốc một cách công bằng, công chính và không phân biệt đối xử. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới