Nguyên văn câu thành ngữ là “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”. Nghĩa là việc gì cũng vậy, nên nói thẳng vào câu chuyện, sự việc tốt hơn là rào đón mất thì giờ và thiếu thành thật. Tuy nhiên, trong ngoại giao, đôi khi vẫn phải vòng vèo như thế.
Dùng dữ liệu GPS để theo dõi hoạt động đốn gỗ lậu ở Prey Lang
Thế gọi là ý nhị, nói khéo. Nói khéo bằng cách không nói thẳng tuồn tuột điều cần nói. Không nói thẳng, nhưng vẫn muốn đối tác phải tự hiểu ra. Không hiểu, chẳng hóa ra phí lời, không đạt mục đích?
Trong ngoại giao, kẻ nói khéo kiểu này thường là nước dưới, chịu lép vế trước nước lớn, mạnh hơn, hoặc trước nước mà mình mang ân mang oán.
Mỹ vừa là cường quốc số 1 thế giới. Cũng là nước không hề có hẹp bụng, hẹp lòng với ông bạn phía Nam của bán đảo Đông Dương từ nhiều năm nay. Nghĩa là, chẳng chút lên gân, “đất nước chùa tháp” dẫu chứa đựng bao nhiêu bí ấn và kỳ vĩ, Washington vẫn hoàn toàn có thể trịch thượng nói thẳng những điều mình không bằng lòng.
Vậy mà chuyện đó đã không xảy ra. Mới đây, Washington đã chọn cách nói…vòng để Phnompenh tự mà hiểu lấy.
Là đang nói đến chuyện Mỹ vừa thông báo sẽ kết thúc sớm gói viện trợ 21 triệu USD cho dự án bảo tồn Prey Lang ở Campuchia. 21 triệu đô, đâu có là món tiền nhỏ. Càng không nhỏ trong bối cảnh các hoạt động kinh tế gần như tê liệt trong gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Không nhỏ nên sự mất mát đó có thể ví như tin “sét đánh ngang” với các nhà lãnh đạo Campuchia vậy.
Giải thích cho quyết định đường đột này, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia nói rằng: Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ dừng dự án trên vì Chính phủ Campuchia không đủ hành động để ngăn tình trạng chặt phá rừng ở đây, khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Trong thông báo, Đại sứ quán Mỹ còn nhấn mạnh: Prey Lang nằm ở phía bắc Campuchia, khu vực rừng tự nhiên lớn nhất còn sót lại ở lục địa Đông Nam Á, đã mất 38.000 ha rừng – gần 9% – kể từ năm 2016. “Tình trạng chặt phá rừng tiếp diễn ở trong và xung quanh khu bảo tồn hoang dã Prey Lang, và giới chức Campuchia đã không trừng phạt tội phạm phá rừng một cách phù hợp hoặc chặn đứng các hoạt động trái phép này”. Mỹ còn cáo buộc Chính phủ Campuchia đã không lắng nghe các cộng đồng địa phương và đối tác xã hội dân sự khi họ bày tỏ quan ngại về tình trạng mất rừng, tới mức, có người kêu: “Rừng gì nữa, giờ này nó như cánh đồng!”,
Cứ ngỡ chỉ là câu chuyện rừng rú. Vậy mà không. Nhiều người lập tức liên hệ ngay tới một sự việc tận miền viễn hải của Campuchia.
Không nên vội trách dư luận suy diễn. Có lý do để mà liên hệ câu chuyện trên rừng, với câu chuyện dưới bể, nếu biết rằng, chỉ đúng 7 ngày trước, giới chức Campuchia đã khiến ông Marcus Ferrara – tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại nước này – đã cả giận vì cho là bị làm cho mất thể diện. Cụ thể, trong chuyến thăm quân cảng Ream tại tỉnh Sihanoukville, phía Campuchia đã từ chối yêu cầu của ông được thăm toàn bộ cơ sở vốn đang được mở rộng tại quân cảng quan trọng này. Nên nhớ, chuyến thăm của vị tùy viên quân sự đã được đích thân Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có lời với Thủ tướng Hunsen trong cuộc gặp tại Phnom Penh hôm 1/6. Thế nên ông Marcus Ferrara không giận sao được? Giận đến mức, ông này đã phản ứng bằng cách đùng đùng “kết thúc sớm” chuyến thăm.
Cho dù giới chức Campuchia có giải thích cách nào, Washington cũng khó mà thụ lý. Bởi họ thừa biết, trở ngại chính khiến Campuchia không thể đáp ứng yêu cầu của ông Marcus Ferrara là không muốn Mỹ nắm bắt được một cách cụ thể Trung Quốc đã và đang làm gì tại một quân cảng có vị trí cực kỳ chiến lược trong việc mở rộng ảnh hưởng ra Biển Đông? Có thật là Trung Quốc đang “giúp Campuchia có một địa điểm thích hợp, một xưởng sửa chữa tàu bè và một bến cảng neo đậu” như Campuchia đã thông báo hay không? Trung Quốc đã và đang làm gì trên địa điểm một tòa nhà do Mỹ xây dựng từ trước vừa bị Campuchia dỡ bỏ?
Thế nên, trước khi có những động thái cứng rắn tiếp theo, trước hết, Washington hãy “nói gần, nói xa” với ông bạn nhỏ Campuchia bằng việc “cắt” khoản viện trợ 21 triệu USD này đã.