Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh “tế nhị”?

Bắc Kinh “tế nhị”?

Thông tin chỉ được công bố sau khi vụ việc xảy ra  hơn một năm. Và thêm một điều đặc biệt, trong bản tin, Bắc Kinh cũng không nêu cụ thể, họ đã “đuổi cổ” máy bay của quốc gia nào. Nó khiến nhiều người buộc phải hiểu một cách mơ hồ  như là những “máy bay lạ”.

Máy bay tiêm kích của Trung Quốc

Thông thường, với các thông tin được coi là đặc biệt nhạy cảm, các cơ quan chính thức như Đài truyền hình Trung ương (CCTV), Nhân dân Nhật báo chưa tiện phát ngôn, thì Thời báo Hoàn cầu lên tiếng. Là một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ, nhưng ai cũng biết, Thời báo Hoàn cầu dường như được phân công một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là luôn to tiếng, gay gổ với các đối thủ của Trung Quốc; luôn hợm hĩnh lên giọng kẻ cả với các nước láng giềng, thậm chí, kể cả với Mỹ, trong vấn đề Biển Đông.

Vậy mà trong vụ việc có thể coi là “tế nhị” này, cả CCTV và Thời báo Hoàn cầu cùng lên tiếng trong một thời điểm.

Cụ thể, ngày 21/6/2021, hai cơ quan truyền thông quan trọng bậc nhất của Trung Quốc công bố một thông tin khiến các chuyên gia quốc tế và dư luận coi là “ngạc nhiên”. Đó là hồ sơ về về việc các máy bay chiến đấu phản lực của Trung Quốc trục xuất nhiều máy bay chiến đấu nước ngoài ra khỏi khu vực được coi là Biển Hoa Nam (Biển Đông) trong tháng 5/2020.  

Hồ sơ mô tả rằng: Lữ đoàn không quân trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam – đơn vị chịu trách nhiệm giám sát vùng biển và bầu trời trên Biển Đông  của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc  (PLA), tháng 5/2020, đã phát hiện một số máy bay quân sự nước ngoài đang tiến hành trinh sát cự ly gần một số địa điểm của Trung Quốc. Lập tức, lữ đoàn không quân nêu trên đã cho các máy bay Su – 30 cất cánh, bám sát các máy bay quân sự nước ngoài kia,  phát tín hiệu cảnh báo.

Hồ sơ mô tả, mặc dù vậy, các máy bay chiến đấu nước ngoài tỏ ra rất bướng bỉnh, nhất quyết tiếp cận, thay phiên nhau “vờn” các máy bay của PLA. Chỉ khi một một phi công dày dạn kinh nghiệm của PLA thực hiện một động tác tấn công giả, các máy bay kia mới hốt hoảng rút lui, vì nghĩ sắp ăn tên lửa của viên phi công này. Theo đó, lực lượng không quân Trung Quốc đã hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền không phận của mình trên Biển Đông.

“Một bản tin không hoàn chỉnh” – như một số chuyên gia bình luận.

Là bởi, trong bản tin này, dù lực lượng không quân của PLA được mô tả là quả cảm và trên cơ, nhưng lại không nêu cụ thể, máy bay quân sự  “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc (?) là của quốc gia nào.  Nó khác với thông lệ: nhiều khi chẳng hề có chuyện gì xảy ra, Bắc Kinh vẫn đặt điều và toáng lên trước thiên hạ, đổ nghiến cho một ai đó phải “chịu trách nhiệm” về những hậu quả có thể xảy ra.

Thái độ khó hiểu đó của Bắc Kinh khiến dư luận cho rằng: rất có thể, các máy bay xâm phạm không phận thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà Bắc Kinh  cố tình không nêu quốc tịch, chỉ có thể là máy bay Mỹ.

Lý do của sự suy diễn đó là, trước khi thông tin vụ việc này được công bố, theo tổ chức Sáng kiến Nhận diện Tình hình Chiến lược Nam Hải (Biển Đông – SCSPI), một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, trong tháng 5/2020, Mỹ đã điều ít nhất 35 máy bay do thám cỡ lớn đến Biển Đông. Vẫn theo tổ chức này, cùng tháng này của năm 2021, Mỹ còn tăng cường, cho ít nhất 72 máy bay do thám tới khu vực này.

Và vì là Mỹ – đối thủ tới thời điểm này, vẫn còn là quá nặng ký, nên Trung Quốc, dù vô cùng giận dữ, vẫn cắn răng chịu đựng, không những không hô hoán tức thời khi vụ việc vừa bị phát giác, mà còn “tế nhị” không chỉ đích danh, chỉ chỉ nêu mơ hồ như một loại “máy bay lạ”. Tuy nhiên, dù vậy, với việc công bố hồ sơ vụ việc trên, dư luận có cơ sở để cho rằng: một thông điệp cứng rắn là điều Bắc Kinh muốn chuyển tới Washington?

RELATED ARTICLES

Tin mới