Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngBài học từ Philippines và Malaysia trên vấn đề Biển Đông

Bài học từ Philippines và Malaysia trên vấn đề Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông liên quan đến 5 nước 6 bên (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan), trong đó 3 nước có liên quan trực tiếp nhiều nhất trong tranh chấp với Trung Quốc là Việt Nam, Philippines và Malaysia (vừa có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa lẫn vùng biển); Brunei là nước nhỏ lại chỉ liên quan đến vùng biển tranh chấp, Đài Loan không có tiếng nói ngoại giao nên dù rằng đang chiếm đóng tại Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa nhưng hầu như không có tiếng nói trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Dẫu biết rằng mỗi quốc gia có cách ứng xử khác nhau để bảo ích lợi ích cao nhất của đất nước. Thậm chí mỗi chính quyền ở các quốc gia cũng có những chính sách và biện pháp khác nhau để xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia trong từng giai đoạn của lịch sử. Tuy nhiên, việc Malaysia và Philippines xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông thời gian qua đã cho ta những bài học quý giá.

Bài học thứ nhất là từ sự thất bại trong chính sách “ngoại giao im lặng” của Malaysia. Là một bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp với Trung Quốc: ngoài tuyên bố chủ quyền đối với một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, Malaysia có tranh chấp tại bãi cạn Luconia ngoài khơi Sarawak, khu vực rất giàu tài nguyên hydrocarbon và các nguồn hải sản. Mặc dù thời gian qua Malaysia bị các lực lượng Trung Quốc đe doạ và uy hiếp nhiều lần, nhưng Kuala Lumpur luôn thi hành chính sách “ngoại giao im lặng”, tức là họ không hề lên tiếng chính thức trước bất kỳ các động thái hung hăng nào của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm giành được những lợi ích kinh tế với quốc gia khổng lồ này.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Malaysia. Bắc Kinh lại luôn đưa ra những “mồi nhử” mà Kuala Lumpur khó cưỡng lại, nhất là trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và kinh tế gặp nhiều thách thức. Tại cuộc họp trực tuyến vào tháng 5/2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác sâu rộng với Malaysia về đầu tư, sản xuất, nông nghiệp và hạ tầng hàng hải. Malaysia cũng là một trong những nước đầu tiên được ưu tiên tiếp cận vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chính quyền Malaysia thi hành một chính sách “ngoại giao im lặng” trong ứng xử với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, có thể thấy chính sách “ngoại giao im lặng” của Malaysia đã không có hiệu quả trước dã tâm bành trướng và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Chính sách “ngoại giao im lặng” thực chất chính là sự “khôn lỏi” của Malaysia khi phớt lờ các lợi ích của cả ASEAN, mà chỉ tập trung vào lợi ích của mình. Chưa bao giờ Malaysia lên tiếng công khai chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng có chung cảnh ngộ như Philippines, Việt Nam. Có lẽ những người cầm quyền ở Malaysia nghĩ rằng với sự thân thiện của mình và giữ im lặng, Trung Quốc sẽ không đe doạ tới các khu vực giàu tài nguyên của Malaysia trên Biển Đông? Nhằm để lấy lòng Bắc Kinh, tranh thủ Trung Quốc giúp Malaysia chống dịch Covid-19, cách đây không lâu, Ngoại trưởng Malaysia còn công khai gọi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là “người anh cả”, nhưng điều đó cũng không giúp ngăn dã tâm và sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trái phép cách cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông (mà Malaysia gọi là Beting Patinggi Ali) chỉ 60 hải lý hôm 31/5/2021 là một minh chứng cho sự thất bại của Malaysia trong chính sách “ngoại giao im lặng”. Một số học giả ví rằng vụ việc này như “một nhát dao” đâm vào lưng của những người cầm quyền ở Malaysia. Kuala Lumpur quản lý cụm bãi cạn này, song nó lại nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên Biển Đông, yêu sách đã bị Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 bác bỏ. Các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc đã nhiều lần hoạt động, thậm chí uy hiếp ngăn cản hoạt động dầu khí của Malaysia ở khu vực này, song Kuala Lumpur đều giữ im lặng, không công khai lên tiếng chỉ trích hoạt động trái phép của Bắc Kinh.

Vụ việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm trái phép không phận của Malaysia khiến chính quyền Malaysia không thể im lặng được nữa. Bộ Ngoại giao Malaysia đã chính thức gửi công hàm phản đối, lên tiếng công khai chỉ trích mạnh mẽ và yêu cầu phía Trung Quốc giải thích. Kuala Lumpur coi vụ việc này là “một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và an toàn hàng không”. Với hành động công khai tố cáo Trung Quốc lần này, dường như Malaysia đã từ bỏ chính sách “ngoại giao im lặng”, thách thức trực tiếp các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Phải chăng những người cầm quyền ở Malaysia đã thức tỉnh là câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đặt ra vào lúc này.

Một số chuyên gia am hiểu về Malaysia cho rằng Malaysia sẽ không thể chấm dứt sự “thân thiết” của mình với Trung Quốc do tính phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Malaysia. Với tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp vaccine quan trọng cho Malaysia. Các chuyên gia còn cho rằng giới cầm quyền Bắc Kinh đã cân nhắc, lựa chọn thời điểm khó khăn nhất của Malaysia trong đối phó với đại dịch Covid-19 để thực hiện hành vi xâm lấn này hòng gây sức ép toàn diện tới giới chức Malaysia.

Các nhà phân tích quân sự cảnh báo động thái mới của Trung Quốc cho số lượng lớn máy bay quân sự xâm phạm vùng trời của Malaysia nhằm thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội, làm nhụt ý chí của các nước liên quan trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu phản ứng này chỉ là nhất thời của Kuala Lumpur và những người cầm quyền Malaysia không thức tỉnh trước bài học đắt giá này, tiếp tục đi theo vết xe đổ cũ thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu mà giới cầm quyền của Trung Quốc sẽ khai thác để ngày càng lấn tới ở Biển Đông.

Bài học thứ hai là từ sự thiếu nhất quán, nhu nhược trong ứng xử với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của chính quyền Tổng thống Philippines Duterte.

Trong 5 năm cầm quyền của Tổng thống Philippines Duterte, một điều ai cũng có thể nhận ra là tính khí thất thường và những phát biểu “bất nhất” của ông Duterte liên quan đến vấn đề Biển Đông. Lúc thì ông Duterte tỏ ra quá nhún nhường để chiều lòng Bắc Kinh, thậm chí có lúc tỏ ra quá nhu nhược “yếu hèn” trên vấn đề Biển Đông, nhưng cũng nhiều lúc ông Duterte lại có những phát biểu cứng rắn.

Tổng thống Duterte nhậm chức trong bối cảnh đất nước Philippines đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với tình hình bất ổn xung đột, ly khai, phiến loạn trong nước, kinh tế khó khăn. Do vậy, ông Duterte thi hành một chính sách nghiêng hẳn về Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh giải quyết những khó khăn trong nước. Để chiều lòng Bắc Kinh với hy vọng sẽ tranh thủ được nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc phát triển đất nước, ông Duterte đã chủ động gác lại Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 do chính quyền tiền nhiệm của ông khởi kiện Trung Quốc.

Trong lúc cả khu vực và cộng đồng quốc tế đánh giá cao giá trị của Phán quyết thì ông Duterte im lặng, không đả động đến chiến thắng vang dội mà Philippines đã giành được trong vụ kiện. Bất chấp việc Phán quyết khẳng định các quyền lợi hợp pháp của Philippines trong vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982 và bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, chính quyền Tổng thống Duterte vẫn tỏ ý sẵn sàng hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí Manila đã cùng Bắc Kinh ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí ngày 20/11/2018 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình.

Tưởng chừng, Bản ghi nhớ được ký kết sẽ mở đường cho việc hai bên tiến hành hợp tác khai thác dầu khí phù hợp với luật pháp Philippines và thông lệ quốc tế (trong đó Philippines được hưởng 60% lợi nhuận, nhưng phía Trung Quốc đã lợi dụng Bản ghi nhớ để gây sức ép, đòi thực hiện “khai thác chung” theo chủ trương “chủ quyền thuộc về ta (Trung Quốc), gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn trái với các quy định trong Hiến pháp của Philippines vì thế sau hơn 2 năm rưỡi, Bản ghi nhớ vẫn nằm im tại chỗ.

Sự hạ giọng, nhún nhường của ông Duterte trên vấn đề Biển Đông với hy vọng đạt được hàng chục tỉ USD vốn đầu tư của Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế Philippines cũng hoàn toàn thất bại. Những lời hứa của giới cầm quyền Bắc Kinh về những dự án đầu tư hàng chục tỉ USD cũng chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn vùng biển của Philippines, xua đuổi, uy hiếp tàu cá Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough (mà Phán quyết năm 2016 đã xác định ngư dân Philippines có quyền đánh bắt ở khu vực này), thậm chí tàu của Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá của Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rồi bỏ mặc ngư dân Philippines lênh đênh trên biển.

Tính toán của ông Duterte là nhún nhường Bắc Kinh, làm theo ý của ông Tập Cận Bình không đề cập đến Phán quyết để giới cầm quyền Bắc Kinh “nương tay” với Philippines trên vấn đề Biển Đông, nhưng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến Philippines thất vọng, ông Duterte mất uy tín  với dân chúng. Nhiều tiếng nói trong nội bộ Philippines yêu cầu ông Duterte phải cứng rắn với Trung Quốc. Trước áp lực của dân chúng, ông Duterte đã đưa ra những phát biểu mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông, đề cập đến Phán quyết với ông Tập Cận Bình và nêu ra tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối năm 2019.

Để lấy lòng Trung Quốc, ông Duterte còn nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ, thậm chí đã từng tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ hồi tháng 2/2020, nhưng sau đó 3 lần tạm dừng quyết định hủy bỏ VFA (lần mới nhất được Ngoại trưởng Philippines Locsin thông báo hôm 14/6/2021). Việc ông Duterte chơi trò “ú tim” này khiến giới chức Mỹ không biết đằng nào mà lần và chính sự “bất nhất” này làm rạn nứt lòng tin đồng minh với Mỹ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thay đổi thất thường “sáng nắng, chiều mưa” của ông Duterte lại làm cho cả Trung Quốc và Mỹ đều nghi ngại, thiếu tin tưởng. Giới cầm quyền ở Bắc Kinh cũng chẳng phải loại vừa mà ông Duterte có thể chơi trò “ú tim” của trẻ con với họ. Khi mà thấy ông Tổng thống luôn thay đổi thì họ hiểu rằng sự nhường nhịn của ông Duterte chỉ là giả tạo, nhất thời nên sẽ không bao giờ Bắc Kinh đầu tư tiền của vào Philippines. Đây chính là nguyên nhân vì sao  mà những cam kết của Bắc Kinh trong việc cung cấp vốn đầu tư cho Manila chỉ dừng lại ở những lời hứa xuông và những mong muốn của ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc sẽ không bao giờ có được.

Một số nhà quan sát còn cảnh báo sự thiếu nhất quán của ông Duterte không đem lại lợi lộc gì cho Philippines mà lại gây tổn hại tới chủ quyền và quyền lợi trên biển của Philippines. Chẳng hạn như việc ông Duterte đã nêu Phán quyết với ông Tập Cận Bình và khẳng định giá trị của Phán quyết này trước Liên hợp quốc rồi đùng một cái ông Duterte lại nói rằng phán quyết là “tờ giấy lộn” để “vứt vào sọt rác” sẽ chỉ giúp cho Bắc Kinh lợi dụng điều này để gây chia rẽ nội bộ Philippines, phân hóa các nước ASEAN và gia tăng xâm lấn vùng biển của Philippines trên Biển Đông.

Những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông thời gian gần đây chính là kết quả của sự thiếu nhất quán, nhu nhược của chính quyền Tổng thống Duterte trên vấn đề Biển Đông trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Khi mà nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc thì những thất bại của ông Duterte trong xử lý vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc đang được các đảng phái đưa ra để công kích nhằm giành lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Tóm lại, với chính sách thay đổi thất thường, lời nói bất nhất trên vấn đề Biển Đông, Tổng thống Duterte chẳng những không đạt được những điều mong muốn trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà lại còn làm lung lay quan hệ đồng minh với Mỹ đã có lịch sử 70 năm, đồng thời tiếp tục bị Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt ở Biển Đông; đất nước Philippines chìm đắm trong những khó khăn do đại dịch Covid-19. Điều này đã gây làn sóng bất bình trong dân chúng, xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói yêu cầu ông Duterte phải có thái độ cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc. Việc Philippines có thái độ mạnh mẽ khác thường trên vấn đề Biển Đông phản ánh rõ nội tình Philippines hiện nay. Đây là bài học đắt giá cho bản thân Tổng thống Duterte.

Câu chuyện bài học của chính quyền Malaysia và của Tổng thống Philippines Duterte cho thấy không thể nhân nhượng, mềm yếu trước Bắc Kinh mà có thể mong giới cầm quyền Bắc Kinh để yên cho mình được. Từ những bài học đắt giá này, cần nhận thức rõ ràng rằng chỉ có thẳng thắn đối mặt với thách thức, xây dựng sức mạnh phòng thủ của mình, tạo dựng mối quan hệ tốt với các đối tác có cùng lợi ích, mới có thể bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển của đất nước trước sức mạnh xâm lăng của cường quyền phương Bắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới