Sunday, January 5, 2025
Trang chủĐiểm tinHậu quả "ngoại giao chiến lang" của TQ

Hậu quả “ngoại giao chiến lang” của TQ

Phong cách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc được cho là phản ánh những ưu tiên chính sách của ban lãnh đạo đất nước, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.

Phân tích trên tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 27/6, nhà báo Mark Magnier dẫn lời các chuyên gia đánh giá tín hiệu gần đây cho thấy các nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc nên ngừng phô trương “nanh vuốt”, nếu không chính sách này có thể phản tác dụng.

Các nhà phân tích và cựu quan chức ngoại giao đang cố gắng xác định liệu một Trung Quốc ngày càng thách thức có hạ nhiệt thái độ quyết đoán sau nhiều năm liên tiếp công kích Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO, cùng nhiều nước khác hay không.

Ngoại giao chiến lang của Trung Quốc: Thành công trong nước và hiệu ứng ngược

Tháng trước, tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ mong muốn Trung Quốc sẽ kết bạn và tăng cường thúc đẩy mối quan hệ với thế giới và kêu gọi xây dựng một hình ảnh quốc gia “đáng tin cậy, thân thiện và đáng tôn trọng” phù hợp với một quốc gia cần “cởi mở và tự tin nhưng cũng khiêm tốn” – theo Tân Hoa Xã.

Có nhiều nguyên nhân đằng sau sự thay đổi lớn hiếm hoi trong lập trường mạnh mẽ thể hiện ở chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, chính sách ngoại giao “chiến lang” phản ánh các ưu tiên chính sách của ông Tập, phù hợp với quan điểm rằng Trung Quốc có những bước phát triển lịch sử là nhờ chính sách lãnh đạo vượt trội, trong khi Mỹ và phương Tây sa sút.

Ở trong nước, chính sách này cũng được tung hô. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, từng được dư luận trong nước xem là “anh hùng” sau khi báo đài nước này loan tin ông “mắng sa sả” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hơn 15 phút trong cuộc đối thoại cấp cao ở Alaska hồi tháng 3.

Các phát ngôn cứng rắn của ông Dương nhanh chóng trở thành xu hướng và xuất hiện rộng rãi trên các sản phẩm đại chúng như áo phông, túi xách hay ốp lưng điện thoại.

Phong cách đối ngoại cứng rắn – được truyền thông đặt tên là “ngoại giao chiến lang”, dựa trên bộ phim “Chiến lang” ăn khách tại Trung Quốc – trở nên nổi trội trong những năm gần đây, nhưng thực ra có nguồn gốc từ thời kỳ đầu nước Trung Quốc mới thành lập (ngày 1/10/1949).

Năm 1950, tạp chí TIME (Mỹ) mô tả khoảnh khắc hô hào kêu gọi của nhà ngoại giao Trung Quốc Wu Xiuquan tại một phiên họp của Liên Hợp Quốc là “hai giờ sôi sục kinh khủng” và làm bùng phát “sự thù địch không thể hàn gắn”.

Trong khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố vững chắc trong bộ máy nhà nước, các nhà phân tích tin rằng nhiều nhà ngoại giao đang phát biểu những gì mà “lãnh đạo muốn nghe”.

Mark Magnier chỉ ra, lời kêu gọi của ông Tập tại Bộ Chính trị cho thấy, Bắc Kinh nắm rõ vấn đề là hình ảnh đối ngoại của Trung Quốc đang đi xuống trong mắt cộng đồng quốc tế.

Đối thủ của Bắc Kinh cứng rắn hơn

Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew về 14 quốc gia công nghiệp phát triển vào tháng 10/2020, hầu hết những người được hỏi có đánh giá tiêu cực về Trung Quốc, mức đánh giá tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay của nước này.

Theo các chuyên gia, vấn đề cơ bản đối với Trung Quốc là nhiều chính sách liên quan đến các vấn đề cốt lõi mà Bắc Kinh coi là lợi ích cốt lõi và không thể thương lượng, như vấn đề Hong Kong, Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”>người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, quân sự hóa phi pháp Biển Đông, và những cảnh báo thống nhất bằng vũ lực nhằm vào Đài Loan.

“Đến cuối cùng, những nhà ngoại giao chính là những người đang bán các chính sách đối ngoại và đối nội của đất nước mình,” James Green – nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown (Mỹ) – bình luận.

Thực tế Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden Biden đang ngày siết chặt đường lối đối ngoại cứng rắn hơn với Bắc Kinh, hạn chế triển vọng cải thiện quan hệ song phương như Trung Quốc mong muốn sau thời gian dài căng thẳng dưới thời ông Donald Trump.

Dù vậy, các nhà ngoại giao chiến lang có động lực để hành động. Ông Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi tinh thần “dám chiến đấu” để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, trong đó những người làm tốt luôn được khen thưởng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được đánh giá là người đi đầu trong chính sách ngoại giao “chiến lang” của nước này.

Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức, từng phát biểu tại hội nghị của CSIS rằng: “Tôi nghĩ chúng ta chưa nhấn mạnh rõ rằng, chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc thật sự xuất phát từ cấp trên. Chính sách này thực sự được ông Tập Cận Bình khuyến khích. Và nhiều nhà ngoại giao chỉ cảm thấy rằng đây là thời điểm để làm điều này và sử dụng điều này để được thưởng và thăng tiến.”

Nổi giận cũng có thể là chiến thuật

Các nhà ngoại giao Trung Quốc e ngại bị chỉ trích yếu kém hoặc không trung thành với đất nước. Điều này khiến các phái đoàn của họ có xu hướng thể hiện lập trường mạnh mẽ trong những khác biệt với đối phương.

Các phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc cũng không cho thấy ở cùng một “chiến tuyến”. Cựu Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh và Đại sứ tại Mỹ vừa mãn nhiệm, ông Thôi Thiên Khải, được mô tả là những người rất trau chuốt, khéo léo và được đánh giá cao ở nước ngoài.

Vào năm ngoái, ông Thôi đã công khai chỉ trích các đồng nghiệp “chiến lang”.

Nhưng ngay cả ông Thôi Thiên Khải cũng có trường hợp tỏ thái độ cứng rắn. Ông từng có những tuyên bố “nóng như lửa” năm 2012 nhằm vào Mỹ, để cho thấy sự bất bình tột độ của Trung Quốc và còn để “những người theo dõi nhìn nhận ông ấy đúng đắn” – Peter Martin, tác giả cuốn China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy, nhận định.

Những hệ quả đáng ngại với Trung Quốc

SCMP cho hay, chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc thật sự gây căng thẳng đối với những người làm việc ở Bộ ngoại giao. Nhiều đặc phái viên đã được cử đi đào tạo lại để “sửa chữa” những sai lầm.

Charles Freeman, nhà văn và cựu chuyên viên ngoại giao Mỹ, cho rằng Mỹ cũng là nhân tố khiến Trung Quốc bùng nổ chính sách ngoại giao quyết đoán.

Việc mất kết nối xuyên Thái Bình Dương do những thiệt hại lâu dài từ các cuộc chiến thương mại với chính quyền ông Trump, chính sách “Nước Mỹ trên hết” và các hoạt động quân sự liên tục của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh “đứng ngồi không yên”.

Trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích NATO “tạo sự đối đầu”; lên án G7 “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh”; nhóm Quad (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) “gây tâm lý chiến tranh lạnh”; và cáo buộc Washington “chính trị hóa” cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 cũng như “đạo đức giả” trong cuộc chiến chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc và những công ty khác.

Trung tâm của vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng, rất có thể là do Bắc Kinh ngày ngày lo ngại bị phương Tây cô lập. Nhưng theo các chuyên gia, các phản ứng gay gắt của Trung Quốc thường phản tác dụng, như việc khiến Nghị viện châu Âu đóng băng hiệp ước đầu tư giữa Trung Quốc và EU hồi tháng 5 vừa qua, sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức châu Âu để trả đũaDuy Ngô Nhĩ”> cấm vận của EU liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

RELATED ARTICLES

Tin mới