Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, tờ Economist hôm thứ Bảy (26/6) đã đăng tải một bài báo với tiêu đề “Bí mật trường tồn khi ĐCSTQ bước sang tuổi 100” và phân tích các cách thức kiểm soát quyền lực của hệ thống độc tài này.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và quân đội Trung Quốc
Tờ Economist tuyên bố, ĐCSTQ luôn tự nhận mình là vĩ đại – quang vinh – đúng đắn. Hệ thống này đã cai trị Trung Quốc trong 72 năm mà không cần sự cho phép của cử tri, ngắn hơn thời gian cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Công nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ lại có thể biến Trung Quốc từ thảm họa đói kém dưới thời Mao Trạch Đông thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Tờ báo nhận xét, ĐCSTQ đã trở thành “nhà độc tài thành công nhất thế giới”.
ĐCSTQ máu lạnh, tàn ác, muốn khuất phục dân chúng không chút nương tay
Báo cáo phân tích, ĐCSTQ có thể duy trì kiểm soát quyền lực vì ba lý do. Đầu tiên phải kể đến sự máu lạnh và tàn nhẫn. Mặc dù Bắc Kinh tỏ ra do dự trước khi đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhưng cuối cùng, nó đã chọn sử dụng súng máy để tàn sát những người biểu tình không có vũ khí, đe dọa người dân trong nước và khiến nhân dân Trung Quốc phải nhượng bộ.
Thậm chí cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ về vụ thảm sát. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng, Liên Xô sụp đổ là do các nhà lãnh đạo của họ không có “đủ dũng khí để đứng lên và kháng cự” vào thời điểm quan trọng.
Kiểm soát tư tưởng, chỉ phục vụ chính trị cấp cao
Lý do thứ hai là chính quyền Trung Quốc rất nhạy cảm với ý thức hệ. Trong vòng vài năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, nhà lãnh đạo mới Đặng Tiểu Bình bắt đầu xóa bỏ “công xã nhân dân” của Mao, tiếp nhận chủ nghĩa tư bản và để các lực lượng thị trường hoạt động. Điều này dẫn đến việc đóng cửa nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư hữu hóa nhà ở, hàng triệu người mất việc làm, nhưng nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu khởi sắc.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ĐCSTQ lại thay đổi, tập trung vào tính hợp pháp của hệ tư tưởng, và Tư tưởng Mao Trạch Đông một lần nữa được ca ngợi.
Các đảng viên và cán bộ phải tiếp nhận cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”; các bộ máy quan liêu, quân đội và cảnh sát đều đã thanh lọc đi các quan chức bất đồng chính kiến và tham nhũng; các công ty lớn được thu hút vào trong nước, và các công ty tư nhân cũng phải thành lập lên các chi bộ của ĐCSTQ. Tờ báo nhận xét, kể từ thời Mao Trạch Đông, xã hội Trung Quốc chưa bao giờ bị kiểm soát chặt chẽ như vậy.
Chỉ cho nhân dân chút ngọt ngào, còn các thành viên của ĐCSTQ trở thành giới siêu giàu
Nguyên nhân thứ ba là chính quyền Trung Quốc đầu cơ, cho dân chúng được chút ngọt ngào nhưng lại hút đi lượng lớn của cải. Tham nhũng ở Trung Quốc ngày càng lan rộng, và những gia đình quyền lực nhất đã trở thành giới siêu giàu. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cũng cảm thấy rằng cuộc sống của họ đang được cải thiện, mặc dù những lợi ích này không quá hào phóng – ví dụ như việc bãi bỏ thuế nông thôn, bảo hiểm y tế… bởi các quốc gia khác cũng đã làm như vậy.
ĐCSTQ không giải quyết vấn đề, mà giải quyết người nêu ra vấn đề
Thậm chí có một số người đã bị lừa dối bởi tuyên truyền mà trở nên ngưỡng mộ các phương pháp cường ngạnh của ĐCSTQ. Báo cáo nói rằng, phần lớn điều này là do các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trộn lẫn khái niệm ĐCSTQ và văn hóa Trung Quốc. Đồng thời châm biến Hoa Kỳ như một nơi đầy rẫy bạo loạn chủng tộc và súng đạn những vụ thảm sát.
Những tuyên truyền kiểu này đã khiến người Trung Quốc lầm tưởng rằng, việc bãi bỏ chế độ độc tài của ĐCSTQ sẽ dẫn đến hỗn loạn và ĐCSTQ là không thể thay thế.
Trên thực tế, nhiều người không biết rằng khi xuất hiện phản đối ở Trung Quốc, bộ máy của chính quyền Bắc Kinh sẽ sử dụng công nghệ giám sát để dập tắt từ trong trứng nước. Đường phố của Trung Quốc có đầy camera và phần mềm nhận dạng khuôn mặt; mạng xã hội cũng bị theo dõi và kiểm duyệt mọi lúc.
ĐCSTQ không giải quyết vấn đề, mà giải quyết những công dân nêu ra vấn đề. Những người bị xếp vào hàng ngũ có suy nghĩ, lời nói và việc làm trái với quan điểm của ĐCSTQ có thể mất việc làm và mất tự do, đằng sau thành công của đảng là sự đàn áp dã man.
Tờ báo cho rằng, đối với Tập Cận Bình, mối đe dọa nguy hiểm nhất không phải từ quần chúng, mà là từ nội bộ đảng. Bất chấp những nỗ lực của ông, trong đảng vẫn có bè phái, không chung thủy và tư tưởng vẫn buông lỏng.
Chính trị của Trung Quốc đã trở nên mờ mịt hơn nhiều thập kỷ trước, và chiến dịch chống tham nhũng bất tận của Tập Cận Bình cũng cho thấy ông đã nhìn thấy nhiều kẻ thù giấu mặt hơn.
Thời điểm bất ổn nhất của ĐCSTQ có thể xảy ra khi xuất hiện vấn đề kế nhiệm. Không ai biết người nào sẽ kế nhiệm Tập Cận Bình, và thậm chí không ai biết những quy tắc nào sẽ được tuân theo trong thời kỳ chuyển giao [quyền lực]. Tập Cận Bình đã dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018 và ngoại giới dự đoán rằng ông vẫn sẽ chọn ở lại vào năm 2022.
Báo cáo kết luận, mặc dù an nguy của ĐCSTQ có thể không ngay lập tức mở ra một thời kỳ thống trị sáng suốt khác mà những người yêu tự do mong đợi. Tuy nhiên, một ngày nào đó, triều đại do Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền cũng sẽ kết thúc, bởi không có đảng phái chính trị nào có thể trường tồn mãi mãi.