Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTruyền thông quốc tế nói gì về việc Vingroup đặt mục tiêu...

Truyền thông quốc tế nói gì về việc Vingroup đặt mục tiêu chiếm 1% thị phần ô tô tại Mỹ trong vòng 5 năm?

Tập đoàn hàng đầu Việt Nam Vingroup đã đặt mục tiêu đạt doanh số bán xe điện hàng năm từ 160.000 đến 180.000 xe tại Mỹ – tương đương 1% tổng sản lượng ô tô bán ra tại Mỹ, Nikkei Asia đưa tin.

Ngày 3/7, Nikkei Asia đưa tin, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng đã công bố mục tiêu tại đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 6, theo các phương tiện truyền thông trong nước.

Theo đó, tập đoàn này có kế hoạch bán 15.000 chiếc ô tô tại Mỹ vào năm tới và vài trăm nghìn chiếc trong vòng 5 năm tới.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, cho biết ông “hoàn toàn tin tưởng” Vingroup sẽ đạt được những mục tiêu này, và sẽ đầu tư 2 tỷ USD tài sản của chính mình để thúc đẩy doanh số bán hàng tại Mỹ.

Vingroup đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại thành phố Hải Phòng, vào tháng 6/2019. Nhà máy này hiện có công suất hàng năm khoảng 250.000 xe. Công ty đã bán được khoảng 30.000 xe hơi tại Việt Nam vào năm 2020, có kế hoạch bắt đầu bán ô tô điện vào cuối năm nay và tại châu Âu vào năm 2022.

Như một phần của kế hoạch mở rộng, Vingroup cũng đang xem xét niêm yết công ty sản xuất ô tô VinFast tại Mỹ. Buổi ra mắt dự kiến ​​sẽ diễn ra sớm nhất là từ quý 4 đến tháng 6 trong các thông tin ban đầu, nhưng việc chuẩn bị được cho là mất nhiều thời gian hơn dự kiến vì một số vấn đề kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết, tập đoàn đang chuẩn bị ra mắt thị trường chứng khoán, nhưng bà không cho biết thời gian chính xác.

Trước đó, trang tin CleanTechnica từng nhận định, VinFast có 6 lý do để có thể thành công trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện: (1) Tính cấp thiết của việc chuyển sang phương tiện giao thông chạy điện; (2) Nhân sự dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện; (3) Đối tác hàng đầu trong lĩnh vực xe điện; (4) Mở cửa hợp tác quốc tế; (5) Chiến lược công nghệ dài hạn và quan trọng nhất là (6) Tham vọng lớn.

“Tài sản lớn nhất của VinFast không phải là công nghệ. VinFast cam kết trở thành nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu. Và tài sản lớn nhất mà công ty sở hữu để đạt được mục tiêu này chính là tư duy siêu việt và tinh thần bất khuất của những con người VinFast nói riêng và tập đoàn VinGroup nói chung” – chuyên gia ô tô Raymond Tribdino đánh giá.

Trên Financial Times, ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành của ZoZo Go, công ty tư vấn ô tô cho hay: “Tương tự như bất kỳ startup xe điện nào, VinFast cũng sẽ gặp phải những thách thức, khó khăn khi thâm nhập thị trường Mỹ”.

Dù rằng, VinFast là một hãng xe non trẻ, hơn nữa, đối với ô tô điện, thách thức về cơ sở hạ tầng sạc cũng là một yếu tố đáng lo ngại, CEO Zozo vẫn tin rằng, VinFast có thể tận dụng cơ hội từ việc chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy sự phát triển của xe điện.

Theo Economic Times, Chính quyền Biden đã có kế hoạch trong tháng này sẽ đề xuất một quy định về khí thải xe hơi, phần lớn sẽ dựa trên các tiêu chuẩn của Obama, vốn đã bị Tổng thống Donald Trump bãi bỏ vào năm 2019.

Tổng thống Joe Biden có một chiến lược gồm hai giai đoạn nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ống xả xe hơi, nguyên nhân gây ra khí nhà kính lớn nhất nước Mỹ. Giai đoạn đầu tiên, ông sẽ khôi phục các tiêu chuẩn về mức xấp xỉ mà Tổng thống Barack Obama đã đề ra. Giai đoạn hai, ông sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn này hơn nữa, với mục đích biến ô tô điện trở thành phương tiện giao thông chủ yếu được bán ở Hoa Kỳ.

Ông Biden đã đặt ra chương trình nghị sự tham vọng nhất về khí hậu so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào từ trước tới nay. Những mục tiêu được đặt ra đòi hỏi phải chuyển đổi căn bản nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi nhiên liệu hóa thạch, bao gồm việc yêu cầu các tài xế Mỹ chuyển hướng nhanh chóng từ động cơ đốt trong sang xe điện không khí thải.

“Thời điểm này chính là cơ hội của VinFast để thuyết phục khách hàng, trước khi thị trường ngày càng sôi động” – ông Michael Dunne nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới