Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ “ném tiền xuống biển”?

TQ “ném tiền xuống biển”?

Trung Quốc chi rất nhiều tiền để cải tạo, cơi nới, bồi đắp, biến các đảo, đá chiếm đóng trái phép thành cứ điểm quân sự, nhằm tạo lợi thế trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, đống tiền khổng lồ đó liệu có thật sự đáp ứng mục tiêu của họ.

Trung Quốc đã xây đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam, nhiều năm nay, Trung Quốc đổ hàng tỷ đô la xây dựng, biển đảo Phú Lâm thành một cứ điểm quân sự đồng bộ, với sân bay, các trạm ra đa, cơ sở dân sinh, trạm nghiên cứu môi trường trá hình.

Với quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh ráo riết triển khai các hoạt động xây dựng, cải tạo với quy mô thậm chí hơn rất nhiều. Các chuyên gia quốc tế cho biết, tới năm 2018, Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa đã lên tới khoảng 13,21 km2, tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập, trong đó có việc xây dựng đường băng tại Đá Subi, Đá Vành khăn và Đá Chữ thập, cùng cơ sở hạ tầng tên lửa, radar…

 Quy mô xây dựng lớn; vật liệu xây dựng, chủ yếu chở từ đất liền ra; điều kiện thi công khắc nghiệt khiến việc xây dựng, cải tạo Hoàng Sa, Trường Sa cực kỳ tốn kém. Chưa tính cơ sở hạ tầng bên trên, chỉ riêng Đá Chữ Thập, số tiền Trung Quốc bỏ ra để bồi đắp sơ bộ lên tới hơn 11,27 tỷ USD.

Đó là chưa kể, xây dựng xong, Trung Quốc vẫn phải bỏ ra một lượng tài chính rất lớn để duy trì, vận hành, bảo dưỡng các công trình, vũ khí, khí tài trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tham vọng độc chiếm Biển Đông quá lớn khiến Trung Quốc coi các chi phí đó là…nhỏ. Mà nhỏ thật, nếu nó thực sự mang lại lợi thế cho Trung Quốc trước các đối thủ.  

Các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia…, Trung Quốc không ngại. Liên quan trực tiếp, có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, tuy nhiên, xét về thực lực, cho dù có gộp cả lại, nhóm nước rắn đầu trên chưa thể đấu nổi với Trung Quốc, xét về sức mạnh, nói chi tới đấu tay đôi.

Đối thủ xứng tầm, đáng ngại nhất với Trung Quốc, là Mỹ. Không có yêu sách chủ quyền, là kẻ ngoại vi xa tít tắp tận bên kia bán cầu, nhưng càng ngày, Washington càng can dự sâu hơn, muốn thể hiện mạnh hơn vai trò của mình dưới danh nghĩa bảo đảm tự do hàng hải. Kéo tàu sân bay, chiến hạm, máy bay khiêu khích Trung Quốc chưa đủ, cường quốc số 1 thế giới còn hô hào các đồng minh Tây Âu, Nhật, Úc, Ấn độ tham gia hoạt động này với thâm ý, cô lập, phản đối sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và sâu xa hơn, ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 trong tương lại không xa…Thế nên, biến các đảo, đá đang kiểm soát thành các cứ điểm quân sự, hậu cần, theo Trung Quốc, là cần thiết, nên không thể tính bằng tiền so với các mục tiêu chiến lược.

Vậy mà, ngày càng nhiêu chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang “vứt tiền xuống biển”. Nhận định đó xuất phát từ những hoài nghi về giá trị, hiệu quả sử dụng của các căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng, nếu cuộc chiến quân sự xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ.  

Trước hết, là hoài nghi về khả năng che chắn, ngụy trang. Không như lục địa với đồi, núi có thể ngụy trang, khó bị phát hiện, các trạm ra đa, đường băng máy bay, cụm tên lửa trên các đảo, đá nhân tạo của Trung Quốc phơi bày lồ lộ dễ dàng thành mồi cho các tên lửa của Mỹ phóng từ máy bay, chiến hạm, tàu sân bay. Thứ hai, diện tích hạn chế của các đảo, đá khiến Trung Quốc khó cơ động vị trí các kho khí tài, trạm ra đa để tránh con mắt cú vọ của các máy bay trinh sát Mỹ hoặc làm khó cho tên lửa và bom trong trường hợp bị tấn công. Đó là chưa kể, Mỹ hẳn đã có sơ đồ chi tiết bố trí hỏa lực của Trung Quốc trên các đảo, đá. Như vậy, một cuộc tấn công bất ngờ và chớp nhoáng của Mỹ có thể khiến Trung Quốc bị động và sớm bị tê liệt, dẫn đến thiệt hại nặng nề…

Tất nhiên, đó chỉ mới là nhận định một chiều. Trung Quốc cũng có nhiều khí tài tối tân để Mỹ không dễ gây bất ngờ. Các loại tên lửa đất đối không của họ có thể vít cổ các máy bay cường kích của Mỹ từ xa với sự trợ giúp phát hiện sớm của hệ thống ra đa bố trí dày đặc…

Chỉ có điều, nhìn vào thực lực, thời điểm hiện tại, cả trên trời và trên biển, Trung Quốc vẫn dưới cơ Mỹ rất nhiều. Vậy nên, một khi chi nhiều tiền để quân sự hóa các đảo, đá mà chúng vẫn không mang lại giá trị, thì bằng “ném tiền xuống biển” vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới