Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCác nguyên tắc kinh tế đằng sau thành công và thất bại...

Các nguyên tắc kinh tế đằng sau thành công và thất bại của ĐCSTQ

Từ thời kỳ Đại nhảy vọt cho đến những hạn chế về kế hoạch hóa gia đình, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những thất bại chính sách nghiêm trọng. Việc liệu Đảng Cộng sản có thể tránh được những sai lầm tương tự trong tương lai hay không sẽ phụ thuộc vào việc Đảng thừa nhận sự khác biệt quan trọng giữa những biện pháp can thiệp như vậy và những biện pháp đã thúc đẩy thành công kinh tế của họ.

“Trong hơn một trăm năm qua, [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc viết nên chương hào hùng nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ của dân tộc Trung Quốc,” Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tại lễ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Đảng, trong một bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của Đảng trong việc thúc đẩy thành công của Trung Quốc, bao gồm cả sự trỗi dậy kinh tế của nước này. Tuy nhiên, hồ sơ kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực sự lẫn lộn, và ngay cả những người nhận ra điều này cũng thường bỏ qua thực tế rằng thành công và thất bại của ĐCSTQ đều xuất phát từ các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.

Ông Tập đã đúng khi nói rằng, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Trung Quốc đã đạt được “bước nhảy vọt lịch sử” từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với “lực lượng sản xuất tương đối lạc hậu”, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những gì ông không đề cập tới là việc thành tích đó cũng bị làm hoen ố bởi những thất bại lớn, chẳng hạn như chính sách Đại nhảy vọt (1958-1962), dẫn đến nạn đói lớn nhất trong lịch sử nhân loại, và nhiều thập niên thi hành luật kế hoạch hóa gia đình khắt khe dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng gia tăng.

Khả năng huy động các nguồn lực một cách hiệu quả của ĐCSTQ đã cho phép đảng này cung cấp các hàng hóa công quy mô lớn giúp thúc đẩy sự phát triển. Đáng chú ý nhất, Đảng đã đầu tư lớn vào y tế công cộng và giáo dục, bắt đầu từ đầu những năm 1950. Kết quả là, Trung Quốc đã đạt được mức tăng tuổi thọ bình quân nhanh nhất từ ​​trước đến nay, từ 35-40 tuổi năm 1949 lên 77,3 tuổi ngày nay. Tỷ lệ nhập học cũng tăng vọt, từ mức 20% lên gần mức phổ cập ở bậc tiểu học và từ 6% lên khoảng 88% ở cấp trung học. Tỷ lệ biết chữ đã tăng từ 20% năm 1949 lên 97% ngày nay.

Trong thời kỳ cải cách sau năm 1978, nhà nước cũng đầu tư vào giao thông và năng lượng tái tạo. Từ năm 1988 đến năm 2019, tổng chiều dài đường cao tốc Trung Quốc tăng gấp sáu lần; hiện chiều dài đường cao tốc của Trung Quốc đã vượt tổng chiều dài đường cao tốc liên bang ở Hoa Kỳ.

Hơn nữa, Trung Quốc đã xây dựng 50 nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba và đã phê duyệt 6-8 lò phản ứng mới mỗi năm. Và gần đây Trung Quốc đã ra mắt một lưới điện siêu cao áp. Những nỗ lực như vậy được dẫn dắt bởi cam kết đầy tham vọng đảm bảo rằng năng lượng gió, thủy điện và năng lượng mặt trời chiếm 25% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Trung Quốc vào năm 2030.

Khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư vào hàng hóa công với quy mô lớn như vậy phản ánh một trong những điểm mạnh nhất của ĐCSTQ. Đó là Đảng có quyền lực chính trị để thông qua các chính sách kinh tế tốt cho tăng trưởng nói chung, trong các lĩnh vực mà đầu tư tư nhân sẽ không tối ưu.

Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng chắc chắn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra giá trị xã hội đáng kể. Nhưng những người được lợi không phải lúc nào cũng là những người gánh chịu chi phí. Dù những người có học thức và khỏe mạnh làm việc hiệu quả hơn về mặt kinh tế, thì những bậc cha mẹ đã thực hiện các khoản đầu tư phù hợp không nhất thiết sẽ gặt hái được thành quả. Năng lượng tái tạo mang lại lợi ích cho các thế hệ tương lai nhưng lại gây tổn hại cho các nền kinh tế địa phương phụ thuộc vào than ngày nay. Các đường cao tốc mới mang lại lợi ích cho những người dân mới được kết nối, nhưng nông dân mất kế sinh nhai do đất đai của họ bị trưng dụng để làm đường.

Đây là những ví dụ tiêu biểu về sự khác biệt giữa định giá tư nhân và định giá xã hội có thể dẫn đến đầu tư dưới mức tối ưu. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ sẽ không có đủ đầu tư. Nhưng trong khi khu vực tư nhân có thể theo đuổi quyết định của mình ở một số quốc gia, thì Đảng Cộng sản có quyền áp đặt các quyết định chính sách của mình ở Trung Quốc. Và dù sự lãnh đạo chính trị quyết đoán thường thúc đẩy tiến bộ, nhưng quy mô và cường độ thực thi chính sách của Trung Quốc có nghĩa là khi các nhà hoạch định chính sách sai lầm, hậu quả có thể dễ dàng trở thành thảm họa.

Điều này xảy ra trong thời kỳ Đại nhảy vọt, khi quá trình tập thể hóa nông nghiệp buộc nông dân phải canh tác một số loại cây trồng nhất định mà không được bồi thường về tài chính hoặc được trao quyền sở hữu tư nhân. Các biện pháp khuyến khích bị bóp méo gây khó khăn cho cả việc duy trì sản xuất cũng như theo dõi sản lượng và năng lực sản xuất khu vực. Nạn đói lớn ở Trung Quốc sau đó dẫn đến các chết của 22 đến 45 triệu người chỉ trong hai năm, và nền kinh tế đình trệ khi Trung Quốc có mức tăng trưởng hàng năm bằng 0 hoặc âm trong hai thập niên tiếp theo.

Chính sách kiểm soát mức sinh của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một vấn đề nghiêm trọng khác. Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, cả nước có dân số là 540 triệu người. Lúc đó, ĐCSTQ thực hiện các chính sách hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như hạn chế tiếp cận các biện pháp tránh thai, và dân số đã tăng lên 841 triệu người vào năm 1971.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc vừa trải qua nạn đói, ĐCSTQ sau đó đã chuyển sang chính sách hạn chế mức sinh, với chính sách một con cực đoan kéo dài từ năm 1979 đến năm 2016. Dân số tiếp tục tăng trong thời gian đó, và đứng ở mức 1,4 tỷ người hôm nay. Nhưng chính sách một con đã làm tăng đáng kể tỷ số phụ thuộc tuổi già và góp phần dẫn đến sự chênh lệch giới tính ở mức cao.

Việc thực hiện các chính sách Đại nhảy vọt và kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ – cũng như các khoản đầu tư vào y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo hoặc cơ sở hạ tầng – đều phụ thuộc vào khả năng của Đảng trong việc vận động ở cấp cơ sở để thuyết phục người dân tuân theo và cưỡng chế những người chống đối. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng trong các nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Hầu hết các lợi ích của sản xuất nông nghiệp và việc sinh con được hấp thụ bởi các cá nhân trả tiền cho chúng; có nghĩa là các giá trị xã hội và các giá trị cá nhân là rất giống nhau. Khi lợi ích cá nhân song trùng với lợi ích xã hội, nhà nước không cần phải can thiệp nhiều. Thêm vào đó là những thách thức trong việc thực hiện, bao gồm việc đánh giá lượng lương thực mà một nông dân nên sản xuất là bao nhiêu hoặc một gia đình nên có bao nhiêu con, khiến những can thiệp trong các lĩnh vực này không chỉ vô ích mà còn cực kỳ tốn kém.

Bài phát biểu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng của ông Tập dành rất nhiều sự chú ý đến các kế hoạch của Đảng cho tương lai và mục tiêu “xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại về mọi mặt” vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Để thành công, ĐCSTQ sẽ cần sử dụng quyền lực chính trị của mình để thúc đẩy các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, người ta hy vọng rằng Đảng sẽ sử dụng quyền lực một cách thận trọng, tập trung vào các hàng hóa công, nơi giá trị xã hội cao hơn nhiều so với giá trị cá nhân, và để mọi việc còn lại cho người dân Trung Quốc tự định đoạt.

RELATED ARTICLES

Tin mới