Từ tháng 6/ 2021 đến nay, các chuyến bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông đột nhiên thưa vắng. Thay vào đó, không quân Mỹ “nhòm ngó” Biển Hoa Đông nhiều hơn. Điều này được Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho là “hành động khiêu khích chính trị xấu xa”.
Trước tiên xin nói đôi điều về Biển Hoa Đông. Đây là vùng biển phía đông Trung Quốc, một phần của Thái Bình Dương. Biển Hoa Đông có diện tích hơn 1 triệu 200 nghìn km². Trung Quốc gọi vùng biển này là Đông Hải, còn Hàn Quốc gọi là Nam Hải.
Được bao bọc bởi đảo Kyushu và quần đảo Nansei của Nhật Bản, phía nam Biển Hoa Đông giáp Đài Loan, phía tây là Trung Quốc đại lục. Hoa Đông thông với Biển Đông ở phía nam qua Eo biển Đài Loan và thông với biển Nhật Bản qua eo biển Triều Tiên, tiếp tục mở rộng lên phía bắc là biển Hoàng Hải.
Như vậy, Biển Hoa Đông có vị trí cực kỳ quan trọng trong tư duy của các nhà cầm quyền Bắc Kinh. Các học giả Trung Quốc nhận định: “Thế kỷ 21 là thế kỷ tranh giành biển cả, biển là lối thoát của dân tộc Trung Hoa để sinh tồn và phát triển”. Nắm được Biển Đông và Biển Hoa Đông là nắm được thế giới. Biển Hoa Đông tiếp giáp với đường biển của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, và Trung Quốc đại lục. Đáng chú ý, con sông lớn nhất từ đất liền đổ ra Biển Hoa Đông là sông Trường Giang.
Từ lâu, Biển Hoa Đông là nơi tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chung quanh vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Trung Quốc tuyên bố: Vùng biển đang tranh chấp là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, bởi vì nó là phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa. Không chịu lùi, Nhật Bản khẳng định: Vùng biển đang tranh chấp là vùng EEZ của mình, do nó nằm trong phạm vi 200 hải lý, tính từ bờ biển Nhật Bản.
“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Sự đôi co dài dài ấy là nguyên cớ dẫn đến việc Mỹ – đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc – có cớ nhảy vào can thiệp.
Và thời điểm này, khi Tổng thống Mỹ Biden đã vững ghế ở Nhà trắng được nửa năm, có lẽ là lý do thích hợp để Mỹ thực hiện việc “giám sát” của mình.
Theo thông tin từ Viện nghiên cứu Trung Quốc, tháng 6 vừa qua, Mỹ đột ngột giảm một nửa các chuyến bay trinh sát trên Biển Đông, chuyển “trọng tâm” sang biển Hoa Đông. Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh, cho hay, không quân Mỹ chỉ thực hiện 36 chuyến bay do thám trên Biển Đông trong tháng 6, bằng đúng một nửa so với hồi tháng 5 (72 chuyến).
Vậy là “lửa” đã cháy lan sang Biển Hoa Đông! Tần suất các chuyến bay trinh sát khu vực Hoa Đông của không quân Mỹ tăng vọt, còn trước đó chỉ xuất hiện nhỏ giọt. Có tới 22 lượt trinh sát cơ Mỹ hoạt động trên biển Hoa Đông hồi tháng 6, bao gồm máy bay cảnh báo sớm E-3B, máy bay trinh sát điện tử RC-135U, cùng máy bay trinh sát không người lái MQ-4C và RQ-4.
Đáng chú ý là, 1 trinh sát cơ RC-135U Mỹ hôm 3/6 đã ngang nhiên bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông. Chiếc máy bay đáng ngờ này cất cánh từ căn cứ Kaneda ở Okinawa, Nhật Bản, bay vào biển Hoa Đông. Điều đó khiến Bắc Kinh hết sức phẫn nộ.
Không chỉ có vậy, máy bay Mỹ còn tiến hành các chuyến bay trinh sát quanh đảo Đài Loan. Chúng cũng cất cánh từ Okinawa, bay qua eo biển Đài Loan theo hướng bắc – nam.
Cất cánh từ Nhật Bản, nhưng lại hạ cánh xuống Đài Loan. Vận tải cơ C-17A lần đầu tiên đã cánh xuống đảo Đài Loan trong chuyến thăm của ba thượng nghị sĩ Mỹ hôm 6/6. Việc dùng vận tải cơ quân sự thay vì máy bay dân sự trong chuyến thăm này càng khiến tình hình tại eo biển Đài Loan thêm căng thẳng.
Không thể kìm hãm cơn thịnh nộ. Một ngày sau, quân đội Trung Quốc đã tổ chức diễn tập đổ bộ ngoài khơi bờ biển đông nam nước này. Và sau đó điều nhóm máy bay quân sự 28 chiếc áp sát đảo Đài Loan.
Chưa thấy Mỹ hay Trung Quốc bình luận về tình hình này. Nhưng theo các nhà phân tích thì đã có sự bật đèn xanh của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với Mỹ. Không khác nào chiếc lò xo bị nén chặt, khi khó tìm được tiếng nói chung trong tranh chấp biển đảo nên đã dẫn tới những hành động mà Bắc Kinh cho là “côn đồ” của Mỹ trên vùng trời, vùng biển Hoa Đông. Thậm chí đã có những cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang của các quốc gia hữu quan tại khu vực nhạy cảm này, khi không bên nào chịu “lép vế”.
Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ thông qua đối thoại, tuy nhiên cả hai nước lại có những động thái phô trương sức mạnh tại khu vực đang có tranh chấp. Căng thẳng tiếp tục leo thang liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tại các cuộc gặp song phương, Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố đúng “kịch bản: “Cần giải quyết ổn thỏa, thích hợp các thách thức, cải thiện quan hệ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của 4 thỏa thuận chính trị chung. Hai bên cần mở rộng liên lạc trên mọi lĩnh vực và củng cố niềm tin chính trị lẫn nhau”.
Quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc cũng tương tự như vậy.
Kết cục là “Ông lớn” Mỹ đã phải thể hiện, như một cách tuyên bố rằng, Bắc Kinh chớ cậy nước lớn mà làm mưa làm gió từ Biển Đông sang Biển Hoa Đông. Trật tự thế giới ngày nay không cho phép kẻ ôm mộng bá quyền mặc nhiên phán xét và hành động vô thiên, vô pháp.