Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnTàu tự hành TQ và tác động đến tình hình Biển Đông

Tàu tự hành TQ và tác động đến tình hình Biển Đông

Việc chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo phương tiện tự hành cũng như những thành công bước đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ khiến cho cục diện Biển Đông càng trở nên phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh quy định của luật pháp quốc tế vẫn còn nhiều “lỗ hổng” quanh khái niệm này.

Tàu tự hành (“tàu không người lái”) không phải là một khái niệm mới xuất hiện, song ở khu vực Biển Đông, ứng dụng công nghệ này mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển. Trong đó, Trung Quốc hiện là nước tập trung cao độ vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không người lái vào các hoạt động quân sự và dân sự trên biển.

Điều đáng quan ngại là, kế hoạch này được đặt trong tổng thể tham vọng hiện thực hóa chiến lược “Cường quốc biển”, Kế hoạch “Made in China 2025”, và mục tiêu đẩy mạnh khoa học, công nghệ kỹ thuật cao được Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới thông qua tháng 3/2021 vừa qua. Việc chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo phương tiện tự hành cũng như những thành công bước đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ khiến cho cục diện Biển Đông càng trở nên phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh quy định của luật pháp quốc tế vẫn còn nhiều “lỗ hổng” quanh khái niệm này.

Tàu không người lái: khái niệm, phân loại và mục đích sử dụng

“Tự hành” về cơ bản là khả năng một cỗ máy có thể tự cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh khi thực hiện nhiệm vụ đã được định sẵn[1]. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các hệ thống tự hành đã được ứng dụng vào các loại phương tiện từ robot, xe hơi, máy bay, tàu thuyền,… Do đó, “tàu tự hành” là một loại phương tiện ứng dụng hệ thống tự hành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về các phương tiện tự hành nói chung và tàu tự hành nói riêng. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng ta có thể rút ra được những đặc điểm chung của các phương tiện tự hành là: (i) là các thiết bị có khả năng tự vận hành mà không cần con người điều khiển trực tiếp; (ii) nguyên tắc xử lý thông tin gồm quan sát môi trường xung quanh, thu thập thông tin từ bộ phận cảm biến, đánh giá các hướng hành động để lựa chọn và cuối cùng là triển khai lựa chọn đó; (iii) có thể có con người điều khiển từ xa hoặc không cần sự can thiệp của con người mà dựa trên nguyên tắc đã được lập trình sẵn.

Về cách phân loại, theo Giáo sư Raul Pete Pedrozo, tàu tự hành được chia thành tàu không người lái trên mặt biển (unmanned surface vehicles, USV) và tàu không người lái dưới mặt biển (unmanned underwater vehicles, UUV) [5]. Đồng quan điểm này, Nhật Bản[6] và Trung Quốc[7] cũng chia tàu không người lái thành loại hoạt động trên mặt biển và loại hoạt động ngầm dưới mặt biển.

Về chức năng, nhiệm vụ, theo phân tích của Trung Quốc, hiện nay các nước sử dụng thiết bị không người lái trên biển cho mục đích quân sự chiếm đến 70%, còn những mục đích dân sự chỉ chiếm 30%[8].

Riêng với khu vực Biển Đông, theo Giáo sư Raul Pete Pedrozo, tàu tự hành chủ yếu được sử dụng để phục vụ các mục đích (i) tình báo, do thám, trinh sát và giám sát Biển Đông; (ii) nghiên cứu khoa học như thiết lập các hệ thống cảm biến đáy biển, vẽ bản đồ và khảo sát đáy biển thông qua các hoạt động khảo sát thủy văn[10].

Nghiên cứu chế tạo tàu thuyền không người lái là một nhiệm vụ trọng điểm của Trung Quốc hiện nay

So với các nước phát triển như Mỹ, Nga, Nhật,… ngành công nghiệp thiết bị không người lái trên biển của Trung Quốc phát triển sau khá lâu nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất nhanh trong thời gian gần đây. Theo học giả Trung Quốc, đến tháng 7/2008, nước này mới bắt đầu cho nghiên cứu triển khai chiếc tàu không người lái đầu tiên phục vụ công tác dự báo khí tượng trên biển[11].

Tuy nhiên sau đó, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo tàu không người lái ở Trung Quốc lại tăng rất nhanh. Đặc biệt từ năm 2016, nhận thấy xu hướng phát triển nhanh chóng của các thiết bị tự hành dẫn đến sự thay đổi cán cân lực lượng nếu không bắt kịp xu thế, Trung Quốc đã bắt đầu tập trung chú trọng vào lĩnh vực này. Tại văn bản chỉ đạo “Kế hoạch hành động ba năm nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo kết hợp với internet” năm 2016 của Quốc vụ viện Trung Quốc xác định rõ “nghiên cứu chế tạo tàu thuyền không người lái là một nhiệm vụ trọng điểm của Trung Quốc”.

Ngày 27/12/2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông vận tải, Cục Khoa học và công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đã phối hợp ban hành “Kế hoạch hành động phát triển tàu thông minh giai đoạn 2019-2021” trong đó chỉ ra rằng, “tàu thông minh”  đang ở trong giai đoạn đầu nghiên cứu và phát triển ở các nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc “cần đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo tàu thông minh nhằm hướng tới vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này”. Trong kế hoạch này, Trung Quốc xác định lộ trình 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021 là giai đoạn để Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng kế hoạch từ cấp cao nhất, đồng thời bước đầu thiết lập hệ thống tiêu chuẩn cho tàu thông minh trong đó bao gồm tàu không người lái.

Tiếp theo đó, ngày 9/5/2019, Bộ Giao thông vận tải và 7 Cục liên quan của Trung Quốc đã phối hợp ban hành “Ý kiến chỉ đạo về phát triển vận tải biển thông minh”, trong đó đã xây dựng lộ trình nhằm phát triển tàu tự hành ở Trung Quốc. Các bước cụ thể được đặt ra như sau:

 Đến cuối năm 2020: Trung Quốc cơ bản hoàn thành khung xây dựng kế hoạch phát triển của phương tiện vận hành thông minh;

Đến năm 2025: chế tạo thành công các phương tiện tự vận hành và trở thành trung tâm công nghệ sáng tạo phát triển phương tiện vận tải thông minh toàn cầu;

Đến năm 2035: từng bước hình thành hệ thống vận tải thông minh;

Đến năm 2050: Hoàn thiện và đi vào vận hành hệ thống vận chuyển thông minh chất lượng cao trên toàn cầu.

Về lộ trình cụ thể trong giai đoạn hiện nay, ngày 30/4/2020, Vụ Công nghiệp Thiết bị và Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tàu thông minh” trong đó xác định cụ thể hơn về nhiệm vụ hiện nay của Trung Quốc, theo đó, giai đoạn đầu tiên là từ năm 2020-2021, Trung Quốc sẽ tập trung vào hình thành các tiêu chuẩn cơ bản về tàu thông minh như khái niệm, phân loại, công nghệ được ứng dụng, quy định về thiết kế, tiêu chuẩn thử nghiệm, kiểm định,,…; giai đoạn 2 là từ năm 2022-2025, Trung Quốc sẽ ứng dụng các công nghệ vào chế tạo tàu không người lái, đồng thời ban hành các quy định về quản lý, vận hành[12].

Như vậy, từ các văn bản, chính sách quy định và hướng dẫn có thể thấy, hiện nay Trung Quốc đang rất coi trọng việc nghiên cứu, chế tạo và phát triển tàu không người lái, đây là một kế hoạch được đầu tư kỹ lượng với lộ trình bài bản và sự tham gia của nhiều bộ ban ngành cũng như các doanh nghiệp và viện nghiên cứu của Trung Quốc.

Từ chính sách đến triển khai hành động trên thực tế và kết quả đạt được

Với chính sách thúc đẩy như phân tích bên trên của chính quyền trung ương, tốc độ sản xuất tàu tự hành của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Trung Quốc, năm 2014 nước này mới chỉ có 89 chiếc tàu không người lái, song đến năm 2019, Trung Quốc đã sản xuất được 1508 chiếc, tăng khoảng 15 lần so với năm 2014[13].

Hiện nay, những đơn vị nghiên cứu chế tạo về tàu không người lái chủ yếu ở Trung Quốc gồm các trường đại học, cao đẳng như Đại học Công trình Duy Ngô Nhĩ , Đại học Thượng Hải, Đại học Hải dương Thượng Hải, Đại học Hải dương Đại Liên; một số viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu tự động hoá Thẩm Dương (Viện Khoa học Trung Quốc) và một số doanh nghiệp liên quan như Công ty Hàng Thiên Thẩm Dương, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật trí tuệ năng lực Vân Châu (Chu Hải),… Các đơn vị này đã chế tạo thành công và đi vào vận hành một số tàu tự hành tiêu biểu dưới đây[15]:

Ở Biển Đông, theo nghiên cứu của Trung Quốc, nước này đã triển khai các loại tàu sau: (i) tàu không người lái cỡ nhỏ hoạt động độc lập; (ii) tàu không người lái cỡ trung bình hoạt động tương tác và (iii) tàu không người lái hoạt động tập thể. Cụ thể:

(i) Tàu không người lái cỡ nhỏ. Tháng 4/2016, Trung Quốc đã cho vận hành tàu không người lái cỡ nhỏ quanh 4 thực thể ở  Biển Đông nhằm khảo sát địa chấn (hình ảnh bên dưới). Chiếc tàu này dài 2,5m rộng 1,4m, cao 0,6m và nặng 120kg, độ mớn nước là 0,5m. Trong quá trình khảo sát chiếc tàu không người lái này vận hành với tốc độ 4,5-5,5 hải lý/giờ. Những vùng mà tàu này hoạt động có độ sâu không quá 40m và có cả những thực thể rất nông, đây là địa hình những tàu lớn không thể hoạt động được tuy nhiên những tàu không người lái do Trung Quốc chế tạo lại hoạt động rất tốt, đây được coi là thế mạnh của những tàu không người lái mà Trung Quốc đang triển khai.

Về tàu không người lái cỡ trung bình trên Biển Đông, theo báo cáo của Trung Quốc, vào tháng 9/2016, Trung Quốc đã triển khai 2 chiếc tàu cỡ trung bình hoạt động ở ven các đảo mà Trung Quốc đang quân sự hóa nhằm thực hiện công tác đo đạc địa chất và những công việc tổng hợp khác (hình bên dưới). Hai chiếc tàu không người lái này một chiếc dài 5,65m; rộng 2,4m; cao 2,9m; nặng 1,1 tấn và một chiếc dài 6,28m; rộng 2,86m; cao 3,3m; nặng 2,6 tấn. Theo báo cáo, các tàu này đều hoạt động an toàn, chính xác, tốc độ nhanh.

Ba là các tàu hoạt động tập thể. Theo báo cáo của Trung Quốc, vào tháng 9/2018, Trung Quốc đã cho triển khai một nhóm các tàu loại hình khác nhau cùng hoạt động tương tác trên Biển Đông cũng nhằm chức năng thăm dò địa chấn và đo đạc biển. Theo đó, có một tàu không người lái cỡ trung hoạt động cùng ba tàu không người lái cỡ nhỏ. Theo báo cáo, các tàu này được hoạt động ở vùng nước có độ sâu không quá 45m, trong quá trình tác nghiệp các tàu này có thể tự tương tác để cùng chìm xuống nước tác nghiệp, thời gian hoạt động tương tác lẫn nhau có thể lên tới 3 ngày liên tục, phạm vi hoạt động có thể tới 280 km.[18]

Ngoài ra, hình ảnh công bố vào tháng 5/2018 cũng cho thấy Trung Quốc đã cho chạy thử nghiệm 56 chiếc tàu không người lái cỡ nhỏ trên Biển Đông. Oceanalpha là công ty đứng đằng sau dàn tàu này. Theo thông báo của Công ty này, họ đã thử nghiệm đội tàu nhằm kiểm tra năng lực hoạt động cũng như những ứng dụng tiềm năng trong các cuộc hải chiến. Trong clip thử nghiệm, đội tàu này xếp thành hình 2 chữ tiếng Trung “quân” và “dân” hàm ý chỉ các tàu không người lái này ở Trung Quốc sẽ được sử dụng nhằm cả mực đích quân sự và dân sự. Theo một số nhà phân tích, dù nhỏ, nhưng một dàn 56 chiếc tàu như vậy dàn hàng trên biển có thể trở thành “đàn cá mập” có khả năng nuốt chửng bất kỳ đối thủ nào trong các cuộc chiến trên biển.[19]

Ngoài ra, trong năm 2019 và 2020, ngư dân Indonesia cũng đã hai lần phát hiện tàu ngầm không người lái của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Selayar, ngoài khơi Indonesia. Đây được coi là cửa ngõ dẫn vào khu vực Ấn Độ Dương. Theo thông tin từ Indonesia, chiếc tàu ngầm không người lái này của Trung Quốc thuộc dòng Sea Wing với hệ thống cảm biến nằm ở phía trước cùng với một ăng-ten phía đuôi và nhiều khả năng được sử dụng để thăm dò thông tin dưới đáy đại dương.[20]

Những hệ lụy trong tương lai

Qua nghiên cứu bên trên có thể thấy, mặc dù hiện nay, tàu không người lái của Trung Quốc mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm và bước đầu hiện diện ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong số các bên yêu sách trên Biển Đông, hiện nay Trung Quốc là nước có thế mạnh vượt trội về ứng dụng khoa học công nghệ vào các thiết bị không người lái và cả mục đích dân sự và quân sự trên Biển Đông.

Theo TS Swee Lean Colin Koh, “ở Biển Đông, sau nhiều năm thực hiện chương trình toàn diện về hệ thống không người lái, cuối cùng Trung Quốc đã thành công với vị trí đứng đầu tuyệt đối trong lĩnh vực giám sát biển sử dụng các thiết bị không người lái trên không […] Ngoài ra, giữa Trung Quốc và các nước yêu sách ở Biển Đông còn tồn tại sự bất đối xứng lớn hơn về năng lực của các thiết bị không người lái, bao gồm cả mức độ hiện đại và quy mô các chương trình phát triển thiết bị tự hành”[21]. Chính vì vậy, sự xuất hiện của các thiết bị không người lái trên Biển Đông dẫn đến cán cân lực lượng trên Biển Đông càng nghiêng về phía có lợi hơn cho Trung Quốc do nước này tiếp tục đi đầu về xu hướng công nghệ mới này.

Điều đáng lo ngại là, theo học giả Trung Quốc, đây là kế hoạch được gắn chặt với việc  hiện thực hóa giấc mộng “cường quốc biển” của Chủ tịch Tập Cận Bình[22]. Do đó, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực nhằm phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật cao mới nổi này. Điều này sẽ khiến cục diện Biển Đông ngày càng phức tạp bởi hiện nay, những quy định của luật pháp quốc tế cũng còn nhiều “lỗ hổng” quanh khái niệm này.

RELATED ARTICLES

Tin mới