Thái độ của chúng ta như vừa qua là phù hợp nhưng, vẫn phải chuẩn bị kịch bản kỹ càng, sẵn sàng đấu tranh trên mọi mặt trận.
Liên quan tới thông tin, truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) loan tin tàu nghiên cứu “Đại học Tôn Trung Sơn” sẽ được đưa tới Biển Đông (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) trong tháng 10/2021 để thăm dò tài nguyên, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại khẳng định, các cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời nhấn mạnh, mọi hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam tại hai vùng đảo này là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị.
Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, khẳng định: quyền, chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này đã được xác lập rõ ràng, không gì có thể chối cãi.
Ông Trường nhắc lại, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền, trái với công ước và luật pháp quốc tế.
Nhận định thêm về vụ việc, ông Trường cho rằng, ngoài việc khẳng định quyền chủ quyền, Việt Nam cần theo sát vụ việc và có phản ứng theo hai cấp độ.
Ở cấp độ 1, là trước những động thái thăm dò, dọn đường, chưa tiến hành trên thực địa, chưa đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì cách phản ứng của Việt Nam như trên là phù hợp và cần thiết.
Ông Trường nhấn mạnh, Việt Nam có quyền lên tiếng dựa trên những cơ sở pháp lý đã được khẳng định, xác lập rõ quyền, chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này. Tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói bảo vệ quyền, chủ quyền chính đáng trước nguy cơ bị xâm phạm trái phép. Mặt khác, trong bối cảnh những tranh chấp đang xảy ra, theo thỏa thuận của DOC, các bên phải tôn trọng chủ quyền, giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình.
Nhất là khi cả thế giới đang tập trung để chống dịch bệnh COVID-19, thì các nước không nên làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, gây thêm những khó khăn cho nước khác.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc lên tiếng của Bộ Ngoại giao là phù hợp và đúng mức. Bên cạnh đó, những kênh khác như tiếng nói của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới truyền thông… cũng cần phải lên tiếng”, ông Trường nói thêm.
Ở cấp độ 2, ông Lê Việt Trường cho rằng, cần có sự theo dõi, nghiên cứu đánh giá của các cơ quan, chuyên gia nghiên luật pháp quốc tế; nghiên cứu các cơ sở pháp lý về chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, cùng tập hợp tập hợp lực lượng lên tiếng phản đối hành vi trái phép nói trên.
Trường hợp, phát hiện những dấu hiệu sai phạm, xâm phạm vùng thềm lục địa của Việt Nam, thì phải tiến hành các hành động cần thiết và kịp thời. Việt Nam đã thực hiện kết hợp đấu tranh từ mọi mặt trận, ngoại giao, pháp lý và cả đấu tranh trên thực địa, nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm quyền, chủ quyền của Việt Nam đã được luật pháp và công ước quốc tế thừa nhận.