Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông, 5 năm sau Phán quyết

Biển Đông, 5 năm sau Phán quyết

5 năm về trước, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Thường trực Liên hợp quốc tại Lahaye đã ra Phán quyết, khẳng định bên thắng cuộc là Philippines. Đương nhiên, Trung Quốc thua cuộc. Và cái yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý ôm gần hết Biển Đông, do nhà cầm quyền nước này tự vẽ ra sẽ không có giá trị gì. Công lý đã được bảo vệ. Thế nhưng sau 5 năm, Phán quyết của Tòa vẫn bị Bắc Kinh coi là mớ giấy lộn.

Xét về lĩnh vực Công pháp quốc tế, phải khẳng định một điều, trật tự Công pháp quốc tế không cho phép thực thi các phán quyết tương tự như phán quyết của Tòa Trọng tài bằng các công cụ cưỡng chế tư pháp như pháp luật nội địa. Không thể có chuyện hệ thống pháp luật quốc tế sẽ thành lập một “đoàn cưỡng chế” với các loại máy ủi đất, máy xúc, máy cẩu và nhà chức trách, cảnh sát đi phá bỏ, tháo dỡ các công trình kinh tế, quốc phòng do Trung Quốc xây dựng phi pháp tại… Biển Đông.

Các bên liên quan chỉ có thể dùng các công cụ chế tài phi tư pháp dành cho Trung Quốc. Do không có hiệu lực cưỡng chế cho nên tác động của Phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra rất khó xoay chuyển tình thế ở Biển Đông. Là bên thua kiện, Trung Quốc triệt để khai thác cái “tử huyệt” này. Sau 5 năm, hàng loạt hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông không những không dừng lại, mà còn được tiếp nối ở mức cao hơn, liều lĩnh, trắng trợn hơn.

Cụ thể nhất là bên thắng cuộc vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ông Tổng thống Duterter vẫn tỏ ra là người thiếu bản lĩnh, khi không có lập trường dứt khoát, cứng rắn với phía bên kia. Thấy “Mềm thì nắn”, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng và quân sự hoá các thực thể ở quần đảo Trường Sa. Những đường băng sân bay, kho tàng bến bãi, pháo đài đã mọc lên ở đây. Bãi cạn Scaborough đã được Toà Trọng tài tuyên thuộc chủ quyền của Philippines, thế nhưng Trung Quốc vẫn chiếm đóng. Manila chỉ biết kêu lên rằng “hết sức quan ngại”! Chẳng khác nào con rắn độc cuộn tròn trong lòng mà vẫn phải ôm lấy nó.

Phía bên trong cái “Đường lưỡi bò” nuốt gần hết Biển Đông, bất chấp phán xét của Tòa, Trung Quốc vẫn liên tục gây hấn bằng các hành động xâm phạm các vùng biển của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Đài Loan… Không chỉ xâm phạm chủ quyền, Bắc Kinh còn đe doạ, cản trở việc khai thác tài nguyên, chủ yếu là dầu khí và hải sản, trên vùng thềm lục địa của các quốc gia.

Hành động trơ tráo nhất là từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cho các đội tàu dân quân dưới vỏ bọc là tàu cá, hơn 200 tàu vỏ thép, neo đậu tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa. Manila đã nhiều lần tố cáo, yêu cầu những chiếc tàu này phải “cuốn xéo”, nhưng chúng chỉ tản ra vùng ven biển trong khu vực rồi lại trở về, với lý do hết sức vớ vẩn…tránh thời tiết xấu (!). Các nước ASEAN lo ngại rằng, tới đây Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm đá Ba Đầu từ tay Philippines.

Như trên đã nói, do không có hiệu lực cưỡng chế, Tòa trọng tài quốc tế không thể buộc Trung Quốc dừng các hành động trái pháp luật trên Biển Đông.

Một câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ Phán quyết của Tòa hoàn toàn không có giá trị gì? Xin thưa là có. Trước hết, đây là một phán quyết đặc biệt quan trọng trong các thảo luận pháp lý liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc nói riêng và biển Đông nói chung. Giá trị tư pháp và giá trị tham chiếu của Phán quyết là một giá trị bất biến.

Xét về mặt Công pháp quốc tế, khi có một cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử tranh chấp của và kết luận có bên thu, bên thắng kiện là một thành công lớn. Phán quyết mang lại tính chính đáng cho Philippines. Còn trước khi kiện Trung Quốc ra Tòa, cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có những giải thích có lợi cho mình, ai cũng cho là mình đúng.

Cần phải khẳng định dứt khoát rằng: Phán quyết của Tòa trọng tài, năm 1976, là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi “Đường lưỡi bò”, thực chất là bác bỏ cái “lưỡi” này, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong “Đường lưỡi bò”.

Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ Quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học.

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế là một phần của lịch sử, không một ai có thể chối bỏ. Phán quyết như một vệt sáng dẫn đường cho các nước liên quan trong cuộc đấu tranh lập lại trật tự và công bằng dựa trên luật lệ, chứ không phải dựa trên tư tưởng, hành động bá quyền, nước lớn.  

Phán quyết của Toà dẫu sao cũng đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Cái mà Bắc Kinh lớn tiếng về “sức mạnh mềm” đã giảm hẳn. Trung Quốc đã phải dày công làm truyền thông chống lại Phán quyết, tạo dư luận quốc tế và dư luận trong nước, bỏ tiền “mua” các nhà khoa học thiếu lương tâm ở trong và ngoài nước. Một thay đổi không khó nhận ra là gần đây Trung Quốc đã không còn nhắc đến “Đường lưỡi bò” trong các tuyên bố chính thức của họ. Tất nhiên, chỗ nào “vẽ” được là họ cứ “vẽ”, như trên hộ chiếu, các lại hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu…

Ở Việt Nam, đến hiện tại, vẫn có hai luồng dư luận khác nhau: Kiện và không kiện Trung Quốc ra Tòa. Lý do bên không muốn kiện là lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa về mặt quân sự, ngoại giao, và kinh tế. Và nếu thắng kiện như Philippines từng thắng thì cũng “không giải quyết được vấn đề gì” (!). Còn bên chủ kiện thì nêu quan điểm: Việt Nam kiện nhất định thắng, vì có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kiện ra Tòa quốc tế là để dư luận thế giới biết rõ và ủng hộ chính nghĩa. Không kiện bây giờ thì không bao giờ có “cơ hội” tốt hơn.

Câu trả lời thuộc về các nhà lãnh đạo Hà Nội.

RELATED ARTICLES

Tin mới