Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựTaliban sẽ "tung hoành" ở Tân Cương

Taliban sẽ “tung hoành” ở Tân Cương

Lo ngại đang gia tăng rằng khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, sẽ đối mặt với chủ nghĩa khủng bố xâm nhập từ hành lang Wakhan ở biên giới Afghanistan.

Mối lo ngại về kịch bản chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy và xâm nhập Trung Quốc được dấy lên sau khi lực lượng Taliban tràn qua tỉnh Badakhshan, Afghanistan và đang tiến gần biên giới giáp với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Kịch bản khủng bố xâm nhập Tân Cương, Trung Quốc

Taliban đang đẩy nhanh tốc độ chiếm lĩnh địa bàn khi lực lượng do Mỹ dẫn dắt rút lui khỏi Afghanistan. Một số ý kiến đã được nêu ra về “nỗi sợ của Trung Quốc” khi Taliban áp sát biên giới nước này và khuấy động bất ổn tại Tân Cương.

France 24 (Pháp) đưa tin Trung Quốc lo ngại về các vụ tấn công ở khu vực biên giới Afghanistan gần với Tân Cương. Kênh này đánh giá các biện pháp chống khủng bố của Bắc Kinh đang trở thành “gậy ông đập lưng ông”.

Cao Wei, chuyên gia về an ninh tại Đại học Lan Châu, Trung Quốc, nhận định trên Thời báo Hoàn Cầu rằng hầu như không có khả năng các nhóm khủng bố và cực đoan xâm nhập Trung Quốc qua hành lang Wakhan.

Hành lang này tiếp giáp với Trung Quốc trên chiều dài khoảng 90km và không khó để Trung Quốc “phong tỏa” hoàn toàn đường biên này – theo Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Ông Cao Wei nói thêm rằng Taliban ngày nay đã hoàn toàn khác so với hai thập kỷ trước.

Trả lời trang This Week in Asia thuộc tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 7/7, phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen nói tổ chức này coi Trung Quốc là “bạn” của Afghanistan và mong muốn đối thoại với Bắc Kinh về đầu tư tái thiết đất nước “sớm nhất có thể”.

Suhail cũng khẳng định Taliban sẽ không cho phép những người ly khai Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở Afghanistan, cũng như ngăn chặn al-Qaeda hay các nhóm khủng bố khác hoạt động tại quốc gia này.

Một đoàn đại biểu Taliban cũng bảo đảm với Moskva trong chuyến công du Nga hồi tuần trước rằng sẽ không để cho Afghanistan bị lợi dụng như một bàn đạp để tấn công nước khác.

Theo ông Cao, những tín hiệu này cho thấy Taliban đang âm thầm chuyển mình, trở nên giống một tổ chức chính trị hơn và tập trung vào các vấn đề trong nước của Afghanistan. Và nếu Taliban kiểm soát đất nước thì thời gian sẽ chứng minh cho lời nói của họ.

Một đánh giá tình báo của Mỹ mới đây cảnh báo chính phủ hiện nay ở Kabul có thể sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Hàng loạt hãng truyền thông đưa tin Taliban đã sẵn sàng để kiểm soát toàn bộ đất nước.

Các nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo nếu đe dọa an ninh ở Afghanistan tiếp tục lan sang các nước láng giềng thì những kẻ khủng bố và cực đoan có thể xâm nhập Trung Quốc thông qua các nước vùng Trung Á và qua Pakistan.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan đã kìm hãm không gian hoạt động của các nhóm khủng bố ở Trung Á trong những năm qua, và đẩy một số nhóm sang Syria. NHưng khi Taliban sắp giành quyền lực ở Afghanistan thì cần phải quan sát xem liệu nhóm al-Qaeda được Taliban hậu thuẫn có “vươn vòi” trở lại hay không – Cao Wei nói.

Căng thẳng tại Afghanistan đang lan nhanh ra khu vực Trung Á. Hàng trăm binh lính chính phủ Afghanistan đã phải rút chạy qua biên giới sang nước láng giềng Tajikistan khi Taliban chiếm thế thượng phong. Tajikistan đã kêu gọi các thành viên của một khối quân sự do Nga đứng đầu hỗ trợ để ứng phó với thách thức an ninh mới này.

Ông Cao Wei cho rằng Nga đối mặt với sức ép lớn hơn Trung Quốc bởi một số nhóm khủng bố có thể xâm nhập Nga từ các nước thuộc Liên Xô cũ, và phạm vi có thể lan đến cả vùng Caucasus và Chechnya.

Moskva cũng gánh trên vai trách nhiệm bảo đảm an ninh vùng Trung Á của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – gồm có Nga và 5 nước Liên Xô cũ.

Afghanistan thành điểm nóng nhất khu vực

Ngoại trưởng Trung Quốc trong tuần này đang tiến hành chuyến công du Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan, và tham dự phiên họp ngoại trưởng của Nhóm Liên hệ về Afghanistan của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Chuyến đi của ông Vương diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa an ninh ngày càng lan rộng do tình hình leo thang ở Afghanistan.

Đây là lần đầu hội nghị của Nhóm Liên hệ về Afghanistan của SCO được nâng lên cấp bộ trưởng ngoại giao, kể từ khi cơ chế này thiết lập năm 2005. Điều này cho thấy tính cấp bách trong tình hình ở Afghanistan và mối quan tâm lớn cùng nhận thức chung của SCO về sự cần thiết phải thảo luận chi tiết, xuyên suốt về kế hoạch với Afghanistan.

Sun Zhuangzhi, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc SCO, nói với tờ Hoàn Cầu rằng hội nghị ngoại trưởng sẽ củng cố nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Afghanistan, bên cạnh đưa ra kế hoạch chi tiết ở các mức độ song phương và đa phương trong hỗ trợ Afghanistan tái thiết, cũng như cảnh báo các nước phương Tây do Mỹ dẫn dắt về “hành vi rút lui vô trách nhiệm”.

Được thành lập năm 2001 và do Nga-Trung Quốc dẫn dắt, SCO có đến 6 thành viên là các láng giềng của Afghanistan. Khối có 4 quan sát viên (Afghanistan, Mông Cổ, Belarus, Iran) và 6 đối tác đối thoại.

Ông Qian Feng bình luận, thành viên SCO là Ấn Độ muốn mượn Afghanistan để mở rộng “tầm với” chiến lược bởi Afghanistan bao quanh Pakistan – đối thủ của New Delhi – ở phía bắc và phía tây. Ấn Độ cũng cần bảo đảm Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn cho những lực lượng chống Ấn Độ. Trong 20 năm qua, New Delhi đã viện trợ Afghanistan khoảng 3 tỷ USD và duy trì quan hệ tốt với chính phủ Kabul, các thủ lĩnh địa phương và các lực lượng dân sự.

Quan hệ của Ấn Độ với Taliban không tốt và sự trỗi dậy của Taliban đồng nghĩa với ảnh hưởng gia tăng của Pakistan tại Afghanistan. New Delhi đang nóng lòng khôi phục liên hệ với tổ chức này.

Nga, Trung sẽ không là những “đế chế xuống mồ” tiếp theo

Những nỗ lực tham gia tái thiết Afghanistan của Nga và Trung Quốc được cảnh báo có thể khiến hai ông lớn này sa lầy giống như Mỹ.

Báo The Hill (Mỹ) nói rằng Bắc Kinh có kế hoạch “sà vào” và “lấp khoảng trống” Mỹ để lại ở Afghanistan. Tờ này nói thẳng rằng Trung Quốc sẽ là “đế chế tiếp theo tiến vào nấm mồ ở Afghanistan”.

Tuy nhiên, ông Cao Wei nói Nga và Trung Quốc – với nguyên tắc không can thiệp – sẽ tập trung vào hỗ trợ kinh tế hơn là can thiệp quân sự. Ông bác bỏ quan điểm rằng Nga-Trung sẽ là những đế chế tiếp theo “xuống mồ” ở Afghanistan.

Cả Bắc Kinh và Moskva nhấn mạnh vấn đề Afghanistan cần được chính người Afghanistan giải quyết.

Taliban cũng tỏ thái độ hoan nghênh Trung Quốc tham gia tái thiết. Tổ chức này tuyên bố sẽ cố gắng duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng khác nếu họ nắm quyền.

Các nhà phân tích Trung Quốc nói Taliban gần như sẽ không cố ý “xuất khẩu” ý thức hệ của mình, song Bắc Kinh vẫn cần cảnh giác trước đe dọa từ các nhóm cực đoan tự nguyện chấp nhận ý thức hệ của Taliban và cố gắng ảnh hưởng đến Tân Cương.

Ông Qian Feng chỉ ra, Taliban bị phân tán bởi nhiều thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này không ở Afghanistan, do đó một số chi nhánh Taliban đã thu nạp các thành viên Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – nhóm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ khiến Bắc Kinh e ngại nhất, hoạt động tại Afghanistan.

Taliban ở Afghanistan đang từng bước chuyển đổi thành một “chính quyền khu vực” sẵn sàng tham gia vào quản trị quốc gia hơn là che chở các nhóm khủng bố. Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng ngay cả khi Taliban theo đuổi các biện pháp cực đoan trong tương lai thì Bắc Kinh vẫn có đủ khả năng ứng phó bằng cơ chế chống khủng bố trong nước toàn diện của mình, cũng như dựa vào hợp tác khu vực và luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới