Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐược vạ, má xưng

Được vạ, má xưng

Hành động hung hăng của Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông, làm các quốc gia láng giềng mệt mỏi, thế nhưng lúc nào Bắc Kinh cũng dịu giọng ôn hòa, rằng chúng tôi không bao giờ có tư tưởng bành trướng, chúng tôi mong muốn hòa bình, hữu nghị.

Hành động hung hăng ấy có thể dẫn chứng qua một số sự kiện tiêu biểu. Đó là việc Trung Quốc ngang nhiên bồi lấp, quân sự hoá các thực thể ở Biển Đông mà họ đã cướp trắng từ tay các nước khác như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam… Các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc diễn ra với tần suất dầy hơn, số ngày nhiều hơn, quy mô lớn hơn. Không chỉ có thế, Trung Quốc vô cớ ngăn cản các nước thăm dò, khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình.

Bước sang năm 2021, sau một thời gian nín thở, chờ đợi thái độ của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bắc Kinh tỏ ra thất vọng. Thì ra ông này còn “rắn” hơn cả vị Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump! Thế là Trung Nam Hải lập tức tiến hành hàng loạt các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Đầu năm, Trung Quốc mở màn bằng việc thông qua Luật Cảnh sát biển.

Thông qua Luật là quyền của họ, nhưng oái oăm thay có những điều khoản giẫm vào chân người khác, đe dọa mạng sống của hàng xóm. Cụ thể, Luật cho phép Lực lượng cảnh sát biển được phép nổ súng vào các tàu của các quốc gia khác nếu xâm phạm “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”.

Sự nhập nhằng ở đây là, Trung Quốc không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc” là vùng nào? Chẳng lẽ đó là thẩm quyền mà họ vơ váo tự nhận tới hơn 80% diện tích Biển Đông, thông qua cái “lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sổ toẹt?

Theo các nhà phân tích, mưu đồ phía sau của Trung Quốc là, sử dụng lực lượng cảnh sát biển tấn công bằng vũ lực và đe doạ các tàu của nước khác trên toàn bộ vùng biển mà họ nhận là “của mình”. Mới đây ông Triệu Lập Kiên – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – thật trơ trẽn khi nói rằng, Phán quyết của PCA là trò bịp, nó chỉ nhằm phục vụ âm mưu chính trị đen tối của Mỹ (!).

Sang đầu tháng 3/2021, Trung Quốc đã đưa hơn 200 tàu vỏ thép án ngữ ở khu vực Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc cho Philippines nhiều lần lên tiếng xua đuổi. Hành động này của Trung Quốc thể hiện họ đang “nam tiến” trên biển, không ngoại trừ khả năng thực hiện một cuộc xâm lăng mới.

Vào ngày 11/7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định dứt khoát lập trường của Washington ủng hộ Phán quyết Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông của Philippines. Mỹ kịch liệt phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc nằm ngoài các khu vực được thừa nhận bởi quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố không hề do dự: Một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ và máy bay của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Trung Quốc chỉ có sự lựa chọn duy nhất là, tôn trọng phán quyết năm 2016 của PCA, vì đây là Phán quyết có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên.

Việt Nam, Malaysia, Indonesia tuy không phải là các bên có nghĩa vụ ràng buộc trong Phán quyết, nhưng việc Tòa bác bỏ “quyền lịch sử” bên trong “đường lưỡi bò” rõ ràng rất có lợi cho các nước này. Đơn giản một điều, cái “lưỡi bò” kia đã tham lam liếm sâu vào các vùng EEZ của họ.

Về vấn đề này, mặc dù rất nhạy cảm khi phải đứng bên một gã khổng lồ sẵn sàng biến không thành có, biến trái thành phải, Hà Nội vẫn buộc phải lên tiếng. Bởi nếu im lặng là coi như công nhận những điều sai trái, công nhận việc nhận xằng trên biển của Trung Quốc. Hôm 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện quan điểm rõ ràng: “Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.”

Theo các nguồn tin tin cậy, Hà Nội đang cân nhắc khả năng sẽ đưa Trung Quốc ra một Hội đồng trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS hoặc có thể sẽ xin ý kiến tư vấn từ ITLOS hoặc ICJ để trả lời cho một số vấn đề mà Trung Quốc thường đưa ra lập luận sai trái. Nói đơn giản là, sẽ “kiện” Trung Quốc.

Trong sự lình xình kéo dài về tình hình Biển Đông, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đứng ở đâu? Xin thưa, vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ giữa một số thành viên, thậm chí tạo nên hố sâu ngăn cách. Mong rằng, cần tăng cường đoàn kết thống nhất, bảo vệ những giá trị cơ bản bảo đảm thành công của ASEAN, nhằm xây dựng một cộng đồng thật sự hướng về con người.  

Trước hết, ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện. COC sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.

Trung Quốc luôn nói rằng mong sớm hoàn thiện Bộ quy tắc quan trọng này. Nhưng đấy là lời nói, còn việc làm của họ là càng kéo dài càng tốt. Quá mù ra mưa. Khi họ đã hợp pháp hóa những đá, đảo, vùng biển chiếm được thì tiếc thay, COC chỉ là công cụ bảo vệ cho một sự đã rồi. Câu thành ngữ của người Việt “được vạ má xưng” thật đúng trong trường hợp này.

RELATED ARTICLES

Tin mới