Người trồng hoa tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng đang đứng ngồi không yên vì hàng ngàn cành hoa không bán được, nguy cơ phải vứt bỏ, tiêu hủy làm phân bón.
Hàng ngàn cành hoa cúc của Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm phải vứt bỏ do không xuất khẩu được sang Australia.
Ông Aad GorDijn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm cho biết, công ty hiện liên kết với hơn 200 hộ nông hộ trồng hoa ở Lâm Đồng. Việc xuất khẩu hoa sang Australia được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt theo yêu cầu của đối tác.
Để xuất khẩu hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành sang Australia cần phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa theo yêu cầu (ngâm 35cm cành hoa trong dung dịch 0,5% hoạt chất trên trong vòng 20 phút).
Tuy nhiên theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước. Với quy định này, từ nay đến cuối năm, gần 20 triệu cành hoa sẽ bị tiêu huỷ, trở thành phân bón.
“Chúng tôi đã mất nhiều năm để xây dựng thị trường ở Australia, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của chúng tôi. Việc kinh doanh này của chúng tôi sẽ được chuyển cho các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc vì Trung Quốc vẫn cho phép sử dụng Glyphosate”, ông Aad GorDijn cho biết.
Australia là thị trường xuất khẩu hoa truyền thống hơn 23 năm qua của cty TNHH Đà Lạt Hasfarm và đang tăng trưởng liên tục trong thời gian gần đây lên tới hơn 30 triệu cành hoa và lá trang trí, mang lại doanh thu 5,5 triệu USD/năm. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hasfarm sau Nhật Bản.
Việc dừng, không sử dụng Glyphosate trong xử lý mầm hoa sẽ kéo theo hàng loạt những thiệt hại và lớn nhất chính là đứt gãy chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng hoa ở Đà Lạt. Tiếp đến là mất đi thị trường xuất khẩu hoa tiềm năng.
Ông Lê Mỹ Thành ở phường 7, TP Đà Lạt có 0.7ha trồng hoa cúc cũng đang rầu rĩ vì vườn hoa của ông liên kết sản xuất với Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm sắp bước vào vụ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai.
“Bây giờ cứ ra vườn chăm hoa vậy thôi, nhưng bây giờ không xuất khẩu được, nhìn hoa chăm cả năm trời mà giờ phải cắt bỏ, xót xa lắm”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, không riêng công ty Đà Lạt Hasfarm mà Lâm Đồng hiện có 6 doanh nghiệp đang trồng hoa xuất khẩu đi Australia, nếu không có biện pháp cấp bách lúc này thì hơn 40 triệu cành, giống hoa sẽ đổ bỏ, cần có biện pháp tạm thời trước khi chờ thỏa thuận giữa 2 nước.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phương án tạm thời cho sử dụng 350lit glyphosate/năm dưới sự quản lý chặt chẽ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng để hoa có thể xuất khẩu ít nhất trong giai đoạn dịch bệnh này, cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ hỗ trợ làm việc với các cơ quan chức năng của Australia để đàm phán việc cho phép sử dụng hoạt chất thay thế Glyphosate trong xử lý triệt mầm hoa cúc và cẩm chướng cắt cành xuất khẩu sang thị trường lớn mạnh này.