Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếPhán quyết trong Vụ kiện Biển Đông: Một phán quyết lịch sử...

Phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông: Một phán quyết lịch sử vì trật tự và luật pháp trên Biển Đông

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài ra Phán quyết cuối cùng Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết đã bác bỏ yêu sách thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông, xác lập vị thế độc tôn của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Phán quyết đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh pháp lý trong tranh chấp Biển Đông, mang lại lợi thế pháp lý lâu dài và sâu xa cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong việc duy trì và củng cố một trật tự dựa trên luật pháp trên Biển Đông.

Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan.

Kỷ niệm 5 năm ngày Phán quyết được ban hành, bài viết này xin làm rõ những đóng góp của Phán quyết và cũng xin bàn luận đôi điều về thái độ của Trung Quốc đối với Phán quyết. Bài viết là lời tưởng nhớ gửi đến cố Tổng thống Philippines Benigno Aquino III – người đã dũng cảm quyết định khởi kiện Vụ kiện này. Một quyết định chính trị của nguyên thủ một quốc gia lại mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia khác, cho việc duy trì một trật tự dựa trên luật pháp trên Biển Đông, và cho sự phát triển của luật biển quốc tế nói chung.

Phán quyết bác bỏ không chỉ yêu sách đường chín đoạn mà mọi yêu sách thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai

Với nhiều học giả, kết luận của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách biển dựa trên đường chín đoạn của Trung Quốc là điểm quan trọng nhất trong Phán quyết. Điều này đúng, nhưng về mặt pháp lý và trong dài hạn, đây không phải là điểm quan trọng nhất. Trung Quốc hoàn toàn có thể từ bỏ yêu sách đường chín đoạn và thay bằng một yêu sách phi pháp khác với một tên gọi khác, như yêu sách “Tứ Sa” mà theo giới học giả chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Kết luận quan trọng nhất trong Phán quyết – Tòa đồng ý với Philippines ở điểm “các quyền trên biển của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông chỉ bao gồm các quyền được xác lập theo UNCLOS 1982 mà không phải dựa trên các cơ sở pháp lý khác” – là kết luận Philippines mong muốn nhất khi đưa ra ngay tại đệ trình thứ nhất trong Thông báo khởi kiện của mình. Với kết luận này, UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để Trung Quốc và Philippines yêu sách các vùng biển trên Biển Đông. Mọi yêu sách bất kể tên gọi hay dựa trên cơ sở pháp lý nào mà không phù hợp với UNCLOS đều không có giá trị pháp lý.

Kết luận này quan trọng khi chỉ rõ và giới hạn cơ sở pháp lý để đưa ra yêu sách biển của Trung Quốc. Từ trước đến nay, khi biện minh cho yêu sách của mình, Trung Quốc chỉ viện dẫn chung chung đến “luật pháp quốc tế” hay “luật pháp quốc tế chung” mà không phải UNCLOS. Cái mà nước này viện dẫn thực chất là luật biển tập quán quốc tế. Tất cả chúng ta đều biết luật biển quốc tế không chỉ bao gồm UNCLOS mà còn có một bộ phận khác là tập quán quốc tế. Trong luật biển tập quán có quy định cho phép các quốc gia xác lập các vùng biển không có trong UNCLOS, cụ thể là vùng nước lịch sử hay vịnh lịch sử. Do Trung Quốc muốn nhiều vùng biển hơn so với quy định của UNCLOS, nên việc bác bỏ UNCLOS và chỉ dựa vào luật tập quán để yêu sách là lựa chọn duy nhất của nước này. Hơn nữa, do luật tập quán là luật bất thành văn nên sự tồn tại hay nội dung chính xác của một quy định tập quán luôn mơ hồ hơn so với quy định điều ước. Đặc trưng này có lợi cho Trung Quốc do chính nước này cũng biết rằng yêu sách của mình không vững về pháp lý và cần dựa vào sự mơ hồ của luật tập quán. Ví dụ như gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực “sáng tạo” ra cái gọi là luật tập quán về quy chế pháp lý cho quần đảo của quốc gia lục địa. Nước này đưa ra yêu sách “Tứ Sa” với mong muốn gộp bốn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa và Đông Sa vào một thực thể chung để yêu sách chủ quyền với vùng biển bên trong và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển bên ngoài. Đây là yêu sách không phù hợp với UNCLOS bởi vì đây là yêu sách mà chỉ có quốc gia quần đảo mới được đưa ra. Trung Quốc đang muốn áp dụng quy chế của quốc gia quần đảo cho các quần đảo xa bờ trên Biển Đông.

Với kết luận của Tòa khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để yêu sách biển, Trung Quốc không còn có thể dựa vào luật tập quán quốc tế để biện minh cho yêu sách thái quá của mình nữa. Yêu sách đường chín đoạn hay yêu sách Tứ Sa hay bất kể yêu sách nào không dựa vào quy định minh thị của UNCLOS đều là bất hợp pháp. Theo nghĩa nào đó, Phán quyết đã đặt “vòng kim cô” UNCLOS lên đầu của Trung Quốc – một vòng kim cô pháp lý không thể phá vỡ.

Phán quyết thu hẹp phạm vi vùng biển tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa

Kết luận thứ hai trong Phán quyết có tầm quan trọng lâu dài là về quy chế pháp lý của các cấu trúc trong quần đảo Trường Sa. Tòa Trọng tài kết luận rằng tất cả các cấu trúc tự nhiên trên quần đảo này đều là đảo đá theo Điều 121(3) UNCLOS. Chúng chỉ có lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Với kết luận này, phạm vi vùng biển tranh chấp chính trong khu vực quần đảo Trường Sa sẽ chỉ còn giới hạn trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo.

Kết luận trên cũng hàm ý rằng ở giữa Biển Đông có một vùng biển cả – là vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia và nơi tất cả mọi quốc gia đều có các quyền tự do biển cả. Các quốc gia có thể hoạt động tự do trên vùng biển cả trong Biển Đông, không bị giới hạn bởi quyền của các quốc gia ven biển xung quanh Biển Đông. Các quốc gia có thể tự do tiến hành nghiên cứu khoa học biển hoặc thậm chí tập trận quân sự, thử vũ khí và có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ các quyền tự do biển cả ở khu vực này.

Sau 5 năm, Phán quyết ngày càng được chấp nhận rộng rãi

Có thể do Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia nên Phán quyết năm 2016 – mặc dù chỉ là một phán quyết giải quyết tranh chấp song phương – ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia khác cả trong và ngoài khu vực. Điều này thể hiện rõ nhất thời gian qua khi nhiều nước đã viện dẫn đến các kết luận quan trọng trong Phán quyết để củng cố quan điểm của mình khi bác bỏ yêu sách thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông, điển hình như các nước Mỹ, Anh và Pháp, Australia, Nhật Bản, và Indonesia.

Các công hàm của Việt Nam và Malaysia cũng có nội dung phù hợp với các kết luận trong Phán quyết dù không viện dẫn trực tiếp đến Phán quyết.

Thực tế trên cho thấy Phán quyết là cơ sở pháp lý để các quốc gia trong và ngoài khu vực dựa vào để chống lại các yêu sách thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết đã trở thành một vũ khí pháp lý mạnh mẽ bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp trên vùng biển quan trọng này. Trong tương lai, sẽ còn có nhiều nước công khai hay ngầm ủng hộ Phán quyết, bởi vì việc buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách phi pháp của mình là lợi ích chung của tất cả các quốc gia đang sử dụng hay có lợi ích trong việc duy trì trật tự và luật pháp trên Biển Đông.

Thái độ của Trung Quốc

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm “ba không” đối với Vụ kiện và Phán quyết của Tòa Trọng tài: không tham gia – không công nhận – không thực thi. Thái độ này của Trung Quốc không có lợi cho chính Trung Quốc.

Việc Trung Quốc không công nhận và không thực thi không làm vô hiệu được Phán quyết không làm cho Trung Quốc “thoát khỏi” hiệu lực ràng buộc pháp lý của Phán quyết mà chỉ làm cho cộng đồng quốc tế thấy rõ sự coi thường các thiết chế tài phán quốc tế, coi thường luật pháp quốc tế, hoặc ít nhất là áp dụng luật pháp quốc tế một cách chọn lọc, “tiêu chuẩn kép” của Trung Quốc. Đây là hình ảnh của một nước muốn sử dụng cường quyền để uốn cong pháp luật; muốn dùng quyền lực để lấy đi lợi ích hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn. Hình ảnh nước Trung Quốc không còn là hình ảnh của một người “quân tử” như hàng ngàn Viện Khổng tử rải khắp các quốc gia đang ngày ngày rao giảng. Cách ứng xử của Trung Quốc không phải là cách ứng xử mà thế giới kỳ vọng ở một nước lớn. Như người xưa từng nói “bụng của tể tướng có thể chống cả cột buồm” để chỉ tâm thế của bậc đại nhân, một nước lớn cũng cần có một tâm thế lớn như vậy. Nước lớn cần có bản lĩnh để chấp nhận thi hành một Phán quyết mà mình là bên thua!

Nếu Trung Quốc thay đổi quan điểm, chấp nhận thi hành Phán quyết, nước này sẽ thành công trong việc cho thế giới thấy một Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, không dựa vào cường quyền để o ép các nước khác. Và, xa hơn, đây sẽ là hình ảnh có sức cuốn hút về cách mà nước này có thể trở thành lãnh đạo thế giới trong tương lai.

Với việc tuân thủ Phán quyết mang lại nhiều lợi ích như thế, có lẽ đã đến lúc Trung Quốc xem xét lại thái độ của mình đối với Phán quyết. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có bản lĩnh đó hay không?

RELATED ARTICLES

Tin mới