Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi đang đổ rác xuống biển?

Ai đang đổ rác xuống biển?

Việc Trung Quốc gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường Biển Đông do phá vỡ các tầng san hô ở đáy biển và moi lên để bồi lấn các đảo chìm đã bị thế giới lên án. Gần đây, nước này lại có những chiêu trò mới, xả chất thải bừa bãi từ các con tàu xuống biển.

Thật là thói tật của một gã côn đồ. Bởi chất thải từ hàng trăm con tàu neo đậu chung quanh các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa là đủ thứ uế tạp, từ chất thải của máy móc đến chất thải của… người.

Nói có sách, mách có chứng. Mới đây, hôm 15/7, Simularity – một công ty phân tích hình ảnh không gian địa lý (trụ sở tại Mỹ) khẳng định: Hàng trăm tàu Trung Quốc trong nhiều năm qua đã ngang nhiên xả chất thải xuống các vùng biển. Các nhà khoa học Mỹ không nói một cách hồ đồ, chụp mũ, mà căn cứ vào những bằng chứng thu thập từ ảnh vệ tinh.

Bà Liz Derr, Giám đốc công ty Simularity, thẳng thắn vạch mặt chủ nhân của các con tàu đã coi Biển Đông như bãi rác, tại một cuộc hội thảo trực tuyến, trước đông đảo các nhà báo Philippines và thế giới.

Phân tích ảnh vệ tinh trong 5 năm, người ta đã phát hiện nồng độ chất diệp lục (chlorophyll-a) rất cao chung quanh hàng trăm con tàu Trung Quốc đang “ăn vạ” tại các dải san hô thuộc cụm Sinh Tồn-Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Không thể chối cãi, bởi chất diệp lục và tảo sinh ra khi nước xả thải tích tụ và khi tích tụ chung quanh các tàu vỏ thép.

Bàng hoàng khi biết tin này, ông Eduardo Menez, trợ lý Ngoại trưởng Philippines, tuyên bố, các nhà khoa học Phi sẽ khẩn trương đánh giá, làm rõ và xác nhận phát hiện của công ty Simularity. Sau đó sẽ có hành động cứng rắn với chính quyền Bắc Kinh.

Chẳng phải bây giờ, mấy anh cướp biển ranh ma giả danh người đánh cá hiền lành mới làm bậy như thế! Các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia… mấy năm trước đã từng phát hiện và cảnh báo về việc tàu Trung Quốc làm bẩn môi trường.

Tháng 12/2019, Việt Nam đã phát hiện Công ty TNHH MTV Hào Hưng có chủ người Trung Quốc tùy tiện xả thải ra môi trường biển. Đây là vùng biển ở khu vực cảng tại tỉnh Quảng Ngãi. Hành động này đã khiến cho nước biển đổi màu, cá chết hàng loạt, khiến ngư dân nổi giận. Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây nguyên của Việt Nam đã nhận được hình ảnh, clip và cử tổ công tác đến kiểm tra, kết luận đúng như phản ánh của người dân. Và doanh nghiệp này đã hết đường chối cãi, chấp nhận bị xử phạt.

Rõ ràng từ việc lớn đến việc nhỏ, có rất nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc liên tục gây ô nhiễm môi trường trên biển. Thế nhưng, ở bất cứ đâu, tranh thủ mọi diễn đàn, chính quyền Bắc Kinh luôn nói về lợi ích đại cục, về phát triển kinh tế bền vững, về việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngay sau khi bị vạch mặt trước báo chí Philippines, Trung Quốc đã chỉ trích công ty Simularity bịa đặt, “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trơ trẽn nói rằng: Hãy xem xét kỹ, ai mới là kẻ đổ rác xuống biển? Thông tin Trung Quốc xả thải ở Biển Đông là “trò cười”, Trung Quốc “lên án mạnh mẽ những hành động như vậy” (!).

Ông Triệu cho rằng, công ty Mỹ đang giở trò vu cáo quen thuộc. Tới đây Bắc Kinh sẽ làm việc với các nước trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Đấy là lời nói vô bằng chứng của ông Triệu. Còn phía Mỹ thì nêu ra những hình ảnh thuyết phục. Rằng, “có thể nhìn thấy được từ không gian”; “khi những con tàu này không di chuyển, chất thải sẽ chồng chất lên nhau. Đây là thảm họa nghiêm trọng và đã gần tới điểm không thể cứu vãn”.

Trong môi trường uế tạp như vậy, rất lo cho việc bảo vệ hải sản, tình trạng này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng trữ lượng cá trong vùng biển. Đặc biệt là sự sống của các đàn cá ngừ. Loài cá này di cư, vốn sinh sản trong các rạn san hô, chúng sẽ bị đe dọa đầu tiên bởi chất thải từ các con  tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố: “Dù có tranh chấp và xung đột lợi ích tại Biển Đông, tất cả quốc gia trong khu vực phải có trách nhiệm quản lý tài nguyên và môi trường”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng thì mềm dẻo hơn: “Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.

Âu cũng là cách nói theo kiểu “ném cát bụi tre”, trúng đâu thì trúng. Bởi ô nhiễm môi trường thì chưa chết người ngay lập tức, cũng chả riêng Việt Nam hứng lấy trò bẩn này của Trung Quốc. Nhưng im lặng thì người ta sẽ tiếp tục làm tới. Biển Đông sẽ ngày càng ô nhiễm hơn. Vì thế, giải pháp tốt nhất là yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng sự thật, khắc phục ngay.

Chưa chết người bất đắc kỳ tử vì ô nhiễm, nhưng cái chết về uy tín, danh dự của những kẻ chơi luật rừng thì đã được cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới