Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựMỹ tiếp tục "trêu ngươi" TQ

Mỹ tiếp tục “trêu ngươi” TQ

Quan hệ Mỹ-Đài Loan đang ngày càng gắn bó, máy bay quân sự của Mỹ trưa 19/7 hạ cánh xuống Đài Loan lần thứ 3 trong vòng chưa đầy hai tháng. Máy bay quân sự Mỹ liên tiếp tới Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận.

Theo trang UDN của Đài Loan, chiếc máy bay quân sự Mỹ C-130 “làm nhiệm vụ chuyên cơ” số N3755P cất cánh từ sân bay Manila ở Philippines vào lúc 9h 58 phút ngày 19/7 theo giờ địa phương, và hạ cánh xuống sân bay Đào Viên, Đài Bắc lúc 12h 14 phút cùng ngày. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 2 tháng và lần thứ 2 trong vòng 5 ngày, máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan – điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.

Theo bản tin, chiếc máy bay này do Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) thuê và tất cả các vật phẩm lên và xuống máy bay đều là “bưu kiện ngoại giao”.

Chiếc máy bay hiện vẫn đang tác nghiệp trên mặt đất tại sân bay Đào Viên và sẽ rời Đài Loan sau khi hoàn thành các hoạt động liên quan đến tiếp nhiên liệu.

Được biết chiếc máy bay sứ mệnh chuyên cơ này đảm nhiệm nội dung bí mật, có nguồn nói những túi hàng được đưa lên máy bay ở Đài Bắc là của ông Brent Christensen, cựu giám đốc AIT, người đã rời Đài Loan trước đây; trong khi các mặt hàng chở đến Đài Loan là đồ dùng cá nhân của Sandra Oudkirk, giám đốc mới của AIT.

Tin cho biết, các bưu kiện ngoại giao cũng cần phải khai báo với Hải quan Đài Loan, nhưng được hưởng ưu đãi ngoại giao miễn kiểm tra.

Trước đó, ngày 15/7, một máy bay trinh sát C-146A “Borzoi” của Quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống Đài Loan. Trước đó nữa, 3 thượng nghị sĩ Mỹ đã bay đến Đài Loan trên máy bay vận tải C-17 của Không quân vào ngày 6/6 và gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại sở chỉ huy không quân ở sân bay quân sự Tùng Sơn, Đài Bắc.

Về việc các máy bay quân sự Mỹ liên tiếp hạ cánh xuống Đài Loan, trang web 163.com có lượng người đọc rất lớn ở Trung Quốc ngày 19/7 đã đăng bài “Eo biển đứng trước thách thức, máy bay quân sự Mỹ lại đến Đài Loan, ngày thực hiện thống nhất đất nước sẽ không xa nữa chăng?”.

Bài báo viết: Trong những năm gần đây, sau khi liên tiếp phát động các vòng chiến tranh thương mại, Mỹ đã không xác định được kết quả tương ứng, vì vậy, họ đã rơi vào trạng thái bệnh hoạn khi chơi con bài Đài Loan.

Trước đây, thái độ của Mỹ đối với quan hệ hai bờ eo biển luôn là tình trạng không độc lập, không thống nhất, không sử dụng vũ lực, nhưng sự điên cuồng của Donald Trump đã trực tiếp phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ này và gây ra tình trạng tồi tệ ở eo biển Đài Loan hiện nay.

Sau khi Joe Biden nhậm chức, thay vì hạ nhiệt tình hình ở eo biển Đài Loan, ông ta lại đổ thêm dầu vào lửa, theo lệnh của ông ta, năm 2021 Mỹ đã có trường hợp máy bay quân sự đầu tiên hạ cánh xuống Đài Loan. Vào tháng 6, một chiếc máy bay vận tải chiến lược C-17 đã chở các chính khách Mỹ hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc. Tuy nhiên, nó đã rời đi sau chưa đầy ba giờ, nhưng lần này người Mỹ đã lại sử dụng cùng một thủ đoạn để khiêu khích.

Theo nguồn tin từ trang mạng Thời báo Hoàn cầu, vào ngày 15/7, một máy bay trinh sát C-146A của Không quân Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa, sau đó hạ cánh xuống Đài Bắc. Được biết, tuy chiếc máy bay do thám này do Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ quản lý, nhưng những máy bay này thường không đăng ký số máy bay quân sự mà là số đăng ký máy bay dân dụng. Trên thực tế, tiền thân của loại máy bay này thực sự là dân dụng, dựa trên chiếc Dornier 328 đã hoán cải thành máy bay quân sự.

Sau khi chiếc máy bay quân sự nhìn có vẻ là dân sự này của Mỹ đến Đài Loan, nó bay đến sân bay Tùng Sơn, chỉ ở lại trong 34 phút và giao một “gói hàng bí ẩn” cho các nhân viên Mỹ đóng tại Đài Loan ngay sau khi nó hạ cánh. Hoạt động kiểu “chuyển phát nhanh” này khiến thế giới bên ngoài cảm thấy rất khó hiểu, bất kể là ai cũng thấy, đây không phải là một phi vụ bay đơn giản. Vậy, ai là người nhận gói hàng bí ẩn này? Liệu có phải là lực lượng đặc biệt mà Mỹ đã phái đến Đài Loan trước đó?

Hiện tại, hai điểm nghi ngờ này thực ra không còn quan trọng, vì ngay sau khi quân đội Mỹ có động thái như vậy, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiếm khi đưa ra tuyên bố rằng mọi ý đồ chính trị đối với Đài Loan đều là vô ích, không những không lay chuyển được quyết tâm kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của người Trung Quốc, mà còn khiến cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về ý đồ thâm độc của Mỹ nhằm phá hoại hòa bình trên eo biển Đài Loan. Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho những thách thức mà eo biển Đài Loan phải đối mặt và sẽ thực hiện mọi biện pháp khi nào cần thiết để đập tan mọi âm mưu can thiệp vào việc tái thống nhất hai bờ eo biển.

Bài báo viết: Một số nhà phân tích cho rằng tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần này cho thấy sự thống nhất của Trung Quốc không còn xa. Cần nhớ rằng, trước đây quan chức Trung Quốc từng nói nõ, nếu máy bay quân sự nước ngoài hạ cánh xuống lãnh thổ của Trung Quốc đều phải được phép của chính phủ Trung Quốc. Vậy thì, nếu quy mô của quân đội Mỹ ngày càng lớn hơn trong tương lai, sử dụng không phải là máy bay quân sự mang nhãn hiệu dân sự, mà là máy bay quân sự thực sự, tương đương với việc xâm phạm không phận của Trung Quốc, khi đó Trung Quốc sẽ có lý do để trực tiếp bắn hạ chúng như Liên Xô đã làm trước đây.

Điều đáng nói là ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ theo dự kiến, quân đội Mỹ đã cử máy bay quân sự khoác áo dân sự đến Đài Loan để gây chuyện, rõ ràng Joe Biden muốn nhân cơ hội để hạ uy thế Trung Quốc; nếu không, Mỹ có thể thể hiện sự chân thành của mình tạm dừng việc bàn giao của Hiệp hội Đài Loan. Bây giờ Mỹ hạ uy thế chúng ta, chúng ta có thể nhân cơ hội này để bày tỏ thái độ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nhân viên có liên quan. Ví dụ, ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Thiên Tân, tin tức về chuyến bay đầu tiên của một loại máy bay ném bom nào đó sẽ được các quan chức thông báo.

Trang web của Thời báo Hoàn cầu chiều 19/7 cũng đã đưa tin về vụ chiếc C-130 hạ cánh xuống sân bay Đào Viên, đồng thời nhắc lại vụ việc chiếc C-146A hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn hôm 15/7.

Thời báo Hoàn cầu viết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng trước việc chiếc chuyên cơ C-146A hạ cánh và lưu lại ngắn hạn, ông Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng đã tuyên bố dưới hình thức “phát biểu công khai” rằng “Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Mọi máy bay quân sự nước ngoài phải được phép của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới được phép hạ cánh trên lãnh thổ của chúng ta. Mọi tàu chiến hoặc máy bay nước ngoài xâm phạm vào không phận của chúng ta sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.

Ngô Khiêm cũng tuyên bố rằng “chúng tôi cảnh cáo Hoa Kỳ đừng đùa với lửa, ngừng ngay lập tức các hành động mạo hiểm và khiêu khích, không gửi tín hiệu sai lệch cho thế lực ly khai ‘Đài Loan độc lập’, và tránh làm trầm trọng thêm cục diện căng thẳng nguy hiểm ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi cảnh cáo các nhà chức trách Đảng Dân Tiến (DPP) không được đánh giá sai tình hình, dẫn sói vào nhà, chấp nhận rủi ro và câu kết với các thế lực bên ngoài để mưu tìm hành động khiêu khích “độc lập”, sẽ chỉ đưa Đài Loan lâm vào tình thế nguy hiểm. Trung Quốc cần phải thống nhất, và nhất định thống nhất. Không ai được đánh giá thấp ý chí, quyết tâm, bản lĩnh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc duy trì trạng thái cảnh giác cao độ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết đập tan mọi âm mưu ‘Đài Loan độc lập’ ”.

Bình luận về các sự kiện này, ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc “Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng” của Đài Loan, nói, Mỹ đã bình thường hóa việc các máy bay của họ đến Đài Loan. Trước đây chỉ đến sáu tháng hoặc một năm/1 lần, thường là mượn đường qua không phận Đài Loan. Ví dụ, vào năm 2020, một chiếc C-40B đi qua Đài Loan đến Philippines. Bắt đầu từ tháng 6/2021, một chiếc máy bay vận tải C-17 “Global Overlord” hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn và sau đó ngày 15/7 là chiếc C-146A và C-130 vào ngày 19/7. Ông cho rằng động thái của Mỹ nhằm đưa ra ba thông điệp với thế giới.

Ông Tô Tử Vân nói, thứ nhất là sự trao đổi quân sự ở cấp chiến thuật giữa Đài Loan và Mỹ ngày càng trở nên bình thường hơn; thứ hai là đối với quân đội Mỹ, điều này cũng có thể làm tăng “khả năng tương tác” và làm quen với các các sân bay để các phi công làm quen với điều kiện đến và đi tại các sân bay khác nhau

Thông điệp thứ ba là kỹ thuật ngoại giao. Chiếc C-146A hạ cánh tại sân bay Tùng Sơn và chiếc C-130 còn lại hạ cánh tại sân bay Đào Viên vận chuyển “bưu kiện ngoại giao” theo tin đồn, nhưng quan trọng hơn, chiếc C-130 hạ cánh lần này là một máy bay tương đối lớn. Thông lệ của các nhà ngoại giao Mỹ là một số vật thể lớn của tư nhân sẽ được vận chuyển bằng máy bay vận tải, nhưng lần này, có vẻ như khả năng cao hơn là “cập nhật các thiết bị điện tử trong trụ sở AIT”.

Tô Tử Vân nói rằng xét từ hiện tại, việc máy bay Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan trong tương lai có nghĩa là “hạ cánh nếu cần thiết, và sẽ không cố ý tránh những điều cấm kỵ hoặc tìm lý do để cố tình bỏ qua, và coi Đài Loan là một quốc gia có quan hệ ngoại giao bình thường”.

Ông chỉ ra rằng chiếc chuyên cơ hành chính mà cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Alex Azar sử dụng đến thăm Đài Loan trước năm 2020 là máy bay dòng C-40 có khả năng chỉ huy và cũng là máy bay chính quy của Không quân Mỹ nên bắt đầu năm 2020 và tiếp tục đến năm 2021. Đỉnh điểm là tháng 6 và tháng 7 “là tín hiệu đặc biệt. Tín hiệu đặc biệt này khiến những chuyện này trở nên bình thường chứ không phải đặc biệt”.

Kể từ khi máy bay Mỹ đến Đài Loan vào ngày 15/7, Bắc Kinh lập tức tuyên bố tập trận hải quân lớn ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, và thế giới bên ngoài đều cho rằng nhằm vào Đài Loan. Tô Tử Vân nói, từ phản ứng của Mỹ, họ không quan tâm đến các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc. Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có quy mô lớn và nằm ngay phía bắc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nó có thể nhằm vào “Sách Trắng Quốc phòng” của Nhật Bản và Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, Thứ trưởng Quốc phòng Yasuhide Nakayama và những người khác đã đưa ra lời lẽ hữu nghị với Đài Loan. Nội dung cuộc tập trận có thể là bắn tên lửa chống hạm và một số cuộc tập trận chung trên không và trên biển. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các thông báo về các cuộc tập trận đổ bộ ở Phúc Kiến và tập trận hải quân ở Bột Hải. Những hành động này chủ yếu nhằm vào Mỹ và Nhật Bản, sau đó là nhằm vào Đài Loan. Vì trong văn hóa quân sự của Trung Quốc, là “bảy phần chính trị và quân sự ba phần”.

RELATED ARTICLES

Tin mới