Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLập luận xằng bậy của giáo sư TQ về Biển Đông

Lập luận xằng bậy của giáo sư TQ về Biển Đông

Ông Ngô Sĩ Tồn cáo buộc Mỹ “thao túng” toà trọng tài

Vào ngày 12/7, một học giả hàng đầu của Trung Quốc là Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) có đăng một bài viết nhằm bôi nhọ Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế – PCA về Biển Đông hồi năm 2016 với các lập luận hết sức cù nhầy và ngạo ngược, xứng tầm là “giáo sư hàng đầu của Trung Quốc về biển Đông”.

Ngô Sĩ Tồn là cái tên không xa lạ gì với giới nghiên cứu về biển Đông trên thế giới. Ông ta đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về biển Đông bằng tiếng Trung và bằng tiếng Anh. Ông này cũng từng là một quan chức của tỉnh Hải Nam và là Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc) của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Với tên tuổi và các công trình xuất bản của Ngô Sĩ Tồn, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một nhà khoa học nghiêm túc, thế nhưng, đọc bài viết của ông ta trên tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây (1), mới thấy sự thật về cái gọi là “nhà khoa học của Trung Quốc”.

Trong bài viết của mình, mở đầu bài viết, Ngô Sĩ Tồn khẳng định rằng: “Vào ngày 12/7/2016, dưới sự thao túng của Mỹ, Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông đã ban hành Phán quyết theo sự yêu cầu của chính quyền Aquino III của Philippines.” Có lẽ ông Ngô Sĩ Tồn vốn có chuyên ngành về lịch sử, nên chẳng hiểu gì về hệ thống các toà án quốc tế, trong đó có các toà trọng tài được thành lập theo các Phụ lục của UNCLOS.

Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc vào năm 2013 trước một Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay của quân đội Philippines. Philippines sau khi nhiều lần tìm cách giải quyết bằng con đường ngoại giao với Trung Quốc nhưng không thành công, “cạn kiệt các giải pháp”, cực chẳng đã, Philippines đã phải khởi kiện Trung Quốc ra Toà. Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà, một hội đồng trọng tài gồm năm trọng tài viên đã được chỉ định, theo quy định của Phụ lục VII, bên Philippines đã chỉ định trọng tài viên đại diện cho mình, còn Trung Quốc vì từ chối không tham gia nên Chánh án Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã chỉ định các thành viên còn lại của hội đồng trọng tài. Tất cả các thành viên này đều là các thẩm phán độc lập, dày dạn kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực luật biển. Ông Ngô Sĩ Tồn khẳng định hội đồng trọng tài này là do “Mỹ thao túng” là hạ thấp uy tín và tư cách của các trọng tài viên – chuyên gia luật biển này. Nếu nói như ông Ngô Sĩ Tồn, chắc tất cả các thẩm phán trong danh sách của ITLOS đều là do Mỹ “thao túng” hết hay sao? Nếu vậy thì thẩm phán Trung Quốc trong ITLOS là Cao Chí Quốc trước đây hay bây giờ là Đoàn Khiết Long chắc cũng vậy?

2017-04-10T120000Z_22715310_RC1F3830D740_RTRMADP_3_SOUTHCHINASEA-CHINA-PHILIPPINES.JPG

Tàu hải cảnh của TQ ở bãi cạn Scarborough Shoal hôm 5/4/2017. Reuters

Ông Ngô Sĩ Tồn còn kêu gào rằng “phán quyết biển Đông chỉ là tờ giấy lộn đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử”.

Ngày 14/5/2018, Hội Luật quốc tế Trung Quốc đã công bố trên Tạp chí  Chinese Journal of International Law một bài viết 500 trang với tựa đề “The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study” (2) nhằm chống lại Phán quyết. Hội Luật Quốc tế Trung Quốc không phải là một tổ chức nghiên cứu độc lập mà là một tổ chức trực thuộc chính quyền Trung Quốc, cụ thể là nằm trong sự quản lý của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc (3).

Năm 2020 Viện Nghiên cứu Quốc gia biển Nam Trung Hoa (thuộc chính quyền Trung Quốc) lại tiếp tục xuất bản một bài báo 131 trang với tựa đề “A Legal Critique of the Award of the Arbitral Tribunal in the Matter of the South China Sea Arbitration” trên Asian Yearbook of International Law (4), với các luận điểm nhằm chống lại Phán quyết. 

Nếu thực sự Phán quyết chỉ là “một tờ giấy lộn” như lãnh đạo Trung Quốc phát biểu thì chính quyền Trung Quốc thông qua các nhà khoa học Trung Quốc, đâu phải tốn công, tốn tiền cho việc “chống đỡ” lại Phán quyết như vậy.

Liệu các Hiệp ước trao quyền cho Trung Quốc?

Ông Ngô Sĩ Tồn còn viện dẫn rằng “Trung Quốc đã lấy lại các đảo ở biển Đông đã bị Nhật Bản xâm chiếm bất hợp pháp và thể hiện chủ quyền phù hợp các Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Posdam và các hiệp ước quốc tế khác”. Ông Ngô Sĩ Tồn là giáo sư lịch sử nhưng lại không hiểu gì về lịch sử hoặc là muốn “bẻ cong lịch sử”.

Năm 1943 sau một loạt các cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Thống chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc, ba nhà lãnh đạo tuyên bố rằng, một khi chiến tranh kết thúc, “Nhật Bản sẽ bị tước bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà họ đã nắm giữ hoặc chiếm đóng kể từ đầu Thế chiến thứ nhất năm 1914. Như vậy, tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp của Trung Quốc, như là Mãn Châu, Formosa, và Pescadores (Bành Hồ), sẽ được trả về Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Nhật Bản cũng sẽ phải rút khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nước này đã chiếm đoạt bằng bạo lực và lòng tham“.

Điều đầu tiên cần lưu ý về Tuyên bố Cairo là nó không đề cập đến quần đảo ‘Nam Sa’ hoặc Trường Sa, hay Hoàng Sa hoặc bãi cạn Scarborough hoặc bất kì thể địa lý nào có tranh chấp hiện nay. Những đảo duy nhất được nêu tên cụ thể là Formosa (Đài Loan) và Pescadores (Bành Hồ) nằm ngay phía tây của Đài Loan. Chỉ có hai nhóm đảo này được hứa trả lại Trung Quốc, không có đảo nào khác.

Câu tiếp của Tuyên bố Cairo nói rằng các lực lượng Nhật Bản sẽ bị đưa ra khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà họ đã xâm lược, nhưng không nói gì về việc trả lại các lãnh thổ đó cho những quốc gia nào. Câu văn này bao hàm các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, từ Miến Điện đến Papua New Guinea, từng là một phần của các đế quốc Anh, Pháp và Hà Lan trước khi bị Nhật Bản xâm lược. Các chính phủ đó muốn lấy lại các thuộc địa của họ sau khi Nhật Bản bị đánh bại, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý. Kết quả là, lời văn của Tuyên bố Cairo rất mơ hồ. Các nhà lãnh đạo có thể đồng ý rằng Nhật Bản nên bị trục xuất khỏi các lãnh thổ đó, nhưng tương lai của chúng vẫn chưa được quyết định.

Thêm nữa, quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) không thể được coi là “vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp từ tay Trung Quốc” vì Trung Quốc đã không hề yêu sách quần đảo này vào năm 1943.

Một nghiên cứu của một nhà nghiên cứu người Anh là Bill Hayton cho biết (5): Năm 1943, Bộ Thông tin của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) đã xuất bản cái mà họ gọi là ‘Cẩm nang Trung Quốc 1937–43′, một hướng dẫn toàn diện về địa lí, lịch sử, chính trị và kinh tế của nước này. Trên trang mở đầu, nó nói rằng “lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc kéo dài từ [Dãy núi Sajan (薩揚嶺: Tát Dương lĩnh) ở phía bắc]… đến đảo Tri Tôn của Hoàng Sa.” Nói cách khác, vào năm 1943, Trung Quốc chỉ yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông, chứ không yêu sách Trường Sa hay bãi cạn Scarborough. Hai ấn bản của Cẩm nang Trung Quốc đã được xuất bản trong năm đó; ấn bản đầu ở Calcutta vào tháng bảy và ấn bản thứ hai ở New York vào tháng mười một. Cả hai đều thể hiện cùng một lời văn.

Mãi đến tháng 6 năm 1947, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, chính phủ Trung Quốc mới quyết định đưa ra yêu sách đối với quần đảo Trường Sa / Nam Sa (Nansha). Ngay cả khi đó, ấn bản năm 1947 của cuốn Cẩm nang Trung Quốc này cũng rất thận trọng. Nó nói rằng “ranh giới … cực nam [của Trung Quốc] vẫn cần được xác định … và chủ quyền của quần đảo Đoàn Sa (Tuansha) phía nam đang bị tranh chấp giữa Trung Quốc, Khối thịnh vượng chung Philippines và Đông Dương”.

Vào thời điểm này, các nguồn tài liệu của Trung Quốc gọi Trường Sa là “Tuansha” (Đoàn Sa). Cái tên Nansha (Nam Sa) – bãi cát phía nam – lúc này được dùng để chỉ bãi ngầm Macclesfield, xa hơn về phía bắc, vì trước đây đó là khu vực cực nam của Trung Quốc. Tuyên bố Potsdam năm 1945 hoàn toàn không đề cập đến các đảo ở biển Đông. Bản văn được Tổng thống Harry Truman, kế nhiệm của Roosevelt, cùng với Churchill và Tưởng Giới Thạch, chỉ nói rằng “Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản sẽ được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ như chúng tôi xác định”. Nó không nói gì về việc lãnh thổ nào sẽ được trả cho Trung Quốc kiểm soát.

Điều này cũng đúng với Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951. Điều 2 chỉ nói rằng “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, quyền sở hữu và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”. Một cụm từ tương tự cũng xuất hiện trong Hiệp ước Đài Bắc năm 1952 giữa Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc. Không có hiệp ước nào nói bất cứ điều gì về việc các hòn đảo đó thuộc về nước nào.

Chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa, Trường Sa là rõ ràng

Bằng chứng lịch sử đã rõ ràng. Không có gì trong số các văn kiện này hứa hẹn giao các đảo ở Biển Đông – ngoại trừ Đài Loan và quần đảo Bành Hồ – cho Trung Quốc.

Đáng chú ý là cũng trong quá trình thảo luận Hiệp ước San Francisco, Trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại của Việt Nam là Trần Văn Hữu đã tuyên bố rằng từ lâu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và “cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam”.

Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam.

Như vậy, những tư liệu và chứng cứ kể trên cho thấy một cách rõ ràng là không có câu chữ nào trong Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam và Hòa ước San Francisco có thể được viện dẫn để tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngược lại, việc không một quốc gia nào tại Hội nghị San Francisco năm 1951 phản đối hoặc bảo lưu về tuyên bố của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam lúc đó về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới