Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnMọi yêu sách của TQ về biển Đông đều vô giá trị

Mọi yêu sách của TQ về biển Đông đều vô giá trị

Các chuyên gia Nga cho rằng, mọi yêu sách của Trung Quốc liên quan “quyền lịch sử” ở Biển Đông không có giá trị pháp lý.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cao cấp của Nga (HSE) mới đây đã công bố chuyên đề của hai chuyên gia Nga Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova về tranh chấp ở Biển Đông.

Báo cáo có tựa đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông: Có hay không ánh sáng cuối đường hầm, hoặc triển vọng giải quyết xung đột” đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Gague (Hà Lan), có nội dung bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển bao phủ 80% diện tích Biển Đông có ý nghĩa lớn trong tiến trình pháp lý ở vùng biển này. 

Báo cáo đồng thời khẳng định tính cần thiết của việc tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc trong khu vực tranh chấp trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bản báo cáo dài 18 trang cũng phân tích tình hình phức tạp ở Biển Đông, đồng thời đánh giá cao sự tích cực của một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết tranh chấp, đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực.

Báo điện tử “Tin tức Thương gia” (kommersantinfo.com) của Ukraine, ngày 12/7, đăng bài bình luận “Tín hiệu đối với Trung Quốc” của chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Sergey Shabovta, trong đó nêu quan ngại về việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, làm gia tăng nguy cơ căng thẳng tại khu vực, bày tỏ hy vọng các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông sẽ được giải quyết hòa bình, phù hợp với các quy định pháp luật.

Chuyên gia Shabovta nhấn mạnh rằng, phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông là phán quyết hợp pháp, có căn cứ, đã xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Phán quyết không chỉ phù hợp với chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà còn cần phải được thực thi.

Ở Ukraine đã diễn ra hội thảo quốc tế “Luật Hàng hải quốc tế ở Biển Đông: Triển vọng thực thi và giải pháp”, diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 25 chuyên gia, học giả từ Ukraine, Mỹ, Anh, Hy Lạp, Panama và một số quốc gia khác. 

Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ, luật sư quốc tế Gennady Dubov nhấn mạnh UNCLOS 1982 có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên. Theo ông, lập trường của Việt Nam trong vấn đề này mang tính xây dựng, góp phần duy trì hòa bình và phát triển ở Biển Đông xuất phát từ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Nhà khoa học chính trị quốc tế Vladimir Volya cho rằng về mặt lý thuyết, một giải pháp pháp lý quốc tế cho vấn đề Biển Đông là có thể thực hiện được. Hiện nay đã có Nhóm công tác chung về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982. Học giả Ukraine hy vọng các nước sớm thông qua COC, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên.

Chuyên gia Đức khẳng định cơ sở vững chắc của phán quyết PCA

Trong khi đó, Tiến sỹ Euclides Tapia, Giáo sư Đại học tổng hợp Panama, chỉ trích tham vọng của Trung Quốc “muốn biến Biển Đông thành vùng biển nội địa”, hạn chế tự do hàng hải trong một khu vực rộng tới 1700 km2.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Ukraine một lần nữa khẳng định sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông cũng như giá trị phán quyết của PCA năm 2016.

Về phần mình, Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông từng làm việc tại Viện Khoa học và Chính trị Đức, nhấn mạnh phán quyết của PCA đã bác bỏ một cách dứt khoát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, phán quyết có cơ sở pháp lý vững chắc và có giá trị lớn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng phán quyết đã làm rõ nhiều vấn đề trong tranh chấp trên Biển Đông và đã được đại đa số cộng đồng quốc tế công nhận.

Theo ông, để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ ủng hộ phán quyết, đồng thời yêu cầu bên vi phạm tuân thủ phán quyết này.

Đánh giá về tình hình Biển Đông thời gian qua, Tiến sỹ Gerhard Will nêu rõ việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông cùng những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong khu vực.

Về quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) đối với tranh chấp ở Biển Đông, Tiến sỹ Gerhard Will nhận định các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do EU và các nước thành viên đầu tàu như Đức, Pháp, Hà Lan theo đuổi cho thấy châu Âu không chỉ coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng về mặt kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm lớn tới tình hình chính trị và an ninh khu vực.

Ngày 12/7 năm nay, nhân 5 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông (12/7/2016), các nước Nhật Bản, Canada, Mỹ và nhiều học giả, nhà nghiên cứu cùng kêu gọi tuân thủ phán quyết và phản đối bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông trái với quy định UNCLOS năm 1982.

Về lập trường của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới