Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựTQ đổi giọng "oán trách" Mỹ rút khỏi Apghanistan

TQ đổi giọng “oán trách” Mỹ rút khỏi Apghanistan

Vụ nổ xe buýt khiến 9 công dân Trung Quốc ở Pakistan thiệt mạng làm dấy lên lo ngại của Bắc Kinh về làn sóng bất ổn gia tăng, nhất là tại Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân.

Trung Quốc bất ngờ đổi thái độ về vấn đề Afghanistan

Không hoan nghênh việc rút quân, cũng không vội vã kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định rút quân, thái độ của Trung Quốc về vấn đề của Afghanistan đã hoàn toàn thay đổi.

Bắc Kinh mạnh mẽ cảnh báo rằng Washington giờ đây phải chịu trách nhiệm khi vội vàng rút quân, chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ ở quốc gia Nam Á này.

“Mỹ, quốc gia khơi mào vấn đề tại Afghanistan, nên hành động có trách nhiệm để đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ ở đây”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mới đây.

Nhà ngoại giao của Trung Quốc còn nhấn mạnh thêm rằng: “Họ (Mỹ) không thể chỉ đơn giản là rời đi, gây thêm nhiều vấn đề an ninh cho chính phủ Afghanistan và chuyển gánh nặng đó cho các nước trong khu vực”.

Báo New York Times cho rằng, dù không kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden đảo ngược quyết định rút quân, tuyên bố của các quan chức cấp cao Trung Quốc cho thấy rõ rằng, Mỹ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho bất kỳ làn sóng bùng phát bất ổn nào trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nêu quan ngại về việc Mỹ rút quân trong nội dung cuộc điện đàm công bố hồi cuối tháng 6, với lý do “tình hình an ninh ngày càng phức tạp và nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á” – theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã.

Taliban bành trướng, Trung Quốc như “ngồi trên đống lửa”

Trong khi Bắc Kinh đang đầy ngổn ngang mối lo như vậy, vụ nổ xe buýt kinh hoàng hôm 14/7 khiến 9 công nhân Trung Quốc ở Pakistan thiệt mạng như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến ban lãnh đạo nước này như “ngồi trên đống lửa” – NYT nêu.

Vụ việc cũng làm bùng lên những lo ngại bất ổn trong khu vực sau đợt rút quân cuối cùng của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và sự hỗn loạn hiện đang lan rộng khắp đất nước.

Từ hôm 9/7, Taliban đã tuyên bố kiểm soát đến 85% lãnh thổ Afghanistan và có thể tiếp tục chiếm lĩnh thêm nhiều địa bàn. Lực lượng này đang phát động ngày càng nhiều các cuộc giao tranh nhằm vào quân đội chính phủ Afghanistan – vốn đang tỏ ra yếu kém do không còn Mỹ chống lưng.

Một số phương tiện truyền thông thậm chí loan tinh binh sĩ Afghanistan ở nhiều nơi đã buông súng đầu hàng, hoặc phải rút chạy sang các nước láng giềng, như Tajikistan, sau khi thất thế trước Taliban.

Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố sự kiện ngày 14/7 là hành động tấn công khủng bố và yêu cầu điều tra khẩn cấp.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí hôm 17/7 điện đàm với Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rasheed, trong đó ông Triệu nói Chủ tịch Tập Cận Bình “đã ra chỉ thị quan trọng”, và thông báo Bắc Kinh đã cử các chuyên gia kỹ thuật hình sự hàng đầu đến Pakistan để “hỗ trợ điều tra”.

Bộ Ngoại giao Pakistan ra thông cáo ngay ngày 14/7, nói rằng vụ nổ xe buýt là một vụ tai nạn do sự cố rò rỉ động cơ. Nhưng Bộ trưởng Thông tin Pakistan, Fawad Chaudhry hôm 15/7 bất ngờ lên Twitter nói các nhà điều tra tìm thấy dấu vết của chất nổ, có lẽ là đã được cài sẵn trên chiếc xe buýt chở các công nhân Trung Quốc. “Không thể loại trừ hành động tấn công khủng bố,” ông viết.

“Chắc chắn họ (Trung Quốc) đang rất lo ngại”, ông Barnett R. Rubin, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và cố vấn Liên hợp quốc về Afghanistan, thành viên cấp cao tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế của Đại học New York, cho biết.

Mỹ đã rút 90% quân số ở Afghanistan và chỉ còn để lại một lực lượng nhỏ để bảo vệ Đại sứ quán ở Kabul. Trong khi đó, Taliban đã liên tục mở rộng quyền kiểm soát khi các lực lượng chính phủ Afghanistan sụp đổ hoặc rút lui. Trong tháng này, lực lượng Taliban đã chiếm Badakhshan, tỉnh tiếp cận biên giới miền núi Trung Quốc qua Hành lang Wakhan.

Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 13/7 nói Taliban là một lực lượng quân sự lớn và kêu gọi phong trào này “đoạn tuyệt với tất cả lực lượng khủng bố”, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy hòa bình tại Afghanistan. Ông Vương ca ngợi chính phủ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã thực hiện nhiều biện pháp giúp đoàn kết trong nước, ổn định xã hội và cải thiện đời sống cho người dân.

Thực tế thì lãnh thổ hẹp này không gây ra nhiều mối đe dọa trực tiếp về an ninh, Trung Quốc lo ngại rằng, bất ổn tại Afghanistan “cháy lan” sang các nước láng giềng khác, bao gồm Tajikistan, Kazakhstan và Pakistan.

Trong diễn biến gây lo ngại mới nhất, Afghanistan đã triệu hồi Đại sứ và các nhà ngoại giao khỏi Pakistan, sau vụ con gái Đại sứ Najib Alikhil bị bắt cóc.

Silsila Alikhil, 26 tuổi, con gái ông Alikhil, bị những kẻ tấn công chưa rõ danh tính bắt cóc trên đường về nhà ngày 16/7. Cô được thả ra vài tiếng sau đó và được phát hiện trong tình trạng hoảng loạn. Kết quả kiểm tra cho thấy con gái Đại sứ bị đánh nhiều lần vào đầu và nhiều vị trí xương không còn nguyên vẹn.

ETIM – Nhóm khủng bố làm Trung Quốc lo sợ nhất

Taliban, khi còn nắm quyền ở Afghanistan trước khi Mỹ mở cuộc chiến ở Afghanistan vào tháng 9/2001, đã đào tạo và cung cấp nơi trú ẩn cho các chiến binh Duy Ngô Nhĩ chống lại chính quyền ở Tân Cương, Trung Quốc, được biết đến là nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM).

22 chiến binh trong số đó đã bị Mỹ bắt và giam giữ trong nhà tù ở Vịnh Guantanamo (Cuba) sau đó được thả tư do đến một số quốc gia khác, bao gồm Albania, Slovakia, Bermuda và Palau. Các phần tử ETIM cũng đã tham chiến ở Syria, và có thông tin một số đã quay trở lại Afghanistan.

“Nếu tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan tiếp tục leo thang, những tay súng người Duy Ngô Nhĩ sẽ có được chỗ dựa vững chắc và có thể sẽ ngày càng lớn mạnh hơn,” ông Rubin nhận định.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, Mỹ đã tuyên bố ETIM là tổ chức khủng bố, với mục tiêu rõ ràng là tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các nỗ lực của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

ETIM là nhóm Hồi giáo cực đoan do các chiến binh thánh chiến Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây Trung Quốc thành lập nhằm tạo ra một “nhà nước Đông Thổ” độc lập thay thế cho khu tự trị Tân Cương. Mối đe dọa từ ETIM là một trong những nguyên nhân Trung Quốc thực thi những biện pháp an ninh cứng rắn ở Tân Cương.

Tuy nhiên, năm 2020, chính quyền Mỹ Tổng thống Donald Trump đã rút tên nhóm này ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố, với lý do là “không có bằng chứng cho thấy nhóm này tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công khủng bố”.

Theo Liên hợp quốc, ETIM từng duy trì mối liên hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda và tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những mục tiêu ở Tân Cương khiến 140 người thiệt mạng vào năm 1998.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, ông Liu Yunfeng, Cục trưởng Cục Chống Khủng bố của Bộ Công an Trung Quốc, cho biết dù không xảy ra vụ tấn công khủng bố lớn nào ở Trung Quốc trong 4 năm qua, nhưng ETIM vẫn tiếp tục phát triển.

“Những kẻ khủng bố từ nước ngoài và những kẻ huấn luyện các chiến binh vẫn lẻn vào lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi vẫn cần phải duy trì một mức cảnh giác cao,” ông Liu tuyên bố.

Trung Quốc phát động chiến dịch đặc biệt chống bạo lực và khủng bố từ năm 2014 và cho biết đã đạt nhiều thành quả trong bảo vệ ổn định xã hội. Wu Xin, cấp phó của ông Liu Yunfeng, nói nước này đã triệt phá hơn 1.900 tổ chức khủng bố và tịch thu hơn 2.000 thiết bị nổ.

Các quan chức Trung Quốc nói nhóm ETIM thường phát đi các hình ảnh và âm thanh khủng bố trực tuyến ở nước ngoài để lan truyền tư tưởng khủng bố, dạy cách sử dụng vũ khí và chất nổ. Nhóm này còn bị cáo buộc liên tục cử những “thực tập sinh” của chúng xâm nhập Trung Quốc để thực hiện các hoạt động khủng bố.

Ông Liu nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố nhằm vào các cơ quan và nhân viên Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng lên “do ảnh hưởng bởi tình hình an ninh ở một số quốc gia và khu vực” – được cho là ám chỉ tình hình tại Afghanistan.

Trong các tuyên bố gần đây , các đại diện của Taliban đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc về sự ủng hộ của lực lượng này đối với ETIM. Taliban nhấn mạnh rằng chính quyền của phong trào này được phục hồi sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho Bắc Kinh. Trên thực tế, Taliban sẽ hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Giữa lúc Taliban ngày càng bành trướng, Trung Quốc vẫn để ngỏ các lựa chọn ngoại giao. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc vừa qua có bài viết nhận định, những lo ngại về sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan hiện tại đã bị phóng đại quá mức.

RELATED ARTICLES

Tin mới