Mối quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Nga luôn có tầm quan trọng chi phối toàn cầu. Không phải chỉ hiện nay, mối quan hệ này đã xác lập ảnh hưởng từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh và luôn hoán đổi tuỳ theo bối cảnh quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ở giai đoạn đầu từ sau thế chiến thứ hai, Liên Xô và Trung Quốc về một phe xã hội chủ nghĩa, cùng hợp sức chống chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Đến thập kỷ 70, quan hệ tam giác đổi chiều, Mỹ và Trung Quốc quay sang bắt tay nhau để hợp tác ngầm chống Liên Xô, tiền thân của Nga bây giờ. Những sự thay đổi như vậy ảnh hưởng lớn tới cục diện thế giới trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Cụ thể, trong gian đoạn khởi đầu Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô – Trung Quốc mang mầm mống ý thức hệ sâu sắc. Đây là cuộc xung đột giữa Mỹ và Xô – Trung trên toàn bộ các mặt. Về mặt chính trị xã hội là cuộc đọ sức giữa một bên là học thuyết xã hội chủ nghĩa với một bên là học thuyết tự do dân chủ nhân quyền của phương Tây. Về quân sự là sự thúc đẩy chạy đua vũ trang đặc biệt là chạy đua vũ khí hạt nhân giữa hai khối nước. Cuộc chiến tranh dù “lạnh” nhưng vẫn có những điểm nóng như chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Cuộc đọ sức đôi bên giữa Mỹ và Liên Xô – Trung Quốc đã đẩy đến tình hình Triều Tiên và Việt Nam đến việc phải chia cắt hai miền như chúng ta đã biết.
Mỹ bị sa lầy nghiêm trọng vào cuộc chiến ở Việt Nam và đứng trước tình thế lưỡng nan, nguy cơ phải chịu thất bại tại điểm nóng mà Mỹ xác định là quan trọng bậc nhất trong Chiến tranh lạnh. Liên Xô chiếm ưu thế về nhiều mặt, giành ảnh hưởng ở Đông Âu và nhiều quốc gia khác. Tiềm lực quân sự của Liên Xô ngày càng lớn mạnh gây lo ngại cho Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, từ đối đầu với Trung Quốc sang lôi kéo bắt tay Trung Quốc vào năm 1972 nhằm mục tiêu chống Liên Xô và giải quyết được bài toán Việt Nam. Tuy vậy, mối liên kết Mỹ – Trung đã không giúp Mỹ thắng được cuộc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, khiến cả Mỹ và Trung đều lo sợ Liên Xô sẽ có ảnh hưởng mạnh ở Đông Dương và Đông Nam Á cho nên tiếp tục thắt chặt quan hệ với nhau để chống Liên Xô. Nhờ liên kết với Trung Quốc, Mỹ khiến nội bộ phe Xã hội Chủ nghĩa suy yếu, kết hợp với sự cấm vận kinh tế, chạy đua vũ trang, kích động tự do dân chủ ở nhiều nước của Mỹ, gây cho phe Xã hội Chủ nghĩa nhiều khó khăn nghiêm trọng. Phong trào chống Liên Xô ở các nước Đông Âu ngày càng gia tăng, nhiều nước đòi độc lập. Kinh tế suy thoái do mô hình quan liêu bao cấp lạc hậu càng khiến nhiều nước nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô rơi vào khủng hoảng. Chính Liên Xô cũng lâm khủng hoảng tương tự, mâu thuẫn nội bộ gay gắt khi có sự thay đổi lãnh đạo, dẫn tới sụp đổ vào năm 1991. Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa cũng tan rã cùng thời điểm đó.
Liên bang Xô Viết sụp đổ, Mỹ đã hỗ trợ tích cực Trung Quốc về kinh tế, để Trung Quốc hội nhập và tham gia sâu vào các tổ chức thương mại do phương Tây lập ra. Chỉ sau hơn 30 năm, Trung Quốc đã mạnh lên nhanh chóng. Mỹ đã hi vọng khi Trung Quốc mạnh lên sẽ thay đổi chế độ theo hướng dân chủ kiểu phương Tây. Đó là tính toán sai lầm của Mỹ. Sang thế kỷ XXI, Mỹ lâm vào khủng hoảng bởi tiến hành chiến tranh ở nhiều nước Trung Đông như Iraq, Afganistan. Đặc biệt sau vụ 11/9, Mỹ bộc lộ nhiều yếu điểm trong khi đó kinh tế Mỹ lại xuống dốc. Ngược lại, Trung Quốc nhờ vào sự hợp tác với Mỹ và phương Tây đã vươn lên, ngày càng chứng tỏ vị thế cường quốc. Về kinh tế, đến nay, Trung Quốc vươn lên thứ hai thế giới và đang có tiềm năng vượt Mỹ trong 5 năm tới. Trung Quốc cũng hiện đại hoá quốc phòng và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị ở nhiều quốc gia, khu vực. Khi tiềm lực quốc gia tăng lên, nước này đã chuyển đổi từ mô hình ém mình chờ thời sang trỗi dậy mạnh mẽ, xử lý vấn đề quốc tế với vai trò là nước lớn, cạnh tranh vai trò lãnh đạo và đe doạ quyền lợi của Mỹ trên toàn cầu. Thực tế này khiến Mỹ phải xem lại chính sách của mình với Trung Quốc và càng nhận thấy rõ tính toán sai lầm của các đời Tổng thống trước đó, nguy cơ Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc là hiện hữu.
Mối quan hệ này buộc Mỹ phải định hình lại chính sách, coi Trung Quốc từ đối tác chuyển sang đối tượng gây nguy hại cho an ninh nước Mỹ. Từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đặc biệt tới giai đoạn Tổng thống Trump nắm quyền đã xác định con đường chống Trung Quốc. Obama đã khởi động chính sách xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở khu vực này. Nhưng chính sách của Obama nửa vời và không đủ mạnh để áp chế Trung Quốc. Tổng thống Trump còn làm nhiều hơn thế, đã phát động cuộc chiến tranh toàn diện nhắm vào Trung Quốc từ ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mai, công nghệ tới an ninh tình báo, với mục tiêu làm suy yếu Trung Quốc và ngăn chặn bằng được việc nước này vươn lên chiếm giữ vị trí bá chủ thế giới của Mỹ. Trump đồng thời xây dựng chiến lược xoay trục mới, xác định cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khu vực sống còn, phải ngăn chặn bằng được và đối đầu rất quyết liệt ở đây với hạt nhân là Tứ Giác Kim Cương: Mỹ – Úc – Nhật – Ấn. Ở châu Âu, Trump cũng vận động các nước đồng minh tẩy chay công nghệ kỹ thuật của Trung Quốc, cùng phối hợp tố cáo Trung Quốc gây thảm hoạ toàn cầu Covid-19, đồng thời kích động để làm cho các nước Trung Á và Bắc Phi thấy mối đe doạ bẫy nợ trong chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng Vành Đai Con Đường của Trung Quốc.
Ngược lại Trung Quốc đáp trả nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng. Nước này càng mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông, tăng cường uy hiếp các nước ở vùng biển này, thách thức vai trò của Mỹ tại đây. Những động thái của cả hai bên gây tình hình đối đầu, thách đố nhau và cho tới lúc này, căng thẳng trên tất cả mặt trận không hạ nhiệt.
Nói về Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, Xô Viết chỉ còn lại cái bóng. Dưới sự cầm quyền của Elsin, vị Tổng thống đã làm sụp đổ Liên Xô, huỷ hoại nước Nga, chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên khắp nơi và kinh tế rơi vào trạng thái phi chính phủ, tài sản nhà nước chuyển vào tay tư nhân, nước Nga kiệt quệ và trở thành nước trung bình, suy sụp. Tuy vậy, truyền thống vĩ đại của dân tộc Nga đã thức tỉnh kịp thời, Elsin từ bỏ vai trò lãnh đạo để nhường cho Putin, một nhân vật KGB có tầm vóc. Sau hai mươi năm lãnh đạo nước Nga, với đường lối tôn trọng giữ gìn lịch sử hào hùng của dân tộc, với di sản là truyền thống hùng mạnh, Putin đã khôi phục lại sức mạnh Nga, quân sự đã vươn lên đứng thứ hai thế giới, có nhiều vũ khí hiện đại hơn Mỹ. Kinh tế phục hồi nhanh chóng và chế độ chính trị đi vào ổn định. Đặc biệt, Putin cũng phục hồi lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu, từng bước khôi phục lãnh thổ cũ, chiếm lại Crimea, dằn mặt những nước có phong trào chủ nghĩa dân tộc chống Nga ở Ukraina, Grudia, Litva. Putin cũng mở rộng ảnh hưởng sang Nam Âu, cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đứng chân mạnh ở Trung Đông như ở Syria, cải thiện quan hệ với Iran, xây dựng quan hệ tốt với nhiều nước châu Âu.
Sự vươn lên của Nga làm suy yếu vai trò của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông, Bắc Phi. Nga còn phát triển cả lên bắc cực. Mỹ đã thấy sự đe doạ này từ Nga và hiểu rõ tiềm năng mở rộng của nước Nga có thể hơn nhiều. Hi vọng có được một nước Nga theo mô hình dân chủ phương Tây từ thời Elsin đã bị dập tắt. Nga đã trở thành quốc gia có sức mạnh ngang ngửa Hoa Kỳ về nhiều mặt và không chấp nhận vai trò lãnh đạo Mỹ ở châu Âu và Trung Đông, trực tiếp thách thức Mỹ và NATO. Là một trong năm thành viên Hội đồng Bảo An, tiếng nói của Nga rất quan trọng ở Liên hợp quốc trên hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu. Vì vậy, Mỹ lại xác định Nga là đối tượng đe doạ uy hiếp quyền lợi của Mỹ trên trường quốc tế. Khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, quan hệ Nga – Mỹ còn căng thẳng hơn. Biden công khai chỉ trích Nga là đối tượng phá hoại an ninh mạng của Mỹ, đàn áp phe đối lập trong nước, đe doạ nước láng giềng Ukraina. Mỹ đang tiếp tục trừng phạt Nga trên nhiều lĩnh vực. Nga cũng tiến hành các biện pháp đáp trả tương xứng khiến quan hệ hai bên ngày một phức tạp và chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Cả hai cuộc xung đột Mỹ – Trung và Mỹ – Nga hiện nay như phân tích ở trên đã đẩy bối cảnh quốc tế tới sự thay đổi quan trọng.
Sự trừng phạt cấm cản của Mỹ khiến Nga và trung Quốc tìm cách hợp tác với nhau và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác nhằm thoát khỏi vòng vây của Mỹ. Từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, mặt trận Nga – Trung hình thành chặt chẽ hơn. Nga muốn dựa vào thị trường Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế, nhất là tiêu thụ năng lượng, hàng hoá, lao động. Trung Quốc cũng muốn tận dụng Nga về các mặt vũ khí và công nghệ quốc phòng cũng như năng lượng. Đặc biệt, liên kết quân sự giữa hai nước với các cuộc tập trận chung và mua bán vũ khí tối tân gây cho Mỹ hết sức lo ngại.
Như vậy chúng ta đang thấy một thế trận mới. Trước kia đã có thời Nga – Trung hợp sức chống Mỹ, rồi Mỹ – Trung bắt tay chống Nga, bây giờ Nga Trung lại hợp tác để chống Mỹ. Lịch sử đang quay trở lại nhưng cần đặt câu hỏi liệu Nga – Trung có trở thành đồng minh lâu dài của nhau hay không?
Sự xích lại gần nhau của Nga và Trung Quốc hiện đang để bù đắp cho nhau trước chính sách gây hấn do Mỹ tạo ra. Cấm vận trừng phạt của Mỹ gây hậu quả lớn với cả Nga và Trung Quốc. Với Nga, con đường thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc có tính chất quan trọng để cứu vãn nền kinh tế. Năm 2019, Nga và Trung Quốc đã ký thoả thuận hợp tác năng lượng khổng lồ, Nga cung cấp dầu và khí cho Trung Quốc đang rất cần nguồn năng lượng này để phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng muốn hiện đại hoá quân đội trước sự đe doạ của Mỹ và Nga rõ ràng là đối tác bán vũ khí tiềm năng nhất cho Trung Quốc. Ngược lại, Nga cũng muốn tận dụng thị trường lớn và nguồn lao động dồi dào của Trung Quốc. Hơn thế, Nga cần tiếng nói của Trung Quốc ủng hộ trong những nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ để đối trọng với Mỹ và phương Tây. Những hợp tác kinh tế thương mại lúc này có thể bù đắp cho nhau nhằm đối phó với một nước Mỹ đang ngày càng công khai thù địch với cả Nga và Trung Quốc. Với tính chất như vậy, rất dễ hiểu khi Nga – Trung hướng về nhau để cùng thách đố Mỹ.
Chính sách thù địch của Mỹ đẩy hai nước Nga Trung tới hợp tác, tuy nhiên, xét về quyền lợi quốc gia, mục tiêu của từng nước, sự hợp tác này đều có tính toán và bước đi riêng. Trước hết, xét về quan hệ Mỹ – Trung, cả hai nước tuy căng thẳng nhưng cũng không muốn đẩy tới mức độ xung đột vũ trang, và nhiều vấn đề quốc tế nếu không có vai trò Trung Quốc, Mỹ cũng không giải quyết được. Mỹ vẫn phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu chứ không thẻ gạt bỏ hoàn toàn. Ngược lại, Trung Quốc đối đầu với Mỹ nhưng vẫn ngỏ cửa gặp nhau thương lượng, chưa thể đẩy vấn đề lên mức một mất một còn, chưa dùng phương thức trừng phạt tài chính, vẫn để ngỏ khả năng mua các sản phẩm của Mỹ đặc biệt là nông sản. Điều đó chứng tỏ hai bên vẫn muốn thúc đẩy quan hệ để dàn xếp mâu thuẫn. Trung Quốc hơn ai hết ý thức rằng chỉ có vậy mới thuận lợi cho Trung Quốc vươn lên như đã từng trong quá khứ. Công nghệ tiên tiến vẫn nằm trong tay Mỹ nên dù hai bên căng thẳng nhưng không nên đẩy tới mức xảy ra xung đột. Người ta nói rằng nước trỗi dậy sẽ phải xảy ra chiến tranh với nước hiện đang nắm quyền bá chủ, nhưng với sự khôn ngoan của Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ tìm được con đường hoà giải và dàn xếp để không xảy ra đụng độ vũ trang.
Quan hệ Mỹ đối với Nga cũng là bài toán cần xem xét kỹ. Mỹ căng thẳng với Nga vì cả Đảng Dân chủ hay Cộng hoà đều coi Nga là đối tượng gây mất an ninh, tố cáo Nga can thiệp bầu cử và tiến hành chiến tranh tình báo nhắm vào Mỹ. Việc Mỹ xác định chống Nga còn mang tinh chất giải quyết nội bộ, tránh bị chỉ trích bởi phe đối lập, nhưng Mỹ hiểu hơn ai hết các biện pháp trừng phạt Nga không hiệu quả. Các biện pháp đáp trả ngoại giao không làm suy yếu được Nga. Trái lại, sức mạnh quân sự của Nga vẫn là rất lớn, tiềm lực hạt nhân về chất lượng còn hơn Mỹ nên vẫn là đe doạ khủng khiếp cho Mỹ và đồng minh. Mỹ nhận thức rõ nếu ép Nga dẫn tới xung đột ở bất kỳ khu vực nào thì Mỹ cũng khó can thiệp. Nga có tấn công Ukraina mà Mỹ cũng không dám động binh, nên không thể đẩy tới đối đầu về quân sự. Việc càng gây áp lực cho Nga càng đẩy Nga tăng cường quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đó là điều nguy hiểm với Mỹ. Trong khi đó các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng chỉ tán thành trừng phạt Nga ở mức độ nào đó bởi chính họ cũng có nhiều dự án với Nga. Vì vậy quan hệ hai bên dù căng thẳng nhưng vẫn để ngỏ khả năng hợp tác, đặc biệt không thể đối đầu hạt nhân, Mỹ vẫn phải hợp tác với Nga để giải quyết vấn đề toàn cầu. Đây là thực tế không thể khác được. Quan hệ Mỹ – Nga rất khó bị đẩy tới mức độ xảy ra chiến tranh. Đây sẽ vẫn là cuộc đối đầu có kiềm chế và đôi bên vẫn tìm kiếm hợp tác. Hiện vẫn để ngỏ khả năng họp thượng đỉnh Nga – Mỹ. Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đều muốn như vậy để hạ nhiệt quan hệ hai nước.
Quan hệ Nga – Trung trong thời điểm này vì quyền lợi của hai nước, hiện hai nước không có xung đột lớn và đang mang lại lợi ích cho nhau. Nhưng đứng về lâu dài, nhiều nhà bình luận cho rằng Nga – Trung không thể là đồng minh chiến lược. Trong lịch sử, cả hai nước còn tồn tại nhiều vấn đề như biên giới lãnh thổ và việc kiều dân Trung Quốc tràn sang Nga. Nga vẫn có phương án không để tình hình dẫn tới quyền lợi của Nga bị đe doạ.
Như thế, nhìn lại ba nước lớn đều có vị thế nhất định, sở dĩ căng thẳng như hiện nay là vì Trung Quốc nghĩ Mỹ suy yếu và Trung Quốc sẽ thắng, tin rằng Trung Quốc sẽ thay Mỹ đứng đầu thế giới. Ngược lại, Mỹ cũng từng đánh giá quá thấp sức mạnh của Trung Quốc. Đối đầu bắt nguồn từ cạnh tranh quyền lợi và nhận thức của các bên đều có vấn đề. Tuy vậy, các bên dù căng thẳng nhưng vẫn tìm cách hợp tác, đối đầu nhưng không muốn đẩy tình hình lên mức độ xung đột vũ trang. Từng nước vẫn tìm bước đi để cải thiện tình hình và làm dịu quan hệ. Thế tam giác này là chống nhau nhưng vẫn ngỏ cửa để hợp tác với nhau, đồng thời cũng vẫn tận dụng sức mạnh của nhau để tạo thế và lực cho mình.
Có thể kết luận, trong thời đại hậu hai siêu cường, thế giới đã xuất hiện quyền lực của ba siêu cường, thế giới hiện đang ở trật tự đa cực. Cuộc cạnh tranh giữa ba nước lớn sẽ chi phối toàn cầu. Các nước nhỏ có thể theo từng thời điểm có những chiến lược, sách lược cụ thể phù hợp, linh hoạt để tìm lối đi cho mình, để không rơi vào vòng xoáy theo bên này chống bên kia. Những nhận thức như Trung Quốc đang lên hay Mỹ vẫn sẽ đứng đầu thế giới đều nguy hiểm. Cần có những chính sách chủ động, giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích cốt lõi, tăng cường tiềm lực quốc gia và hợp tác quốc tế để có thể đứng vững giữa vòng xoáy quan hệ quốc tế nhiều biến động hiện nay.