Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinCác giải pháp cho Đông Nam Á trong cuộc chiến với Covid-19

Các giải pháp cho Đông Nam Á trong cuộc chiến với Covid-19

Năm thứ hai của đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới các nước Đông Nam Á, nơi một loạt các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đang chứng kiến số ca mắc tăng không ngừng mỗi ngày.

Bước sang năm thứ 2 chứng kiến làn sóng Covid-19, rất ít quốc gia tại Đông Nam Á thực sự kiểm soát được đại dịch. Brunei không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng từ tháng 5/2020, trong khi Singapore có tỷ lệ xét nghiệm tương đối cao (tỷ lệ 2,2 xét nghiệm trên đầu người so với tỷ lệ 0,04 của Indonesia).

Tuy nhiên, phần lớn các nước còn lại trong khu vực đều đang đối mặt với làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh.

Thái Lan chỉ ghi nhận 6.884 ca mắc Covid-19 vào năm 2020, còn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 220.000 ca nhiễm.

Năm ngoái, Malaysia ghi nhận 113.000 ca mắc Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay có tới 592.000 ca nhiễm được ghi nhận tại nước này. Số liệu trên thực tế thậm chí có thể cao hơn vì Malaysia vẫn chưa xét nghiệm đầy đủ.

Dịch Covid-19 cũng gây ra khoảng 33.000 ca tử vong tại Indonesia trong nửa đầu năm 2021. Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình hình dịch bệnh khác nhau tại các nước Đông Nam Á. Các nước tiến hành xét nghiệm cho người dân nhiều hơn dường như kiểm soát dịch tốt hơn.

Mặc dù các hoạt động đi lại ồ ạt đã bị cấm trong cả năm 2020 và 2021, nhưng nhiều người Indonesia vẫn tìm mọi cách để lách lệnh cấm và về quê trong dịp nghỉ lễ của người Hồi giáo vào tháng 5. Trong khi đó, người Thái Lan vẫn tổ chức lễ Songkran vào tháng 4. Cả Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trong khoảng 2 tuần sau đó.

Tốc độ tiêm chủng chậm dường như cũng góp phần dẫn đến tình trạng gia tăng ca nhiễm ở Đông Nam Á. Ngoài ra, các biến chủng Covid-19 cũng được xem là một trong những lý do khiến khủng hoảng dịch bệnh tại Đông Nam Á thêm trầm trọng.

Câu hỏi đặt ra là liệu Đông Nam Á có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh vào nửa cuối năm 2021 không?

Theo trang tin CNA, các chiến lược chống dịch tại Đông Nam Á cần được xây dựng tốt hơn, bao gồm việc thay đổi hành vi (đeo khẩu trang và giãn cách xã hội), xét nghiệm, truy vết và cách ly, hạn chế di chuyển trong ngắn hạn. Các chính sách chống dịch cũng cần phối hợp với nhóm y tế tư nhân.

Các quốc gia cũng cần tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Các nước có thể xây dựng các trung tâm tiêm chủng tạm thời (như đã được thực hiện tại các nhà thờ Hồi giáo ở vùng nông thôn Indonesia), loại bỏ tâm lý e ngại vắc xin (thông qua biện pháp khuyến khích tiêm chủng như giảm giá khi ăn ở nhà hàng và rút thăm trúng thưởng ở Philippines), hợp tác với khu vực tư nhân (như Malaysia hoặc Singapore), phát triển vắc xin nội địa (như Thái Lan), đồng thời cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đến các trung tâm tiêm chủng.

Các quốc gia cũng nên chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế, luật pháp, chính sách cho các vấn đề liên quan đến việc tiêm chủng, chẳng hạn như hộ chiếu vắc xin và xét nghiệm kháng thể.

Các nước Đông Nam Á cũng cần hợp tác tốt hơn và nhìn ra ngoài biên giới của mình để tìm ra giải pháp. Một hệ thống thu mua vắc xin tổng hợp có thể giúp ích cho Đông Nam Á và có thể mô phỏng theo Quỹ Quay vòng của Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ.

Việc thu mua vắc xin chung có thể giảm chi phí, cải thiện việc phân phối công bằng và tăng cơ hội đàm phán với các hãng dược. Đông Nam Á có thể đề nghị sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc trong việc thiết lập về tài chính, kỹ thuật và chính trị cho một quỹ như vậy.

Đông Nam Á cũng có thể tham gia tích cực hơn vào trao đổi toàn cầu về phân phối vắc xin công bằng và cải cách quản trị y tế toàn cầu. Các quốc gia trong khu vực có thể tham gia nhiều hơn vào nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo việc dỡ bỏ các bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ cho các sản phẩm y tế liên quan đến Covid-19. Điều này sẽ cho phép các nhà máy của Indonesia, Malaysia và Singapore có thể tự sản xuất vắc xin để sử dụng trong khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2021 bằng cách tiếp thu tốt hơn các bài học từ năm 2020 và từ các quốc gia khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới