Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác nước chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế,...

Các nước chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, TQ thì không

Dù Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là các nước khác cũng như vậy.

Biển Đông là cửa ngõ quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có ý nghĩa sống còn với ASEAN. Vì vậy, việc duy trì môi trường hòa bình tại vùng biển này là thiết yếu với khu vực.

Trong một bài viết chung đăng tải trên trang Saipan Tribune, hai tác giả Celia Lamkin và Hoàng Việt cho rằng, các nước trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức xung đột từ các hành động nguy hiểm của Trung Quốc.

Năm 2013, Philippines đã khiến cả thế giới bất ngờ khi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Sau 3 năm, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết khẳng định chiến thắng cho Philippines vào ngày 12/7/2016.

5 năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó nhưng tình hình Biển Đông vẫn còn biến động trước những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa các thực thể trên biển mà họ chiếm giữ. Họ cũng liên tục đe dọa và ngăn cản các nước khai thác vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, mặc dù UNCLOS nêu rõ rằng Bắc Kinh không có các quyền này.

Từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã thông qua Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào tàu đánh cá của các nước khác mà họ tin vi phạm “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Vấn đề ở chỗ Bắc Kinh không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” là gì. Có lẽ cả thế giới không còn ngạc nhiên khi Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hơn 80% Biển Đông bằng cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Liệu Trung Quốc có sử dụng lực lượng hải cảnh để tấn công và đe dọa tàu của các nước khác trên toàn bộ vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” hay không? Tòa Trọng tài khẳng định, cái gọi là “quyền lịch sử” bên trong đường 9 đoạn là không có cơ sở pháp lý và vi phạm các quy định của UNCLOS.

Đầu tháng 3/2021, Trung Quốc đã điều 220 tàu đánh cá đến Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Philippines đã tố cáo Trung Quốc với thế giới.

Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận hay tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, nhưng điều đó không có nghĩa là các nước khác cũng như vậy. Các phán quyết của các tòa án quốc tế và Tòa Trọng tài nói chung luôn đòi hỏi thái độ “thiện chí” của các quốc gia liên quan trong việc tôn trọng các quyết định này.

Đối với Philippines, nhờ phán quyết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có thể “đàm phán” với Trung Quốc, trong khi vào năm 2012, mọi nỗ lực “thương lượng” của chính quyền cựu Tổng thống Benigno S. Aquino III với Bắc Kinh về vấn đề bãi cạn Scarborough đều thất bại.

Đối với cộng đồng quốc tế, năm 2020 là một năm đặc biệt về phán quyết của Tòa Trọng tài. Bắt đầu với việc Malaysia đệ trình thềm lục địa mở rộng vào tháng 12/2019, một loạt quốc gia đã gửi các công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó nhiều nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp viện dẫn phán quyết.

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố: “5 năm trước, một Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 đã đưa ra một phán quyết đồng thuận và lâu dài, thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền Biển Đông rộng lớn của Trung Quốc, gọi đó là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích và thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng, nước này cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia lớn và nhỏ”.

Tổ chức Global Affairs Canada cũng ra thông cáo nhấn mạnh: “Nhân kỷ niệm 5 năm ra phán quyết của tòa án được thành lập theo UNCLOS trong vấn đề Biển Đông, Canada nhắc lại sự cần thiết phải tuân thủ của tất cả các bên liên quan. Phán quyết này là một cột mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình”.

Đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia…, dù không phải là các bên có nghĩa vụ ràng buộc trong phán quyết nhưng việc bác bỏ “quyền lịch sử” bên trong “đường 9 đoạn” đồng nghĩa họ có lợi vì cái gọi là “đường 9 đoạn” đã xâm phạm vào các EEZ của họ.

Phán quyết đã mang tới các giải thích cho nhiều vấn đề của luật biển. Ngoài việc làm rõ mối quan hệ giữa “các quyền lịch sử” và UNCLOS, nó cũng giúp làm sáng tỏ các vấn đề mở trước đây liên quan đến điều 121 của UNCLOS. Những giải thích này sẽ đóng một vai trò quan trọng cho việc diễn giải trong các trường hợp tương tự.

Việt Nam là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Tòa Trọng tài và phán quyết. Ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi công hàm tới Tòa Trọng tài, theo đó Việt Nam tuyên bố “không nghi ngờ gì rằng Tòa có thẩm quyền trong các thủ tục tố tụng này” và “ủng hộ thẩm quyền của Tòa trong việc diễn giải và áp dụng các điều 60, 80, 194 (5), 206, 293 (1) và 300 của Công ước và các văn kiện liên quan khác”. Vì vậy, Việt Nam đã tán thành và công nhận quyền tài phán của Tòa Trọng tài trong tranh chấp và có thể được coi xem như sự ủng hộ của Việt Nam đối với phán quyết.

Đối với ASEAN, trước tình hình phức tạp do các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và đóng vai trò trung tâm.

Hiệp hội đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng thực sự hướng về con người, thông qua thúc đẩy hội nhập ASEAN sâu rộng hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác nhằm mang lại lợi ích và tác động đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Vì vậy, nếu vấn đề Biển Đông không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.

ASEAN và Trung Quốc phải ngay lập tức đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện và có ý nghĩa, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới