Theo ông Bùi Ngọc Sơn, nỗi lo thâm hụt thương mại, bị gắn mác thao túng tiền tệ là nỗi lo trước mắt, quan trọng Việt Nam phải lo chuyện đường dài.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng khoảng thời gian trên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 24,4 tỷ USD, tăng 24%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.
Trước đó, năm 2020, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế – Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) đánh giá, thông tin trên là tín hiệu tích cực bởi Mỹ là thị trường rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mang tính lâu dài mà Việt Nam cần giải quyết.
Xuất siêu chủ yếu thông qua khu vực FDI
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Mỹ là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (đạt 7,63 tỷ USD, tăng 105,2%); hàng dệt may (Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với trị giá đạt 7,61 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước); máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện (5,76 tỷ USD, tăng 31,5%); điện thoại các loại và linh kiện (4,3 tỷ USD, tăng 8,4%)…
Theo số liệu tổng quát, với những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ nêu trên, có thể thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là của khu vực FDI.
Đối với việc xuất siêu chủ yếu thông qua khu vực FDI, lợi ích phần lớn rơi vào tay các nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI vì xuất siêu của FDI thường đi cùng với luồng tiền chảy ra nước ngoài cao và ngày càng trầm trọng. Bản thân các nước xuất khẩu yếu tố đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam cũng được lợi.
Rủi ro khi là điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa
Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh khiến Ths Bùi Ngọc Sơn lo ngại thị trường Việt Nam dễ trở thành điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa.
Nhìn vào con số tăng trưởng lớn về xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vị chuyên gia nghi ngờ rằng có hiện tượng hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, hoặc cơ sở ở Trung Quốc chuyển bộ phận, chi tiết sang Việt Nam lắp ráp đơn giản rồi đóng mác “Made in Vietnam” xuất đi Mỹ.
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam phải hết sức cảnh giác với tình trạng này, chẳng hạn như đồ gỗ. Trong hai năm trở lại đây, Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá, trợ cấp từ 55% đến gần 200%, áp với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… Do đó, Việt Nam có nguy cơ bị các doanh nghiệp ngành gỗ Trung Quốc chọn làm điểm “lánh nạn”, đội lốt hàng Việt để xuất khẩu nhằm lẩn tránh thuế.
Tháng 5 năm nay, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Bộ Tài chính, trong đó dẫn phản ánh của các doanh nghiệp hội viên cho biết, thời gian qua có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc, lắp ráp đơn giản tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu. Phần lớn những doanh nghiệp này mới được thành lập hoặc chỉ hoạt động trong khoảng 1-2 năm nhưng có sản lượng nhập khẩu các bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm rất lớn.
Sau khi nhập từng bộ phận các mặt hàng có yếu tố rủi ro, theo Viforest, các doanh nghiệp này mua bán lòng vòng để qua mặt cơ quan chức năng trước khi tập hợp lại một doanh nghiệp để lắp ráp, xuất khẩu. Dù chưa có kết quả kiểm tra, nhưng thực tế cho thấy giá trị nhập và xuất khẩu các mặt hàng nêu trên đang gia tăng mạnh thời gian gần đây.
Chính vì thế, Viforest đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận lĩnh vực nhập khẩu các mặt hàng gỗ rủi ro như tủ bếp, tủ nhà tắm nhằm có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm.
Tương tự, nhiều đồ gia dụng khác cũng vậy. Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, nếu cứ kéo dài tình trạng này, Việt Nam chỉ được cái tiếng là xuất khẩu nhiều và hưởng chút ít từ chi phí mà người Trung Quốc bỏ ra thuê đất đai và một số nhân công, còn lại họ hưởng hết.
“Nguy hiểm ở chỗ, nếu Mỹ cảm thấy không hài lòng vì Việt Nam không kiểm soát được vấn đề đó, để xảy ra thâm hụt thương mại lớn thì nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc phòng vệ thương mại rất cao.
Một trong những tiêu chí khiến một quốc gia bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ là thâm hụt thương mại liên tục, kéo dài. Việt Nam đã có bài học này khi vào cuối năm 2020, Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Rất may, Việt Nam đã chứng minh và được phía Mỹ chấp nhận, không áp dụng biện pháp trừng phạt”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói.
Điều quan trọng nhất…
Vị chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam không thể vì thế mà lơ là. Đặc biệt, điều quan trọng hơn là cần phải lo cho chính nền kinh tế Việt Nam để dù làm gì thì đó phải thực sự là của Việt Nam.
Nhắc tới điều này, ông dẫn nền công nghiệp làm ví dụ. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang ở trong trạng thái là một “nền công nghiệp rỗng”, tức cái gì cũng có song hầu hết lại là của doanh nghiệp nước ngoài. Theo vị chuyên gia, ý kiến này không phải không có cơ sở.
“Như ngành điện tử Việt Nam xét ra rất hoành tráng, nhưng tới 95% là của doanh nghiệp FDI. Chúng ta có gì ở trong đó để tự hào?”, ông đặt câu hỏi.
Bởi vậy, Ths Bùi Ngọc Sơn kết luận, thâm hụt thương mại, nỗi lo bị gắn mác thao túng tiền tệ, bị trừng phạt cũng là nỗi lo lớn, nhưng quan trọng là phải lo về đường dài. Đó là trong những con số xuất khẩu, cái gì là của Việt Nam?