Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnAnh điều 2 chiến hạm đến Thái Bình Dương tiếp sức cho...

Anh điều 2 chiến hạm đến Thái Bình Dương tiếp sức cho Mỹ

Việc Anh quyết định cử vĩnh viễn 2 chiến hạm tới hỗ trợ các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp tăng tầm ảnh hưởng của nhóm Five Eyes, theo giới quan sát Trung Quốc.

Anh cử vĩnh viễn 2 chiến hạm tới hỗ trợ các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

Chuyên gia hàng hải tại Bắc Kinh, Li Jie, nói rằng sự hiện diện của 2 chiến hạm Anh trong vùng biển châu Á sẽ không chỉ làm thay đổi cán cân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn có thể đặt Trung Quốc dưới sức ép chính trị từ dư luận quốc tế.

“Đây cũng là một động thái chính trị đầy rủi ro mà nhóm Five Eyes đưa ra. Nhóm này thường tập trung vào chia sẻ thông tin tình báo và giờ lại muốn lôi kéo Nhật Bản và mở rộng hợp tác sang thực hiện chiến dịch quân sự chung và hợp tác quốc phòng” – ông Li nói, nhắc tới nhóm tình báo mà Mỹ dẫn đầu bao gồm các thành viên Anh, Canada, Newzealand và Australia.

Australia trước đó đã lên tiếng ủng hộ phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông không có cơ sở pháp lý, trong khi Canada trong tháng này đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế nhân mốc 5 năm phán quyết trên được đưa ra.

“Anh là 1 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bởi vậy động thái trên có nghĩa rằng 2 thành viên trong Hội đồng bảo an sẽ chung tay để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy, và điều này có thể làm thu hẹp tầm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên trường quốc tế” – Li nói.

Kế hoạch triển khai 2 chiến hạm trong tương lai của Anh được công bố trong một tuyên bố chung giữa Anh và Nhật Bản, khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gặp gỡ người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi ở Tokyo trong hôm 20/7 vừa qua.

Tuyên bố xung xuất hiện trong lúc mà tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng nhóm tàu hộ tống dự kiến sẽ tới Nhật Bản vào tháng 9 năm nay, sau khi băng qua Biển Đông và biển Hoa Đông – những nơi mà Trung Quốc đang tranh tầm ảnh hưởng với Nhật Bản và Mỹ.

Theo Đại sứ quán Anh tại Tokyo, các chiến hạm Anh sẽ không có một căn cứ vĩnh cửu, nhưng tàu sân bay Queen Elizabeth – chở theo nhiều chiến đấu cơ tàng hình F-35B trong hành trình đầu tiên – sẽ neo đậu tại Yokosuka – nơi có Bộ tư lệnh hạm đội của Nhật Bản và tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 21/7 phát biểu rằng Bắc Kinh tôn trọng tất cả các nước tham gia hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, theo luật pháp quốc tế. “Nhưng Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ nước nào làm ảnh hưởng tới chủ quyền đất nước, hòa bình và sự ổn định trong khu vực, bằng cách chủ trương sử dụng vũ lực” – ông Triệu nói.

Zhou Chenming – chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh – nói rằng khả năng chiến đấu của tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ không gây mối đe dọa quân sự trực tiếp tới quân đội Trung Quốc (PLA) trong khu vực, nhưng những chiến dịch chung giữa lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Anh trong tương lai lại có thể cho phép Washington chia sẻ gánh nặng và chi phí của những nỗ lực dài hạn nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc.

“Lời hứa (triển khai 2 chiến hạm) của London cho thấy quân đội Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu binh sĩ và chiến hạm trong khu vực” – ông Zhou nói, thêm rằng Hải quân Mỹ có Nhóm Sẵn sàng Lưỡng cư đồn trú trong khu vực, trong khi mà nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang được triển khai tới Trung Đông để hỗ trợ tiến trình rút quân khỏi Afghanistan.

Cam kết quân sự của Anh cho thấy họ muốn nhắc ác nước châu Á rằng London cũng có tầm ảnh hưởng nhất định trong khu vực này, theo Cheung Mong, Giáo sư trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế thuộc ĐH Waseda Nhật Bản.

“Anh muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bởi vậy việc triển khai các chiến hạm này sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực” – Cheung nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới