Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKiểu làm ăn không chấp nhận được ở VIỆT NAM

Kiểu làm ăn không chấp nhận được ở VIỆT NAM

Việt Nam chi đến 6 tỷ USD nhập khẩu 20,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (chủ yếu là ngô, đậu tương) để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại bán 92% lượng sắn sang Trung Quốc cũng để nước này chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ yếu.

Trung Quốc mua đến 92% lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến sắn tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái (Quảng Trị).

Trung Quốc mua đến 92% tổng lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam

Trong một cuộc họp giữa Cục Chăn nuôi với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành chăn nuôi mới đây, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam nêu một thực tế, hàng năm Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại xuất khẩu gần hết sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2021 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 191.530 tấn, trị giá 83,16 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 56,7% về trị giá so với tháng 6/2020.

Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân ở mức 434,2 USD/tấn, tăng 27,2% so với tháng 6/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 611,69 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 6/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn là nhiều nhất, chiếm 92,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 176.940 tấn, trị giá 76,79 triệu USD, so với tháng 6/2020 tăng 26,2% về lượng và tăng 61,6% về trị giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,48 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 566,15 triệu USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian gần đây, nguồn cung sắn tươi nguyên liệu của Việt Nam giảm, thị trường sắn lát khô của Việt Nam vẫn ổn định. Tồn kho sắn lát của Trung Quốc nhìn chung vẫn ở mức thấp.

Trong khi nguồn cung nguyên liệu sắn tươi của Việt Nam giảm, nguồn cung nguyên liệu sắn tươi ở khu vực miền Nam không đủ để duy trì hoạt động sản xuất, khiến cho sản lượng tinh bột sắn liên tục giảm.

Tính từ đầu năm đến ngày 09/7/2021, tỉnh Tây Ninh đã xuống giống được 42.703 ha sắn, trong đó vụ Đông Xuân là 36.518 ha, vụ Hè Thu là 6.185 ha. Ước năng suất đạt 33,5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.430.550 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ước khối lượng củ sắn đưa vào chế biến khoảng 895.936 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, sản xuất được 223.984 tấn bột.

Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh giảm 30% so với thời điểm trước khi bùng dịch, sụt giảm mạnh nhất ở mảng bột công nghiệp.

Một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại khu vực phía Bắc đã dừng sản xuất do nguồn cung sắn tươi thấp.

Trung Quốc mua lượng lớn, xuất khẩu sắn thuận lợi, nông dân vẫn lo dịch bệnh

Trong khi xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đang tương đối thuận lợi nhờ Trung Quốc mua nhiều thì dịch bệnh khảm lá đang khiến nông dân đau đầu.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trong vòng 3 năm gần đây, bệnh khảm lá sắn liên tục gây hại hầu hết vùng trồng sắn ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh.

Tính đến ngày 23/6/2021, bệnh khảm lá sắn gây hại với diện tích nhiễm trên 1.000 ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa.

Theo đánh giá, bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng trừ.

Tại Kon Tum, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn cũng đang tăng nhanh khiến ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Tính đến ngày 07/7/2021, toàn tỉnh đã có 363 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, thành phố Kon Tum là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh nhiều nhất với trên 315 ha; số còn lại xảy ra ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy.

Bệnh chủ yếu gây hại trên diện tích sắn trái vụ (trồng vào tháng 9/2020, thu hoạch vào tháng 9/2021).

RELATED ARTICLES

Tin mới