Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến tuyên truyền của TQ

Cuộc chiến tuyên truyền của TQ

Trong chiến lược lâu dài nhằm thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, Bắc Kinh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền. Đây là kinh nghiệm từ xa xưa của người Hán, “mưa dầm thấm lâu”, “mây nhiều thì mưa”. Để xuyên tạc, tung hỏa mù về chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, bộ máy tuyên truyền của nước này cũng huy động tối da các cơ quan truyền thông và mạng xã  hội.

Góp phần tìm hiểu, phân tích và tìm cách hạn chế những tác động tiêu cực của truyền thông Trung Quốc, hôm 23/7, tại Singapore, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã tổ chức cuộc hội thảo về âm mưu và những thủ đoạn của Bắc Kinh về chiến lược tuyên truyền, đặc biệt là, tạo ra ảnh hưởng, thậm chí gây sức ép đến lĩnh vực truyền thông của Việt Nam.

Hai diễn giả chính của Hội thảo là ông Drew Thompson đến từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu; ông Lương Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Theo ông Drew Thompson, Bắc Kinh đã chi hàng tỉ USD trong những năm qua phục vụ chiến lược tuyên truyền ở nước ngoài. Trung Quốc đã thành lập hàng loạt hãng thông tấn và đài phát thanh. Hai cơ quan có máu mặt nhất là Tân Hoa Xã (Xinhua) và Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China International Radio).

Không chỉ có các cơ quan truyền thông chính thống, Bắc Kinh đầu tư rất lớn vào mạng xã hội. Những trang tin “diều hâu” nhất là Hoàn cầu Thời báo (Global Time), Trung Hoa Nhật báo (China Daily). Đây là những trang tin của chính phủ Trung Quốc hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Trớ trêu thay hai mạng xã hội này đều bị “cấm” ở Trung Quốc (!).

Đối với Việt Nam, một quốc gia kiểm soát báo chí khá chặt chẽ, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông ở trong nước đều thuộc sự chi phối của các cơ quan Đảng và Chính phủ, như Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này thì Việt Nam và Trung Quốc khá… giống nhau trong phương pháp quản lý báo chí và truyền thông.

Vẫn theo ông Drew Thompson, vì báo chí Việt Nam cũng bị “nhốt” trong cái lồng kiểm duyệt cho nên Trung Quốc cũng rất khó dẫn dắt truyền thông của nước này. Nhà nước Việt Nam tuyên bố dứt khoát: Không cho phép bất cứ sự đầu tư hay can thiệp nào từ nước ngoài tới truyền thông ở Việt Nam.

Ông Lương Nguyễn An Điền lưu ý thêm, tâm lý “bài Trung” của người dân Việt Nam đã thấm rất sâu trong cộng đồng, do những mối thâm thù truyền kiếp, do việc Trung Quốc chèn ép, lấn tới trên Biển Đông. Trong nội bộ đội ngũ báo chí ở Việt Nam vô hình trung tạo nên một “sự kháng cự”. Không những thế còn sẵn sàng đáp trả mọi nỗ lực tuyên truyền có lợi nào cho tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. Nhận rõ điều này Bắc Kinh đã thông qua cơ quan ngoại giao của mình, chuyển hướng và thực hiện các chiến dịch tuyên truyền thông qua các mạng xã hội.

Các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu là thông qua cơ quan ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán của họ tại Hà Nội, và lãnh sự quán ở TP. Hồ Chí Minh. Ở hai cơ quan ngoại giao này đều xuất hiện những thông tin mang tính dẫn dắt dư luận trên Facebook, mạng xã hội. Thông điệp chủ yếu là các luận điệu chống Mỹ và  ca ngợi đường lối, chính sách của Trung Quốc.

Muốn lôi kéo Việt Nam vào cuộc, Bắc Kinh cũng đã có phen “ghè phải chân mình”. Có trường hợp, sự nhanh nhảu của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã tạo ra làn sóng phản đối của người Việt. Còn nhớ hồi tháng 7 /2020, kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Việt Nam, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đăng tải một bài báo. Bài này do ông Hồ Tích Tiến,  Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo viết. Ông này cao giọng cảnh báo Việt Nam không được ngả theo Mỹ.  Kết cục ông Hồ Tích Tiến và Hoàn Cầu đã bị phản ứng dữ dội vì mang nặng tư tưởng nước lớn, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác.

Sau vụ mất mặt này, các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam đã hạn chế đăng tải những phát ngôn trên mạng xã hội. Tháng 6 / 2021, Đại sứ quán Trung Quốc mặc dù rất “cáu” về việc Chính phủ Việt Nam chủ trương “ưu tiên” dành tiêm vaccine do Trung Quốc cho… công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, nhưng chỉ “phàn nàn” trên mạng xã hội Weibo. Mạng này vốn chỉ được người Trung Quốc sử dụng, và bạn đọc Việt Nam không hề biết chuyện này.

Đối với Việt Nam có thể Trung Quốc chưa dành thế chủ động trong tuyên truyền, chưa chi phối được truyền thông của nước láng giềng này, nhưng không vì thế mà Trung Nam Hải chịu lùi bước. Mặt trận tuyên truyền nằm trong “sức mạnh mềm” vẫn đang được phát huy. Đảng CS Trung Quốc dựa vào hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ, tình nguyện viên, sinh viên đại học và giáo viên Trung Quốc, cùng đội ngũ trùng điệp dư luận viên trên mạng, để tiến hành chiến dịch “bơm vá, nhồi sọ”.

Chính quyền Trung Quốc đã ban hành các lệnh nghiêm ngặt về nội dung và văn phong của tin tức, chỉ đạo các anh hùng bàn phím tác nghiệp. Tất nhiên họ được trả lương để tác nghiệp, để viết những bài bịa đặt, để tìm cách khóa miệng những tiếng nói không được đảng đồng tình.

Trung Quốc cũng có một hệ thống kiểm duyệt được vũ trang hóa nhờ chính trị. Hệ thống ấy được điều phối và hỗ trợ bởi các nguồn lực của Nhà nước. Mạng xã hội Trung Quốc được bao bọc bởi một thiết chế cực mạnh để xây dựng những câu chuyện, những sự việc nhỏ nhưng hướng đến cái đích khổng lồ. Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người trực tiếp điều phối chiến dịch tuyên truyền. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan mà ông Tập lập ra, đã nhận lệnh để “gây ảnh hưởng tích cực đến dư luận quốc tế” cũng như dư luận trong nước.

Tuyên truyền rầm rộ những gì cần khuếch đại và giấu diếm những gì cần bí mật, đó là một thành công của Trung Quốc, đồng thời là mối họa cho thế giới. Đơn cử như việc nguồn gốc con virus Vũ Hán.  Trung Quốc đã che đậy vụ bùng phát dịch bệnh bằng cách ém nhẹm thông tin và không thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Việc tày trời như thế họ còn giấu được thì những vụ việc xâm lấn lãnh hải, gây căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng im lặng hoặc chối bay chối biến, biến có thành không. Cho nên sách lược tuyên truyền của Việt Nam mấy năm nay đã linh hoạt, uyển chuyển hơn, khi căng như dây đàn, lúc mềm như lụa. Và những bí mật trong việc sử dụng mạng xã hội, cùng các “binh chủng đặc biệt” khác thì Trung Quốc … hãy đợi đấy!

RELATED ARTICLES

Tin mới