Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựSức mạnh của Su -75

Sức mạnh của Su -75

Lễ ra mắt chính thức chiếc tiêm kích Su-75 Checkmate hiện đại của Nga ở MAKS 2021 đã gây ấn tượng cực mạnh khắp thế giới, nhờ chiến dịch quảng cáo khéo léo đến tuyệt vời.

Su-75 Checkmate thực ra là dành cho ai?

Những kẻ ác ý thì mỉa mai chế giễu, những người thực tế thì vui mừng với sự xuất hiện của chiếc máy bay chiến đấu tối tân, những kẻ hoài nghi thì đặt câu hỏi “Checkmate” thực ra là dành cho ai?

Trước tiên, chúng ta hãy cùng điểm qua những tính năng kỹ-chiến thuật được công bố của Su-75 Checkmate. Tầm bay tối đa của nó được đánh giá vào khoảng 3 nghìn km, trần bay là 16,5 nghìn m.

Vận tốc tối đa của chiếc tiêm kích đa mục tiêu sẽ phải là 1,8-2 vận tốc âm thanh, còn tải trọng vũ khí – 7,4 tấn. Không tồi chút nào, đặc biệt nếu tính đến việc nó chỉ có một động cơ, điều sẽ biến nó trở thành chiếc máy bay có giá thành hợp lý hơn và dễ bảo dưỡng.

Khách hàng xét nét sẽ phải bỏ ra từ 25 đến 30 triệu USD để mua Su-75, nhờ vậy nó được mệnh danh là “F-35 cho người nghèo”. Nếu dựa vào việc phiên bản hai chỗ ngồi, cũng như không người lái có thể được chế tạo trong tương lai, thì đó sẽ là một đề xuất khá thú vị.

Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo hàng không thống nhất Nga (OAC), ông Yury Slyusar, đã bình luận về sản phẩm mới này như sau:

“Ý tưởng đã xuất hiện từ hoạt động kinh tế. Theo quan điểm của chúng tôi, trên thị trường có rất nhiều máy bay một động cơ… Nhưng không có máy bay một động cơ thế hệ thứ 5 với mức giá chấp nhận được, hợp lý về phương diện kinh tế, mà phù hợp với túi tiền của đa số khách hàng mua các máy bay quân sự đa chức năng”.

Đúng là một cách tiếp cận rất thực tế. Nếu căn cứ vào chiến dịch PR được triển khai rất bài bản, có cảm giác như Nga cuối cùng đã học được cách không chỉ chế tạo khí tài quân sự tuyệt vời, mà cả bán nó một cách bài bản.

Nhưng chính một cuộc thảo luận sôi nổi nhất đã diễn ra xung quanh vấn đề này.

Ai sẽ thực sự có thể mua được Su-75 của Nga?

Nếu nhìn vào đoạn video quảng cáo, sẽ thấy rõ rằng Tập đoàn Rostec hướng vào Ấn Độ, Việt Nam, UAE và Argentina. Và OAC của Nga đúng là có những cơ sở nhất định để thành công.

Quá trình sản xuất các máy bay đối thủ cạnh tranh như F-16 bắt đầu từ năm 1975 xa xôi, Saab JAS 39 “Gripen” – năm 1997, thì chúng không còn là những sản phẩm mới.

Chiếc Chengdu FC-1 Xiaolong (JF-17 Thunder) của liên doanh Trung Quốc-Pakistan thì mới hơn, nó bắt đầu được khai thác vào năm 2007, nhưng đó là chất lượng kiểu Trung Quốc-Pakistan.

F-35, bất chấp nhiều lỗi được phát hiện, vẫn được sản xuất và được “nhét cả đống” vào tay các đồng minh của Mỹ, và đó chính là nỗi khổ. Giá thành của nó là 80 triệu USD, mức quá đắt đỏ đối với nhiều nước.

Và không nên quên về sự cần thiết phải bảo dưỡng nó trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất đến từ Mỹ. Trong bối cảnh này, chiếc Su-75 mới tinh với giá 25-30 triệu USD có thể sẽ là mức hoàn toàn chấp nhận được.

Mỗi khách hàng mua khí tài chiến đấu tương tự luôn nghĩ về việc nó thực sự có thể được sử dụng ở đâu và chống lại kẻ nào.

Những quốc gia được đề cập trong đoạn video quảng cáo của “Rostec” dường như không có ý định chiến đấu với Mỹ và khối NATO, và điều đó có nghĩa là, để triển khai các nhiệm vụ đặt ra trước lực lượng không quân tiêm kích, thì chỉ cần chiếc máy bay đa mục tiêu hạng nhẹ là đủ. Chiếc máy bay của Nga.

Đúng vậy. Tuy nhiên có một nút thắt. Hoàn toàn có căn cứ cho sự lo lắng rằng chiếc máy bay không có trong hàng ngũ không quân Nga sẽ khó nhận được sự quan tâm ở nước ngoài. Và điều này hoàn toàn đúng.

Chính những người Ấn Độ trước đó từng từ chối “anh trai” của Su-75, nhưng sau này họ đã đính chính rằng cần phải nghiên cứu kinh nghiệm vận hành Su-57 trong các đơn vị của Nga một cách kỹ lưỡng. Khách hàng luôn luôn đúng, có phải không?

Vậy chúng ta có gì? Một chiếc máy bay triển vọng, sở hữu những tính năng phù hợp để chiếm lĩnh phân khúc thị trường khá béo bở, mà ngay từ đầu được định vị để xuất khẩu.

Đồng thời, nếu tin vào tuyên bố của OAC, chiếc tiêm kích được nghiên cứu mà không cần nguồn lực của Bộ Quốc phòng Nga, có nghĩa là dưới hình thức tự nguyện, thêm nữa là trong thời hạn vô cùng ngắn.

Có gì đó không bình thường cho lắm đối với thực tiễn ở Nga. Điều này từng thấy ở đâu? Có lẽ, trong điều vô lý này có thể ẩn chứa câu trả lời cho điều bí ấn quan trọng của Su-75.

Trên mặt báo của Nga, người ta có đưa ra một giả thiết khá thực tế, với sự cẩn trọng, và theo đó dự án tiêm kích hạng nhẹ “Sukhoi” trên thực tế đã có khách hàng của mình ngay từ đầu, mà bỏ tiền tài trợ cho toàn bộ chương trình này.

Và đó có thể là UAE, mà đại diện của họ cũng xuất hiện trong đoạn video của Tập đoàn Rostec.

Những tưởng tại sao UAE, quốc gia trung thành với Mỹ, lại đặt hàng nghiên cứu chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 ở Nga, nếu họ có thể mua F-35 từ đồng minh của mình? UAE có những lý do của mình, ẩn chứa bên trong là mối quan hệ phức tạp từ lâu với quốc gia láng giềng Israel.

Tel-Aviv từng là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua các tiêm kích F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ, sẽ phải đảm bảo cho họ ưu thế trên không trước bất cứ đối thủ nào trong vùng.

Với việc ông Biden bước chân vào Nhà Trắng, Mỹ đã ký với UAE bản hợp đồng cung cấp 50 tiêm kích thế hệ thứ 5 Lockheed Martin F-35A Lightning II trị giá 10 tỷ USD, nhưng với một điều kiện: Công ty sản xuất phải chế tạo F-35 phiên bản “Ả Rập” không tàng hình được trước các radar của quân đội Israel.

Cùng quay trở lại năm 2017, khi tại triển lãm vũ khí ở UAE, người đứng đầu Rostec, ông Sergei Chemezov, đã chia sẻ với các phóng viên rằng Nga đang đàm phán với UAE về hoạt động hợp tác nghiên cứu chiếc tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ 5 trên nền tảng MiG-29, mà sẽ phải xuất hiện sau 7-8 năm nữa.

Và đúng là đã xuất hiện chiếc tiêm kích đa năng hạng nhẹ thế hệ thứ 5 như thế, nhưng là trên nền tảng Su-57.

Đồng thời, OAC bằng cách nào đó trong thời gian cực ngắn đã chế tạo chiếc máy bay, mà không cần đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga, không cần tiền ngân sách, còn trong đoạn video quảng cáo lại thấy có bóng dáng của phi công Ả Rập. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Có thể đó đúng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng trong câu chuyện này có quá nhiều điều lạ lùng, có quá nhiều sự tự tin “như đinh đóng cột” của Rostec trong việc hướng chiếc máy bay vào thị trường xuất khẩu mà không cần đơn đặt hàng từ phía Bộ Quốc phòng Nga.

Thông thường người Nga không làm như thế. Thêm nữa, kinh nghiệm hợp tác với UAE về phần nghiên cứu vũ khí đã có. Đó là tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1, khách hàng là các hoàng thân Ả Rập, và họ đã sử dụng nó rất thành công, bất chấp tình hữu nghị với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới