Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinVị trí Việt Nam trong hoạch định quốc phòng của Mỹ với...

Vị trí Việt Nam trong hoạch định quốc phòng của Mỹ với khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang thực hiện chuyến công du Singapore, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Biden.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sáng 29/7.

Tại Singapore, ông Lloyd Austin đã phát biểu trong một sự kiện do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức. Chuyến thăm của lãnh đạo Lầu Năm Góc thể hiện rằng, chính quyền Biden-Harris coi Đông Nam Á như một phần quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiều qua, chuyên cơ chở phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã hạ cánh xuống Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày.

Cam kết của Mỹ với khu vực

Chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực và lợi ích của Mỹ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Austin đã thăm châu Âu hai lần để hàn gắn quan hệ với các đồng minh. Ông cũng đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng chưa tới Đông Nam Á. Ông Austin dự định tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6, nhưng sự kiện này đã bị hủy vì đại dịch Covid-19.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington lưu ý, ông Austin thăm 3 đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực: “Singapore là đối tác an ninh quan trọng nhất; Việt Nam ngày càng trở thành đối tác liên kết chặt chẽ với Mỹ và Philippines là đồng minh châu Á lâu đời nhất của Mỹ”.

Theo Poling, ở thời điểm này, Singapore là đối tác an ninh khu vực gần gũi hơn so với Manila khi năm 2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.

Trong khi đó, Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng, điều quan trọng nhất là ông Duterte cần  lấy được sự ủng hộ của quân đội Philippines nếu muốn ứng cử vị trí Phó tổng thống trong năm 2022.

Một số ý kiến giới phân tích cho rằng vấn đề Philippines sẽ là một thử thách đầy khó khăn với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến công du này, nhưng ông vẫn có khả năng đạt được bước tiến về an ninh với Manila.

Đối với Mỹ, việc cải thiện quan hệ với Manila sẽ là chìa khóa cho chính sách xoay trục sang Đông Nam Á của Mỹ. Chính quyền Biden đặt mục tiêu sẽ hoàn thành vào mùa thu này một báo cáo với trọng tâm đánh giá tầm quan trọng của việc thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực.

Hợp tác thiết thực Việt – Mỹ

Quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được đề cập cụ thể trong Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Biden cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một phần quan trọng trong hoạch định quốc phòng của Mỹ đối với khu vực.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 200 lần kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng được đẩy mạnh khi ngành du lịch Việt Nam phát triển. Việt Nam đã lọt vào danh sách các quốc gia được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đã tăng từ mức dưới 1 tỷ USD năm 2011 lên hơn 2,6 tỷ USD vào năm 2019.

Ngày 19/7, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được một thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Washington về vấn đề tiền tệ Việt Nam.

Do đại dịch Covid-19 với biến thể Delta đang hoành hành, đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đang cố gắng gia tăng và đa dạng hóa nguồn cung vắc xin. Mỹ đã và đang tích cực hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam, điều đó giúp tăng cường niềm tin giữa hai nước.

Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng, Việt Nam là đối tác toàn diện gần gũi và nằm trong danh sách các nước ưu tiên nhận vắc xin của Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Campuchia và Lào, Mỹ còn tặng vắc xin cho Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Cuộc chiến chống Covid-19 phải được thực hiện trên toàn cầu để không còn điểm “nóng” nào và Mỹ đã cung cấp vắc xin một cách thiện ý.

Ông Carl Thayer cũng cho biết thêm, hai bên đang hợp tác thiết thực, không có vấn đề hận thù hay ý thức hệ. Mỹ có lợi ích khi Việt Nam trở thành một tác nhân tích cực mạnh mẽ về kinh tế cũng như đóng góp vào sự ổn định của khu vực. Mỹ có thể tin tưởng Việt Nam hành động độc lập, mang tính xây dựng và như vậy là đủ tốt.

RELATED ARTICLES

Tin mới