Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựChâu Á đang bước vào cuộc chạy đua tên lửa đầy nguy...

Châu Á đang bước vào cuộc chạy đua tên lửa đầy nguy hiểm

Lo ngại Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực đang đặt mua hoặc tìm cách tự phát triển tên lửa để mở rộng kho dự trữ tên lửa của mình.

Tên lửa Bramos của Ấn Độ.

Mối lo ngại Trung Quốc

Các báo cáo được công bố dựa trên hình ảnh vệ tinh trong thời gian gần đây cho thấy, Trung Quốc đang xây mới 230 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm hoạt động có thể vươn xa tới Mỹ. Việc xây dựng những hầm chứa tên lửa này cho thấy sự mở rộng năng lực tên lửa của Trung Quốc, đồng thời đánh dấu chương mới nhất trong sự phát triển quân sự của nước này. Tuy vậy, giới phân tích cảnh báo, điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua tên lửa tại châu Á.

Lo ngại Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực đang đặt mua hoặc tìm cách tự phát triển tên lửa để mở rộng kho tên lửa tầm xa của mình. Nhiều tên lửa trong số đó không chỉ được trang bị đầu đạn thông thường mà còn có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Patrick Cronin, Chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson cho biết: “Trước sự gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đầy, thực sự có một cuộc chạy đua tên lửa đang diễn ra tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Nói một cách thẳng thắn, đó là một cuộc chạy đua tên lửa đang tăng tốc”.

Theo ông Cronin, các quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, hay thành viên của nhóm Bộ Tứ gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc theo những khía cạnh khác nhau, nhưng đều có chung mục đích chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Quân đội Trung Quốc – một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, đang phát triển khả năng thực hiện các hoạt động tầm xa. Những tên lửa mà Trung Quốc sử dụng, đặc biệt là DF-21 và DF-26 đang gây ra mối đe dọa với những vùng đệm mà các nước như Mỹ và Australia từ lâu coi là lợi thế. “Khoảng cách hiện giờ không còn là vấn đề đối với tên lửa Trung Quốc. Vì thế các quốc gia này phải tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ của riêng họ”.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu trông cậy vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ để tăng cường năng lực phòng thủ. Tuy vậy, sự thiếu chắc chắn trong cam kết về an ninh của Washington khiến họ phải tìm cách nâng cấp và đa dạng hóa hỏa lực của mình.

“Trong thời gian qua, Mỹ đã chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ các đồng minh, nhưng cũng không tránh khỏi những sơ suất. Hoặc cũng có thể là những nước này không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Họ muốn đề phòng trường hợp rủi ro”, ông Cronin nhận xét.

Gia tăng kho dự trữ tên lửa

Lo ngại hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản đã gia tăng tầm bắn của tên lửa hành trình chống hạm Type 12 từ 200km lên 900km và hướng đến mục tiêu cuối cùng là 1.000km. Tokyo cũng triển khai Type 12 và các tên lửa phòng không khác ở quần đảo Ryukyu nằm gần vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch phát triển 2 vũ khí siêu thanh mới gồm: thiết bị phóng lượn siêu tốc (Hyper Velocity Gliding Projectiles – HVGP) và tên lửa hành trình siêu thanh (Hypersonic Cruising Missile – HCM). HVGP là một tổ hợp di động trên mặt đất dùng tên lửa nhiên liệu rắn có đầu đạn lượn siêu tốc, với tầm bắn dự kiến khoảng 500km, có thể xuyên thủng boong tàu sân bay. Tokyo hy vọng có thể triển khai vũ khí này vào năm 2026.

Tokyo đã thể hiện mong muốn sở hữu những tên lửa tầm xa có thể phóng từ máy bay và tàu. Trong sách trắng quốc phòng công bố hồi giữa tháng này, Nhật Bản nêu rõ việc mua sắm tên lửa phòng không là một trong những ưu tiên chính của nước này.  

Australia cũng tăng cường năng lực quân đội trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng trong khu vực. Thủ tướng Australia Morrison cho biết, nước này sẽ mở rộng các kế hoạch để sở hữu khả năng tấn công tầm xa trên biển và trên đất liền. Canberra đang mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa từ Mỹ và đầu tư 1 tỷ USD để phát triển tên lửa dẫn đường nội địa. Khoản kinh phí này cũng được dùng cho việc phát triển vũ khí siêu thanh và tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) phóng từ tàu biển, với sự tham vấn từ Mỹ.

Ấn Độ tiếp tục phát triển kho tên lửa của riêng nước này để đối phó Trung Quốc. New Delhi đã đặt mua các tên lửa hành trình và tên lửa phòng không tầm xa mới, phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho tàu ngầm hạt nhân nhân lớp Arihant và nghiên cứu phiên bản siêu thanh của tên lửa hành trình Brahmos. Bên cạnh đó, nước này cũng tìm cách nâng tầm bắn của tên lửa Brahmos từ 400km đến 800km.

Tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc lần đầu thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tên lửa Hyunmoo-2B, có tầm bắn 500km nhiều khả năng sẽ được trang bị cho các tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang Ho của nước này trong tương lai. Sau khi đạt được thỏa thuận với Washington về việc mở rộng tầm bắn hệ thống tên lửa của Hàn Quốc từ 300km lên thành 800km, Seoul giờ đây có thể chế tạo những tên lửa có tầm bắn xa hơn.

Một số lượng lớn tên lửa đặt ở các vị trí chiến lược dọc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng những tên lửa phóng từ máy bay, tàu chiến và tàu ngầm có thể giúp Mỹ và đồng minh  tăng cường năng lực chống tiếp cận, chống phong tỏa (A2/AD) trước sức ép từ Bắc Kinh.

“Điều đó đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc nghĩ rằng có thể thực hiện các hành động gây hấn mà không gặp nhiểu rủi ro thì họ đang sai lầm”, ông Cronin nói.

Tuy vậy chuyên gia này cũng lưu ý, dù năng lực tên lửa là một phần “thiết yếu” và mũi nhọn trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc nhưng đó không phải làm phần quan trọng nhất. Trong khi gấp rút cải thiện và mở rộng kho dự trữ tên lửa, các nước vẫn cần phải duy trì khả năng răn đe và tránh những hành vi gây hấn.

“Mọi người không muốn nói rằng có một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Nhưng thực tế, cuộc chạy đua này đang diễn biến rất nhanh”, chuyên gia Cronin nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới