Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnĐảo nhân tạo trong UNCLOS1982 và hoạt động sai trái của TQ...

Đảo nhân tạo trong UNCLOS1982 và hoạt động sai trái của TQ trên Biển Đông

Thời gian qua, Trung Quốc liên tục xây dựng bồi đắp một số thực thể, thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm, thành các căn cứ quân sự. Để có cái nhìn đầy đủ hơn, chúng tôi xin cung cấp những tư liệu về thực trạng xây dựng bồi đảo nhân tạo trên thế giới cũng như việc làm trái công pháp quốc tế của Trung Quốc.

Siêu dự án trên đảo nhân tạo Dubai.

Thực trạng bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo trên thế giới

Đảo nhân tạo, các công trình thiết bị được xây dựng trên biển là một nhu cầu tất yếu của tất cả mọi quốc gia khi triển khai các hoạt động thăm dò nghiên cứu, khai thác tài nguyên biển trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Công pháp quốc tế chấp nhận hoạt động này, đồng thời cũng có những quy định mang tính khung pháp lý nhằm điều chỉnh để hoạt động trên diễn ra đúng pháp luật, không gây hại cho nước khác và môi trường biển. Đó là các quy định tại Công ước luật biển UNCLOS 1982: Điều 60, Khoản 3 (nghĩa vụ thông báo), Khoản 5 (phạm vi an toàn 500m xung quanh các đảo nhân tạo), Khoản 7 (không cho phép xây dựng đảo nhân tạo có nguy cơ gây mất an ninh và an toàn hàng hải quốc tế), Khoản 8 (không cho phép các đảo nhân tạo được hưởng quy chế của các đảo tự nhiên), Điều 123 (nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia ở ven bờ biển kín hoặc nửa kín) và các Điều 192, 193, 196.

Các đảo nhân tạo, các công trình, thiết bị nhân taọ được xây dựng hợp pháp trên biển, thềm lục địa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển, nhất là lợi ích về kinh tế trong việc khai thác tài nguyên sinh vật và không sinh vật biển, hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, phục vụ và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải, hàng không, thương mại, tìm kiếm cứu hộ, phòng chống tội phạm, cướp biển…

Thực tiễn quốc tế đã có khá nhiều đảo nhân tạo, công trình thiết bị được xây dựng vì các mục tiêu nói trên: Balance islands là những đảo nhân tạo được xây dựng ven bờ biển Hà Lan nhằm mục đích chống xói mòn và cân bằng dòng chảy của thủy triều. Đảo nhân tạo Hulhumale do Cộng hòa Maldives xây dựng tại Ấn Độ Dương với hy vọng trong 15 năm tới sẽ đón khoảng 45.000 dân đến cư trú để tránh tình trạng trái đất nóng lên. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất năm 2001 đã xây dựng 2 đảo nhân tạo lớn nhất thế giới: Palm Jumeriah và Palm Jebel Ali tại bờ biển thành phố Dubai, nhằm phục vụ khách du lịch với nhiều khách sạn, biệt thự sang trọng và tiện nghi… được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”… Azerbaịjan đã xây dựng quần thể đảo nhân tạo Khaza islands gồm 41 đảo nhỏ, diện tích 3000 ha tại vùng biển Caspian…

Các dự án bồi đắp xây dựng đảo trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông

Tuy nhiên nhiều đảo nhân tạo và công trình, thiết bị nhân tạo được xây dựng trên các thực thể địa lý (đảo, đá, bãi cạn, rạn san hô…) hay trong các vùng biển và thềm lục địa đã không tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982.

Trung Quốc là ví dụ điển hình của những vi phạm nghiêm trọng đó khi họ triển khai nhiều dự án cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo tại các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Về chủ quyền, đây là hai quần đảo của Việt Nam với những chứng cứ lịch sử không thể phủ nhận. Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa và một số thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, rồi tiếp tục bồi lấp xây dựng trái phép trên vùng lãnh thổ đó. Hành động này đã vi phạm quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia, với tư cách là những thực thể trong quan hệ quốc tế… Nói cụ thể Trung Quốc đã và đang bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo trên những thực thể thuộc chủ quyền nước khác.

Không những thế, trong quá trình bồi lấp, biến các bãi cạn thành các đảo nhân tạo khổng lồ, Trung Quốc đã làm thay đổi cấu trúc môi trường sinh thái biển, tàn phá môi trường sinh sống của các loài hải sản. Theo đánh giá của các chuyên gia, thì đến cuối tháng 5 năm 2015, nước này đã san lấp hơn 800 hecta (gần 2.000 mẫu Anh) các rạn san hô, thảm cỏ biển và hệ sinh thái nông khác và đã phá hủy chừng 200 hecta bao phủ 7 rạn san hô.

Ví dụ, tại Đá Chữ Thập, khu vực bị nạo vét rộng đến hơn 60 ha. Nếu cộng tất cả hệ sinh thái bị phá hủy có thể vượt quá 1.000 ha. Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã nạo vét hàng trăm triệu tấn cát và san hô từ đáy biển và đổ lên 8 triệu mét vuông thuộc các rạn san hô vốn là môi trường tối quan trọng cho hệ sinh thái ở nơi đây. Ước tính giá trị thiệt hại do các rạn san hô bị phá hủy lên đến khoảng 280 triệu đôla Mỹ/năm.

Cũng theo báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ thì kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo đất từ tháng 12 năm 2013 đến năm 2015, nước này đã lấp thêm được hơn 1.170 ha đất. Tính đến tháng 6 năm 2015, Trung Quốc đã lấp hơn gấp 17 lần so với số đất mà các quốc gia đòi chủ quyền khác trong khu vực đã san lấp trong vòng suốt 40 năm qua; chiếm khoảng 95% diện tích các đảo và bãi cạn tại Trường Sa.

Ông Aghai Diba, B. trong bài viết có tiêu đề: “Legal Regime of the Artificial Islands in the Persian Gulf” (Chế độ pháp lý của các đảo nhân tạo trong vịnh Persian) đã viết: “Về khả năng ô nhiễm biển liên quan đến việc xây dựng cũng sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý cụ thể, và những sự cố gây ô nhiễm đó có thể dược coi như là một tội phạm quốc tế, thậm chí được coi như là một hành vi xâm lược”.

Những hệ lụy của việc xây dựng bồi đắp đảo trái luật pháp quốc tế

Ngoài ra những hoạt động của Trung Quốc, còn có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy sau đây:

Về an ninh, quốc phòng: Những rủi ro của những cuộc xung đột có thể bất ngờ leo thang mà trước mắt là những cuộc chạy đua vũ trang công khai hoặc ngấm ngầm của hầu hết các quốc gia trong và ngoài khu vực. Cùng với các căn cứ quốc phòng được xây cất và đã đưa vào hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Chữ Thập,… đã tạo thành một hệ thống quân sự tấn công liên hoàn, là tiền đồn vững chắc của Trung Quốc trong Biển Đông…

Các công trình quân sự ngầm, nổi, các đường băng sân bay ở Gạc Ma, đá Chữ Thập… là thách thức và cũng là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia ven Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng dến an ninh, an toàn hàng hải quốc tế đi qua vùng biển này.

Về kinh tế: Đây cũng là căn cứ hậu cần phục vụ cho những hoạt động khai thác nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật tại khu vực phía Nam Biển Đông, nơi chứa đựng tài nguyên phong phú, đa dạng, mà Trung Quốc đang tìm cách xâm chiếm, đặc biệt là dầu khí, nguồn nhiên liệu mà Trung Quốc hy vọng có thể thỏa mãn “cơn khát”năng lượng của mình.

Khi Trung Quốc liều lĩnh triển khai giai đoạn cắm các mũi khoan khai thác dầu khí ngay trên thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines… thì căn cứ hậu cần nơi đây sẽ là giải pháp kinh tế hiệu quả nhất. Đồng thời, nơi đây cũng là căn cứ hậu cần lý tưởng cho hoạt đông đánh bắt cá của hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc đang ồ ạt kéo xuống vơ vét nguồn hải sản phong phú và có giá trị ở phía Nam Biển Đông…

Về pháp lý: những đảo nhân tạo, công trình thiết bị là “chỗ dựa” cho việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982… nhằm biện minh và hợp thức hóa các yêu sách biển theo đường “lưỡi bò” phi lý. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đang cố biến bãi đá Chữ Thập, cũng như những thực thể địa lý khác mà họ đã đánh chiếm được, từ những “đảo chìm” thành “đảo nổi”, từ những bãi cạn san hô không thích hợp cho đời sống con người thành những đảo “thích hợp cho con người sinh sống”, có “đời sông kinh tế riêng” để họ thực hiện yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cái gọi là “quần đảo Nam Sa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới