Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNước mắt sau chiến lược săn huy chương vàng Olympic của thể...

Nước mắt sau chiến lược săn huy chương vàng Olympic của thể thao TQ

Để đổi lấy giây phút vinh quang tại Thế vận hội, nhiều VĐV Trung Quốc phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, tuổi trẻ và hạnh phúc cá nhân.

VĐV Trung Quốc tham gia phần thi cử tạ

6 ngày mỗi tuần từ khi 12 tuổi, Hou Zhihui chỉ giam mình trong phòng tập với một nhiệm vụ duy nhất: nâng mức tạ nặng gấp đôi cơ thể của cô lên không trung. Hou chỉ được nghỉ vài ngày trong năm, sống tách biệt khỏi gia đình và chống chọi nỗi đau thể xác liên tục.

Nỗ lực của Hou được đền đáp vào thứ Bảy (31/7) vừa qua. Cô giành huy chương vàng ở hạng cân 49kg, phá vỡ 3 kỷ lục Olympic. Hou là một phần của đội cử tạ nữ Trung Quốc, và đội cử tạ ấy chỉ là một phần trong guồng quay khắc nghiệt của thể thao nước này nhằm thâu tóm huy chương vàng Olympic.

Khổ luyện

“Đội cử tạ Trung Quốc rất đoàn kết và chịu khó tương trợ lẫn nhau. Điều duy nhất các VĐV nghĩ đến là tập trung vào tập luyện”, Hou nói sau khi nhận huy chương vàng.

Băng chuyền sản xuất nhân tài của thể thao Trung Quốc chỉ hoạt động vì một mục đích duy nhất: mang huy chương vàng vinh quang về cho quốc gia. Huy chương bạc và đồng gần như không được coi trọng ở quốc gia này.

Đoàn thể thao Trung Quốc dự Olympic Tokyo với 413 VĐV, con số lớn nhất từ sau Olympic Bắc Kinh (2008). Trung Quốc đặt mục tiêu vươn lên dẫn đầu thế giới về số huy chương vàng. Mục tiêu ấy không thay đổi, dù CĐV ngày càng lo lắng về sự hy sinh của các VĐV.

“Chúng tôi phải kiên quyết đảm bảo VĐV Trung Quốc là những người đầu tiên giành huy chương vàng”, Gou Zhongwen, người đứng đầu Ủy ban Olympic Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhờ vào quyền lực nhà nước, hệ thống thể thao Trung Quốc tuyển chọn hàng chục nghìn trẻ em để được đào tạo toàn thời gian tại hơn 2.000 trường thể thao do chính phủ điều hành.

Để tối đa hóa nhiệm vụ “săn” vàng, Trung Quốc tập trung vào các môn thể thao kém nổi bật, hoặc ít được đầu tư ở phương Tây, hoặc các môn thể thao mang lại nhiều bộ huy chương ở Olympic.

Không phải ngẫu nhiên, gần 75% số huy chương vàng Olympic của Trung Quốc từ Thế vận hội 1984 đến nay chỉ đến ở 6 môn thể thao: bóng bàn, bắn súng, bơi lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Hơn 2/3 số nhà vô địch Trung Quốc là nữ giới. 70% số VĐV của Trung Quốc dự Olympic Tokyo cũng là nữ.

Cử tạ nữ là mục tiêu lý tưởng cho chiến lược giành huy chương vàng của Bắc Kinh. Môn thể thao này là mục tiêu của hầu hết các cường quốc thể thao. Với nhiều hạng cân, cử tạ có tiềm năng mang về tới 4, 5 huy chương vàng.

Cử tạ không có sức hút ở Trung Quốc. Nhiều thiếu nữ ở quốc gia này còn không biết có môn thể thao như vậy tồn tại, nhưng các quan chức thể thao Trung Quốc không quan tâm.

Tại trung tâm đào tạo của đội tuyển cử tạ quốc gia ở Bắc Kinh, một lá cờ khổng lồ của Trung Quốc phủ kín cả một bức tường, để nhắc nhở VĐV rằng họ có nghĩa vụ đối với quốc gia, chứ không phải với bản thân.

Hiệu quả của hệ thống

“Hệ thống này rất hiệu quả”, Li Hao, người đứng đầu đội cử tạ tại Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro và là giám đốc hiện tại của bộ phận chống doping tại Trung tâm cử tạ, đấu vật và Judo tại Tổng cục Thể thao của Trung Quốc cho biết. “Đó có lẽ là lý do tại sao môn cử tạ của chúng tôi tiên tiến hơn các quốc gia và khu vực khác”.  

Trung Quốc tập trung đào tạo các VĐV ở môn thể thao cá nhân, có thể nâng tầm trình độ nhờ thực hiện lặp đi lặp lại một khối lượng động tác nhất định ở cường độ cao, thay vì đầu tư cho thể thao đồng đội, vốn tồn tại nhiều sai số hơn. Ngoài bóng chuyền nữ, Trung Quốc chưa từng giành HCV Olympic ở môn thể thao đồng đội nào.

Tại Tokyo, chiến lược của thể thao Trung Quốc đã giúp nước này có 14 huy chương vàng vào trưa thứ Năm (29/7) vừa qua, vượt qua Mỹ và Nhật Bản để đứng đầu.

Trung Quốc giành huy chương vàng đầu tiên của Thế vận hội ở nội dung 10 mét súng trường hơi nữ. Trong khi Mỹ đầu tư thi đấu dàn trải, Trung Quốc tập trung thống trị các môn thi ở tuần đầu tiên của Olympic.

Dù vậy, ở một số môn thế mạnh như bóng bàn, cử tạ, Trung Quốc không thể càn quét huy chương như mong đợi. VĐV bơi số 1 Trung Quốc là Sun Yang bị cấm thi đấu vì doping. Các đội bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ nam không vượt qua được vòng loại.

Nước mắt

Trung Quốc đầu tư mạnh, nhưng không khoản đầu tư nào không có rủi ro.

Hôm thứ Hai vừa qua (26/7), VĐV Liao Quiyun bước vào phần thi cử tạ hạng cân 55kg. Cô là đương kim vô địch thế giới. Liao bước lên sàn đầu với sự lo lắng tột độ. Ở những giây cuối, cô để VĐV Philippines vượt qua để giành huy chương vàng.

Liao không kìm được nước mắt. Hơi thở cô dồn dập. Liao ôm HLV và bật khóc nức nở. Một phóng viên an ủi Liao rằng huy chương bạc cũng là thành tích tuyệt vời, nhưng Liao chỉ nhìn xuống sàn nhà.

“Tôi đã cố hết sức”, Liao nói. Nước mắt cô lại chảy dài. Chấn thương âm ỉ trong nhiều năm, lại phải chống chọi với khối lượng tạ khổng lồ, đó là cuộc sống của Liao để đổi lấy phút đeo huy chương ở Olympic. “Chấn thương luôn ở đó, nó cứ lặp đi, lặp lại”, Liao nói về vết đau của mình.

Không giống Simone Biles hay Naomi Osaka – những VĐV nổi tiếng đã chia sẻ về áp lực khủng khiếp của thể thao đỉnh cao, Liao không đề cập đến những tổn hại tinh thần đeo đuổi cô từ khi còn bé.

Cô chỉ lặng lẽ lấy tay áo lau nước mắt. Đại hội Thể thao Trung Quốc chuẩn bị diễn ra, Liao sẽ đại diện cho tỉnh Hồ Nam đi thi. Olympic Tokyo đã kết thúc, nhưng Liao chuẩn bị có sứ mệnh mới phải hoàn thành.

RELATED ARTICLES

Tin mới