Saturday, October 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ còn “phí dầu” hơn cả Mỹ

TQ còn “phí dầu” hơn cả Mỹ

Vì sao Trung Quốc liên tục tập trận trên Biển Đông? Câu hỏi này vẫn đang được các nhà phân tích, bình luận quốc tế tìm lời giải đáp. Trong khi thế giới còn chưa có câu trả lời cuối cùng thì Bắc Kinh tiếp tục có những hành động giễu võ giương oai trên biển.

Từ đầu năm 2021 đến nay, quân đội Trung Quốc đã tổ chức 20 cuộc tập trận (trung bình mỗi tháng ba cuộc), chủ yếu là đổ bộ và chiếm đóng các đảo, với mục tiêu dằn mặt Đài Loan. Năm 2020 nước này chỉ tổ chức 13 cuộc tập trận.

Theo thông tin từ tờ SCMP, quân đội Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ và chiếm đóng đảo vào hôm 27/7. Đây chỉ là một phần trong các hoạt động huấn luyện, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị chủ lực, với giả định nổ ra xung đột ở eo biển Đài Loan.

Một cuộc tập trận khác trên Biển Đông do Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn ra trong bối cảnh nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh dẫn đầu (tàu HMS Queen Elizabeth) chuẩn bị đi vào vùng biển này.

Việc quân đội Trung Quốc liên tục tập trận chẳng làm bất kỳ ai ngạc nhiên. Trong khi các nhà ngoại giao ở Trung Nam Hải cho rằng, việc Mỹ và đồng minh tập trận ở Biển Đông chỉ tổ “phí dầu” thì việc họ xua tàu ra biển cũng là hành động tương tự. Cần lưu ý, một trong những mục tiêu của các hoạt động quân sự của Bắc Kinh là nhắm vào Đài Bắc, thể hiện rõ quan điểm sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình, các cuộc tập trận gần đây của Bắc Kinh chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch thống nhất Đài Loan. Tổ chức tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Mục tiêu lớn hơn là phản ánh sự cương quyết của Trung Quốc trong việc thực hiện sứ mệnh quân sự ở eo biển Đài Loan. Ông Tống từng nói: “Sự răn đe không thể giải quyết vấn đề, chỉ có những hành động cụ thể mới có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Can thiệp bằng hành động quân sự là cách đáp trả tốt nhất dành cho các thế lực muốn bảo vệ Đài Loan”.

Ai cũng hiểu ông Tống nói câu này là nhằm chỉ trích Mỹ, kẻ chống lưng cho Đài Bắc.

Những cuộc tập trận tiếp theo diễn ra gần Giang Môn sẽ diễn ra từ ngày 27/7 đến 19/8. Còn cuộc tập trận ở Mậu Danh từ ngày 1/8 đến 3/8. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc tập trận đúng vào thời điểm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến vào Biển Đông là lời cảnh báo của Bắc Kinh đối với London.

Gần đây nhà cầm quyền Bắc Kinh đã có những tuyên bố sặc mùi hiếu chiến. Rằng, bất cứ sự cố hàng không hoặc hàng hải nào với Mỹ trong khu vực có thể khiến “xung đột mất kiểm soát và dẫn tới leo thang căng thẳng”. Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập là biện pháp đáp trả và răn đe mạnh mẽ với hành động khiêu khích quân sự của Mỹ.

Đấy là cách nói, là phần nổi của tảng băng. Thực chất không chỉ có thế. Việc Trung Quốc liên tiếp tập trận đổ bộ quy mô lớn không dừng ở những mục đích nêu trên. Điều cốt lõi nhất là Trung Quốc muốn răn đe Mỹ, rằng các người hãy đợi đấy, Trung Quốc đã và đang trỗi dậy nhanh chóng, sức mạnh quân sự, khả năng và năng lực tác chiến đã được nhân lên gấp bội. Hải quân Trung Quốc có khả năng vượt trội so với các quốc gia trong khu vực, là đối thủ đáng gờm của Mỹ.

Còn vì sao quân đội Trung Quốc cùng lúc vừa tiến hành thử nghiệm trong điều kiện gần thực chiến nhất các trang thiết bị vũ khí chuyên dụng hiện đại như các tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu sân bay trực thăng, vừa nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng thuộc cả 3 quân chủng hải – lục – không quân? Câu trả lời là, Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với Mỹ. Đặc biệt, đối với những vùng biển gần Trung Quốc lục địa nếu Mỹ mon men tiến vào thì chỉ có thất bại.

Trung Quốc cũng muốn gửi lời cảnh báo tới Nhật Bản. Bởi xét về phương diện quân sự, hải quân Nhật là lực lượng hải quân mạnh nhất ở Đông Nam Á. Thêm vào đó, Nhật Bản có sự hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ trong khuôn khổ cam kết phòng thủ chung.

Đến đây chúng ta có thể thấy rõ một điều, việc liên tục chạy đua vũ trang trên biển, tập trung nâng cao sức mạnh của lực lượng tiến hành đổ bộ đánh chiếm đảo, Trung Quốc chủ yếu nhằm thực hiện tham vọng kiểm soát Biển Đông và lâu dài hơn là vươn ra các vùng biển trên thế giới. Quân đội nước này liên tục tổ chức các cuộc tập trận lớn ở các khu vực nhạy cảm trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải là tín hiệu rất đáng lo ngại.

Trước sau Trung Quốc luôn theo đuổi mục đích bành trướng, chèn ép, bắt nạt các nước yếu thế, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, gây sóng gió trên Biển Đông, để rồi xâm lấn, cướp đảo. Những cuộc tập trận dày đặc chỉ là hành động phô trương sức mạnh, là hướng đích lâu dài. Thâu tóm Đài Loan chỉ là con cá nhỏ trong mẻ lưới to.

RELATED ARTICLES

Tin mới