Monday, September 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi cả hai “Ông lớn” cùng nổi nóng

Khi cả hai “Ông lớn” cùng nổi nóng

Căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ -Trung ngày càng gia tăng. Sự mâu thuẫn về ý thức hệ chính trị dẫn tới tư tưởng thù địch, về những hành động càn quấy của Trung Quốc trên Biển Đông, rồi cái mớ bòng bong Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng… là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho quan hệ giữa hai nước như vạc dầu sôi.

Không còn là việc của hai quốc gia mà cả thế giới đều quan tâm trả lời câu hỏi làm thế nào để hạ nhiệt, dập tắt cái lò lửa có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh? Mới đây, hôm 3/8, Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc hãy tìm đến một giải pháp tích cực, nhằm giảm leo thang căng thẳng. Theo ông Lý, Bắc Kinh và Washington đều sai khi cho rằng, mình sẽ giành phần thắng nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào. Phát biểu này được tờ South China Morning Post đưa tin.

Một dẫn chứng về cái hố ngăn cách ngày càng lớn trong thời Tổng thống Mỹ Joe Biden: Tại một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi đầu năm 2021 cho thấy, cứ 10 người Mỹ thì có 9 người coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, hoặc kẻ thù. Theo điều tra xã hội học này, phần lớn người được thăm dò ủng hộ việc Mỹ cần gây sức ép với Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền và kinh tế.

Về phía Trung Quốc cũng “căm thù” Mỹ không kém. Số người Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về những gì họ cho là nỗ lực của Mỹ nhằm “phá” Trung Quốc. Mỹ đã sai lầm khi tìm mọi cách hòng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự và công nghệ.

Khách quan mà nói, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có sức mạnh kinh tế và công nghệ vượt trội. Hai nước cũng có nền quốc phòng lớn mạnh, quân đội hiện đại, tinh nhuệ. Do vậy, sẽ không thể tránh được thương vong cũng như thiệt hại trên quy mô lớn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Để cùng tồn tại, phát triển, chỉ còn cách phải hợp tác cùng nhau và chấp nhận nhau. Không những thế, hai nước còn phải tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, sức khỏe cộng đồng và phòng chống các đại dịch, nhất là dịch Covid-19 đang loang nhanh như một cơn bão lớn.

Trở lại bài phát biểu “không sợ mất lòng” của nhà lãnh đạo Singapore. Tại cuộc họp trực tuyến Diễn đàn An ninh Aspen, ông Lý nói chắc nịch: “Thực tế là không bên nào có thể hạ gục bên kia. Tôi cho rằng, hai bên dường như đều đang hiểu lầm nhau”.

Theo Thủ tướng Lý Quang Diệu, Mỹ không “tiến vào giai đoạn trì trệ” như một số nhận định của các học giả chuyên dựa ý, ăn theo lãnh đạo chóp bu ở Bắc Kinh. Và Trung Quốc cũng sẽ không “biến mất”. Trung Quốc không phải là Liên Xô trước đây.

Ngay từ cuối năm 2020 khi ông Joe Biden thắng cử, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, ông Lý Quang Diệu nhận định: Washington nên tìm cách phát triển một mối quan hệ mang tính xây dựng tổng thể với Bắc Kinh. Mối quan hệ đó được quy định trong một khuôn khổ cho phép các nước phát triển các lĩnh vực có lợi ích chung và hạn chế đến mưc thấp nhất các lĩnh vực, các vấn đề còn có những tranh cãi, hoặc bất đồng.

Sự cứng rắn của cả Mỹ và Trung Quốc dẫn tới kết cục bi đát là, chính quyền Biden cũng gặp phải vô vàn khó khăn, lúng túng, ngay cả khi nó mang lại một cách tiếp cận chính sách đối ngoại “đáng tin cậy và dễ đoán” hơn so với thời tổng thống Donald Trump. Đến hiện tại, mối quan hệ Mỹ-Trung có quá nhiều rắc rối, nhưng nhiều quốc gia vẫn hy vọng rằng diễn biến tồi tệ hơn có thể được kiểm soát. Khi đã xung đột về lợi ích ắt sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp nào.

Vì sao ngài Thủ tướng Singapore lại nhiệt tình hơn cả mong đợi, bàn cách giúp Mỹ-Trung làm lành vào lúc này? Theo dõi các hoạt động ngoại giao của hai con hổ lớn thì thấy rằng cả hai đều đang ra sức lấy lòng các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Campuchia… Và trong đầu tháng 8 này Washington đang tăng cường sự hiện diện ở Châu Á như một đối trọng với Trung Quốc. Mỹ đã tặng hàng triệu mũi vaccine Covid-19 cho các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh số ca nhiễm virut SASR-CoVI-2 gia tăng.  

Có thể ông Biden cho rằng, vị trí của Washington trong khu vực châu Á đã “tuột dốc”, mất dần vị thế vào tay Bắc Kinh. Mỹ cũng nhận thấy cả hai quốc gia đang bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề từ Biển Đông đến khoa học công nghệ, nhân quyền…

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ráng đi tìm những người bạn vàng, để thêm tiếng nói ủng hộ, để làm chỗ hậu thuẫn. Tuy nhiên, có một con đường ngắn nhất là hai bên cùng hạ mình một chút, lắng nghe nhau một chút, bình tĩnh giải quyết từng việc thì tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn. Còn mới chỉ có cuộc gặp gỡ Thiên Tân (Trung Quốc) ở cấp Thứ trưởng ngoại giao đã chan canh đổ mẻ vào mặt nhau thì làm sao có thể tháo cởi bất hòa?

RELATED ARTICLES

Tin mới