Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSau Anh, giờ là Đức

Sau Anh, giờ là Đức

Xa tít tắp, không liên quan yêu sách chủ quyền, vậy mà các cường quốc phương Tây ngày càng chen vào câu chuyện Biển Đông – nơi mà Trung Quốc luôn cho là việc riêng của họ với các quốc gia duyên hải khu vực Đông Nam Á. Điều đó khiến Trung Quốc vô cùng tức tối.

 Khinh hạm Bayyern của Đức

Mỹ thì đã hẳn, nghênh ngang, coi Biển Đông như chỗ không người, thích vào, ra lúc nào là tự ý. Mà Mỹ, một khi đã đi đâu là không rầm rộ không được. Mấy năm gần đây, mỗi lần tới Biển Đông là chú SAM kéo cả đàn, cả nhóm; kể cả những hàng không mẫu hạm tối tân bậc nhất. Rồi hết những là tập trận với “bộ tứ”, lại tới “bộ tam; hết thử tên lửa, lại cùng với các đồng minh trong khu vực diễn tập chống đánh chiếm đảo – như đang làm với Indonesia. Và nhiều nhất là vin vào sứ mệnh thực hiện “tự do hàng hải” để gia tăng sự hiện diện.

Những động thái của Mỹ khiến Trung Quốc lồng lộn. Thế nhưng, nói cho cùng, ít nhất tới thời điểm này, sức mạnh hải quân của Mỹ vẫn là số 1. Giận thế chứ giận hơn nữa, Trung Quốc cũng chẳng thể làm gì khác ngoài việc gầm gào bằng miệng và tổ chức các cuộc tập trận, thử tên lửa đạn đạo nhằm vào mục tiêu giả trên biển để thể hiện thông điệp đến đối thủ một thế giới, rằng: Tới lúc này, một cường quốc như ta đây “chẳng sợ bố con thằng nào”; đồng thời, qua đó, mà đe dần những nước khác, nhất là những quốc gia đồng minh của Mỹ ở phương Tây xa xôi.

Nhưng thông điệp tốn kém đó xem ra chẳng ăn thua. Những đối tượng Trung Quốc nhắm đến, họ bỏ ngoài tai. Bằng chứng ư? Thì đây, đầu tháng 8 này, dồn dập các tin tức và động thái cứ như chọc tức Trung Quốc.

Trước hết là Anh. Đúng hải trình đã công bố vài tháng trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay hiện đại nhất của Anh đã xuất hiện tại Biển Đông cuối tháng 7. Tham gia nhóm, có các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ, cùng nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân. Quy mô như vậy, London phải chấp nhận chi ra một khoản kinh phí khổng lồ. Nhưng với Anh, dù không phải không khó khăn do tác động của đại dịch Covid, họ vẫn ngần ngại xuống tiền để tổ chức một hạm đội có quy mô lớn đến vậy “diễu” qua các đại dương để thiên hạ lác mắt. Và với họ, những gì thu được đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra.

Cụ thể, ấy là cái được nào?

     Ngoài việc là đồng minh lớn của Mỹ, một khi Mỹ đã thể hiện thái độ chính thức, không chấp nhận đòi hỏi vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thể hiện qua tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao ngày 13/7/2020, thì Anh phải có động thái để ủng hộ. Không chỉ một lời phụ họa. Nước Anh còn muốn thể hiện trên thực địa. London làm điều đó trong tính toán. Một mũi tên hai đích. Ngoài thể hiện “tấm lòng” với Mỹ, việc cho tàu sân bay xuất hiện ở Biển Đông còn ngụ ý sâu xa rằng: Một cường quốc như Anh, không thể không có vai trò quan trọng trong khu vực. Có lẽ vì thế, người Anh đã úp mở: Ngay cả khi tàu sân bay rời đi, họ vẫn gài hai tàu chiến ở lại Thái Bình Dương để “thường trực”.

Đức lâu nay thuộc diện “ít nói”. Thậm chí hai thập kỷ qua, Đức chỉ có những phát ngôn chung chung, theo đúng nghĩa, về vấn đề Biển Đông. Chừng ấy năm, cường quốc số 1 Tây Âu này chưa từng một lần cho tàu chiến tới khu vực này. Sự giữ mồm, giữ miệng và không thể hiện một động thái cụ thể trong thời gian dài như vậy, ai cũng biết, nhằm bảo đảm lợi ích của Đức trước một đối tác thương mại khổng lồ như Trung Quốc. Lợi ích đó, thời điểm này càng quan trọng trong bối cảnh Đức cũng như bất cứ quốc gia nào đều muốn phục hồi nền kinh tế sau những tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19.

Vậy mà ngày 2/8 vừa qua, Berlin cho biết khinh hạm Bayyern của nước này đã khởi hành và dự kiến sẽ đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12 của năm nay.

Cho dù, tàu chiến này di chuyển theo các tuyến thương mại thông thường, nhưng Đức khẳng định rõ: Một chuyến đi dài, công phu của một khinh hạm tối tân tới một khu vực đang nóng bỏng vì sự bành trướng và những hành xử cường quyền của Trung Quốc với các quốc gia yếu thế, là nhằm thể hiện: Dù không có quyền lợi trực tiếp, nhưng Đức không thể chấp nhận sự lên mặt của Trung Quốc.

Trung Quốc không cả giận sao được? Chẳng thế, Bắc Kinh đã đòi Berlin phải trả lời rõ ràng câu hỏi: Cơn cớ gì đưa tàu chiến tới Biển Đông, để đổi lại, khinh hạm này có thể được ghé cảng Thượng Hải.

Đòi hỏi của Bắc Kinh vẻ như bị Berlin phớt lờ, cho là vô lý, “vượt thẩm quyền”. Cặp đôi là bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao Đức, dù ngôn từ khác nhau, nhưng ý tứ thì như một, cùng nhấn mạnh: Đức không thể chấp nhận cách hành xử “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh mà Trung Quốc” áp dụng bấy nay – như lời bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp. Bộ trưởng quốc phòng Annegret Kramp còn nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn luật hiện hành được tôn trọng, có thể đi lại tự do trên các tuyến đường biển”. Sự nhấn mạnh đó sao không thể coi là câu trả lời đích đáng cho những thắc mắc của Trung Quốc?

Chưa hết đau đầu trước việc “bộ tam”, “bộ tứ” tập trận với nhau trên vùng biển lẽ ra mình phải làm bá chủ, thì nay, lời đe dọa cho chiến hạm xuất hiện trên Biển Đông của Anh và Đức đã thành sự thật. Thế nên, Trung Quốc cả giận và lồng lộn lên là phải.

RELATED ARTICLES

Tin mới