Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựPhải thoát khỏi "cái bóng vũ khí Liên Xô"

Phải thoát khỏi “cái bóng vũ khí Liên Xô”

Theo chuyên gia, một phần đáng kể trong biên chế tàu chiến Hải quân Nga thừa hưởng từ Liên Xô, đến nay vẫn vượt trội so với nước ngoài.

Những vũ khí thừa hưởng từ thời Liên Xô

Đài Sputnik của Nga dẫn bài viết của TSKH quân sự Konstantin Sivkov đánh giá về cuộc duyệt binh diễn ra ở St. Petersburg vừa qua.

“Chúng ta chỉ có thể tự hào nhờ các cơ sở đóng tàu Liên Xô và các nhà phát triển tên lửa chống hạm, đã chế tạo ra tàu và vũ khí tên lửa, mà ngay cả sau hơn 40 năm, vẫn còn có tầm quan trọng trong hoạt động đối với Hải quân và có khả năng giải quyết các vấn đề đảm bảo quốc phòng cho đất nước”, ông lưu ý.

Chuyên gia quân sự Sivkov thừa nhận “một phần đáng kể trong thành phần tàu chiến hạm đội chúng ta, đặc biệt là tàu viễn dương, thừa hưởng từ thời Liên Xô”.

“Khi các tàu chiến lớn nhất trong cuộc duyệt binh là khinh hạm, tàu chống ngầm cỡ lớn, tốt nhất là tàu tuần dương tên lửa, tôi nhớ lại cách 4 tàu sân bay Liên Xô và 3 tàu tuần dương tên lửa năng lượng hạt nhân đã đứng đội hình duyệt binh của Hải quân Liên Xô”, ông viết.

Vị chuyên gia đánh giá, “các tàu chiến mới của chúng ta thực sự vượt qua tất cả các đối tác nước ngoài về tính năng chiến thuật, kỹ thuật cũng như khả năng chiến đấu”, tuy nhiên ông cũng thừa nhận “chúng thực sự có số lượng rất ít”.

Chuyên gia Sivkov cũng chú ý tới hàng không hải quân. Theo đó, phần trên không của cuộc duyệt binh hải quân được thể hiện bằng 18 loại phương tiện chiến đấu và vận tải. Trong số này, chỉ có hai chiếc có thể được coi là thuần Nga – tiêm kích Su-30SM và trực thăng Ka-52K. Phần còn lại là những cỗ máy do Liên Xô thiết kế, một phần được hiện đại hóa ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt là Il-38N và Ka-28PL. Có máy bay được sử dụng từ những năm 1960, những chiếc thủy phi cơ Be-12 nổi tiếng, cũng diễu hành trong lễ duyệt binh.

Vượt qua cái bóng quá lớn

Tự hào về những vũ khí có từ thời Liên Xô, song để công nghiệp quốc phòng Nga phát triển lên tầm cao mới thì cần phải thoát khỏi cái bóng quá lớn của Liên Xô.

Trong cuộc họp với nhà máy quốc phòng Krasmash mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết chương trình thay thế hàng nhập khẩu sẽ đảm bảo sản xuất trong nước tăng gấp 2,5 lần vào năm 2025.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng tăng trưởng quân sự và sản xuất lưỡng dụng là nhiệm vụ chính của ngành công nghiệp quốc phòng. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga phải là đầu tàu kinh tế.

Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh để tăng thị phần xuất khẩu vũ khí, trước hết công nghiệp quốc phòng Nga phải chế tạo các mẫu vũ khí hiện đại, không sao chép lại các thiết kế của Liên Xô trước đây. Có như thế mới giúp công nghiệp quốc phòng Nga phát triển lên tầm cao mới.

Hiện tại, Nga chỉ có 2 chương trình vũ khí lớn được phát triển sau khi Liên Xô tan rã, đó là chương trình tiêm kích tàng hình Su-57 và xe tăng chiến đấu chủ lực T-14. Chương trình vũ khí thời hậu Xô Viết mới nhất là tiêm kích Su-75.

Ngoài ra, Nga đang xúc tiến 6 chương trình vũ khí chiến lược khác gồm phương tiện bay siêu vượt âm Avangard, tên lửa siêu vượt âm phóng từ máy bay Kinzhal, tên lửa hành trình chạy bằng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik, tàu ngầm không người lái mang vũ khí hạt nhân Status-6, tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat và hệ thống vũ khí laser.

Tuy vậy, trong 6 chương trình chiến lược này, ngoại trừ 2 loại tên lửa siêu vượt âm và vũ khí laser là những hệ thống mới hoàn toàn, tên lửa hành trình hạt nhân, tàu ngầm không người lái và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 không phải là những khái niệm mới.

Các chương trình vũ khí lớn khác như tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei, tên lửa phòng không S-500 đều là những phát triển kế thừa từ vũ khí trước đó của Liên Xô.

Tính tiện nghi, đem lại sự thoải mái cho người sử dụng chưa bao giờ là điểm mạnh của vũ khí Liên Xô, điều đó tiếp tục được duy trì trên các mẫu vũ khí hiện có của Nga.

Điển hình như các loại xe tăng thiết giáp của Nga, không gian bên trong khá chật chội và không có sẵn điều hòa. Chúng chỉ được lắp thêm theo yêu cầu của khách hàng.

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đã nhận thấy hạn chế này và yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng Nga phải thay đổi để vượt lên các đối thủ cạnh tranh.

Hỏa lực mạnh, độ tin cậy cao là những điểm mạnh của vũ khí Nga. Do đó việc cải thiện độ tiện nghi sẽ giúp nâng tầm vũ khí Nga trên thị trường xuất khẩu.

“Về xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng, chúng ta đang đứng vị trí thứ 2 trên thế giới”, Bộ trưởng Shoigu nói.

Trong thời gian gần đây, quân đội Nga đã tích cực hơn trong việc trang bị các loại vũ khí, khí tài có độ thân thiện cao để giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái nhất. Súng trường tấn công AK-12 đã có báng có thể thay đổi chiều dài phù hợp với từng người lính, các loại giáp chống đạn cũng thân thiện, thao tác dễ dàng hơn khi mặc và cởi.

Các loại xe quân sự cũng có kích thước lớn, không gian thoáng rộng hơn và tăng khả năng bảo vệ, kháng mìn.

Nếu như trước đây các loại xe tăng Nga thường bị chê là có khả năng bảo vệ kíp lái kém thì xe tăng T-14 với tháp pháo không có người, 3 thành viên kíp lái được bảo vệ trong 1 khoang rộng rãi, chắc chắn thực sự là một cuộc cách mạng rất lớn đối với vũ khí Nga.

Bộ trưởng Shoigu nói thêm ngành công nghiệp quốc phòng có tiềm năng công nghệ to lớn, các dự án vũ khí lớn có thể triển khai thuận lợi nhờ vào chuyển đổi công nghệ trong nước.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng mong muốn ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhiều mẫu vũ khí mới, mang những nét đặc trưng của nước Nga hiện đại.

RELATED ARTICLES

Tin mới