Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếGiá trị pháp lý của “sự thật lịch sử” dưới ánh sáng...

Giá trị pháp lý của “sự thật lịch sử” dưới ánh sáng của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế

Chiều ngày 4/8/2021, Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, đã trình bày lập trường chủ yếu của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 11. Theo đó, ông kêu gọi tất cả các bên cần hành xử theo phương châm “4 tôn trọng” đối với vấn đề Biển Đông và yêu cầu các lực lượng ngoài khu vực phải chấm dứt can thiệp vào Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Tôn trọng đầu tiên được ông Vương Nghị trình bày là “tôn trọng sự thật lịch sử”: “Chúng tôi cần tôn trọng sự thật lịch sử rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng nước liên quan, và là nước đầu tiên đã thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với các đảo này một cách liên tục, hòa bình và hiệu quả. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Chính phủ Trung Quốc đã thu hồi thẩm quyền đối với quần đảo Nam Sa bị Nhật chiếm đóng trái phép theo Tuyên bố Cairo và Tuyên ngôn Potsdam, những văn kiện này đã trở thành một bộ phận quan trọng cua trật tự quốc tế hậu Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong những năm 1950 và 1960, Mỹ đã liên tục đề nghị Trung Quốc cho khảo sát quần đảo Nam Sa. Những bản đồ chính thức do Nhật và một số nước khác xuất bản cũng thể hiện quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là những sự thật lịch sử cần được trả lại cho lịch sử và không thể bác bỏ.”

Qua quá trình theo dõ, nghiên cứu quan điểm pháp lý của Trung Quốc có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở giữa Biển Đông, chúng tôi xin được lần lượt đề cập đến 2 vấn đề có liên quan đến phương châm “tôn trọng sự thật lịch sử” được nêu trong phát biểu nói trên của ông Vương Nghị:

Thứ nhất: Thực chất nội dung phát biểu của ông Vương Nghị lần này chỉ là nhắc lại nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà phía Trung Quốc đã nhiều lần công khai trước công luận. Để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Để biện minh cho sự xâm chiếm bằng vũ lực đó, phía Trung Quốc lập luận có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Họ khẳng định rằng, tổ tiên người Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, đặt tên, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Chẳng hạn, ngày 27/6/2018, trước những chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, leo thang căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Lãnh thổ mà tổ tiên (Trung Quốc) để lại, một tấc cũng không được đánh mất. Thứ gì của người khác thì một phân chúng tôi cũng không cần”. Dựa vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu, bản đồ, địa lý, lịch sử, thậm chí có nhiều tài liệu “ngụy sử”, để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Tuy nhiên, khi xem xét giải quyết tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với một vùng lãnh thổ nào đó, người ta phải dựa vào nguyên tắc pháp lý đương thời. Đó là nguyên tắc chiếm hữu thật. Nguyên tắc này đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ, mà nội hàm của nó bao gồm:

– Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

– Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.

– Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
– Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) vào tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous… Gần đây hơn, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, vì Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên các hoạt động của nhà nước.

Bình luận về những nguyên tắc pháp lý này, ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về công pháp quốc tế, người Trung Quốc, cho rằng: “…chứng cứ (lịch sử) đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…”.

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “…người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”.

Như vậy, có thể thấy rằng, lập trường của Trung Quốc về cái gọi “chủ quyền lịch sử” là không phù hợp với nguyên tắc pháp lý đương thời, nếu không muốn nói đó là quan điểm rất nguy hại, gây bất ổn cho sự tồn tại hiện thời, hợp pháp của các quốc gia trên thế giới. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử thì nhiều quốc gia sẽ không còn tồn tại như hiện nay, kể cả nước Trung Hoa. Có thể nói, đó chỉ là biến tướng của tư tưởng dân tộc cực đoan, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế để thực hiện tham vọng bành trướng bá quyền, nước lớn. Bất chấp sự thật nói trên, để biện minh cho những hành động từng bước dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các thời điểm năm 1956, 1974 (CHND Trung Hoa) và một phần quần đảo Trường Sa năm 1946 (Trung Hoa Dân quốc), 1988 (CHND Trung Hoa), phía Trung Quốc đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn về chính trị, pháp lý, truyền thông, các diễn đàn khoa học, các dự án kinh tế… để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” (sự mặc nhiên thừa nhận) đối với lập trường “chủ quyền lịch sử” mơ hồ và sai trái của họ.

Thứ hai, Những “sự thật lịch sử” mà ông Vương Nghị trích dẫn để minh chứng cho quan điểm của mình, đáng tiếc là không đúng với nội dung vốn có của chúng.
Để hiểu rõ sự thật của cái gọi là “Chính phủ Trung Quốc đã thu hồi thẩm quyền đối với quần đảo Nam Sa bị Nhật chiếm đóng trái phép theo Tuyên cáo Cairo và Tuyên bố Potsdam”, chúng tôi xin trình bày tóm tắt sự thật nội dung của 2 văn kiện quốc tế này:

Ngày 27/11/1943, Hội nghị Cairo ra Tuyên cáo Cairo buộc Nhật Bản phải trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc tất cả các phần lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc bao gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Tuyên cáo Cairo hoàn toàn không đề cập đến việc Nhật Bản phải bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Chỉ 3 ngày sau, tại Hội nghị Tehran, Joseph Stalin tán thành việc trao trả Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ cho Trung Hoa Dân Quốc, mà không hề nhắc đến việc bàn giao các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho nước này.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, quân đội Nhật Bản thay thế quân đội Pháp đồn trú ở trên các quần đảo giữa Biển Đông. Từ ngày 26/7 – 2/8/1945, Hội nghị Potsdam buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh và gián tiếp ấn định thể thức giải giáp quân đội Nhật Bản ở Thái Bình Dương, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới, trong đó phía Nam vĩ tuyến 16 (có quần đảo Trường Sa) do quân đội Anh và phía Bắc có vĩ tuyến 16 (có quần đảo Hoàng Sa) do quân đội Trung Hoa Dân quốc thực hiện. Đây chỉ là hành vi giải giáp quân sự được Đồng minh ủy quyền, chứ hoàn toàn không phải là quy thuộc hay thực thi chủ quyền của bất cứ một quốc gia nào. Ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh và bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, quân Nhật vẫn duy trì sự chiếm đóng của mình trên quần đảo Hoàng Sa cho đến năm 1946.

Trong khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật tạm thời chiếm đóng một số đảo của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng sự can thiệp của Nhật Bản hầu như không có ảnh hưởng tới căn cứ pháp lý về chủ quyền của nhà nước Việt Nam trên cả hai quần đảo này. Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện vào tháng 8/1945, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã khôi phục lại sự có mặt của họ trên hai quần đảo. Ngay từ tháng 1/1946, Pháp đã xúc tiến hàng loạt các hoạt động nhằm khẳng định quần đảo này thuộc lãnh thổ Việt Nam, trong bối cảnh quân đội Trung Hoa Dân quốc, theo những hiệp định đã ký kết, có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở đây. Tháng 3/1946, Pháp đã thực hiện một chuyến viếng thăm quần đảo nhằm tái xác lập chủ quyền lãnh thổ và chuẩn bị cho đổ bộ để chiếm lại đảo. Cuối năm 1946, chính phủ Trung Hoa Dân quốc phái lực lượng hải quân của họ tới đảo Ba Bình sau khi tàu Pháp Chevreuil đã đặt một bia chủ quyền của Pháp tại đó. Ngày 7/1/1947, quân Trung Hoa Dân quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Ngày 8/1/1947, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân quốc đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng chính phủ Trung Quốc đã lấy lại các đảo Hoàng Sa và khôi phục lại chủ quyền của họ trên các đảo này. Điều này đã gây ra các phản ứng từ phía Pháp. Ngay sau khi ra phản đối ngày 13/1/1947 về việc người Trung Quốc chiếm hữu trái phép quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17/1/1947, chính phủ Pháp đã phái tàu Tonkinois cùng một phân đội (gồm 2 sĩ quan, 10 lính Pháp và 17 lính Việt Nam) đổ bộ lên đảo Hoàng Sa để lập một đồn binh và xây dựng lại các trạm khí tượng và trạm vô tuyến điện (TSF). Cũng từ ngày này, Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa dưới số đăng ký 48859 và 48860, các trạm này cung cấp các số liệu khí tượng cho toàn thế giới trong vòng 26 năm cho đến khi bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng quân sự vào năm 1974.

Như vậy, từ thực tế nói trên, có thể khẳng định rằng, “sự thật lịch sử” có liên quan đến nội dung của 2 văn kiện pháp lý quốc tế mà ông Vương Nghị đề cập trong phát biểu của mình chỉ là “ngụy sử”. Thiết nghĩ tất cả các quốc gia trong khu vực và quốc tế không bao giờ có thể tôn trọng “sự thật lịch sử” do Trung Quốc tự “sáng chế” ra như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới