Tuesday, November 5, 2024
Trang chủĐiểm tinNgoại trưởng Mỹ thẳng thừng buộc tội TQ

Ngoại trưởng Mỹ thẳng thừng buộc tội TQ

Trung Quốc đã phớt lờ các quy định và thúc đẩy những yêu sách hàng hải trái phép – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 10/8 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói tại hội nghị an ninh hàng hải Liên hợp quốc mới đây rằng Trung Quốc đến nay “không gặp hậu quả nào” khi phớt lờ các quy định ở Biển Đông.

Quan chức Mỹ-Trung Quốc khẩu chiến về Biển Đông

Ông Blinken đề cập “các vụ đụng độ nguy hiểm giữa tàu thuyền trên biển và những hành vi khiêu khích nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi pháp” trên Biển Đông.

“Mỹ đã nêu rõ quan ngại liên quan đến những hành động đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên biển của họ,” ông nói, cho biết Mỹ và các nước liên quan ở khu vực Biển Đông “đã phản đối cách hành xử và những yêu sách hàng hải phi pháp [của Trung Quốc] ở Biển Đông”.

Đề cập quan điểm Mỹ không phải là một bên liên quan ở Biển Đông và không có vai trò trong bất đồng tại đây, ông Blinken tuyên bố “Đó là công việc [của Mỹ] và hơn thế nữa là trách nhiệm của mỗi nước thành viên [Hội đồng bảo an] để bảo vệ các luật lệ mà tất cả chúng ta đã đồng ý tuân theo và giải quyết hòa bình các bất đồng hàng hải.”

“Xung đột ở Biển Đông hay bất kỳ đại dương nào sẽ gây hậu quả toàn cầu nghiêm trọng cho an ninh và thương mại. Bên cạnh đó, khi một nước không gặp hậu quả nào dù phớt lờ các quy định, điều đó sẽ châm ngòi cho bất ổn lớn hơn và [các hành vi] không bị trừng phạt ở khắp nơi.”

Hội nghị an ninh của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc diễn ra ngày 9/8 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar điều phối.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại hội nghị lập tức vấp phải phản ứng từ Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Dai Bing. Ông Dai cáo buộc Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất đối với ổn định ở Biển Đông”.

“Là một nước ở ngoài khu vực, Mỹ tạo ra đe dọa lớn nhất đến ổn định ở Biển Đông bằng cách liên tục đưa các tàu và máy bay hiện đại đến Biển Đông, kích động liều lĩnh và công khai gây bất hòa giữa các nước trong khu vực. Mỹ không đủ tư cách để nói bất cứ điều gì về Biển Đông,” ông này lớn tiếng tuyên bố, nói thêm rằng Mỹ không phải là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trong khi kêu gọi tăng cường đối thoại và hợp tác sâu rộng “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng” để giải quyết thách thức trong an ninh hàng hải, ông Dai Bing cảnh báo những nỗ lực “bởi một số nước ở châu Á-Thái Bình Dương để thúc đẩy một chiến lược dành riêng cho khu vực “, mà theo ông này là “đang cố gắng tạo ra và làm gia tăng xung đột trên biển, phá hoại chủ quyền và lợi ích an ninh của các quốc gia liên quan, cũng như phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”.

Tình hình Biển Đông nóng lên

Vào năm ngoái, Washington đã tuyên bố lập trường cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh và ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, khẳng định hầu hết yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông là “hoàn toàn trái phép”.

Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ không thừa nhận hay tuân thủ phán quyết của PCA – bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.

Màn “đấu khẩu” mới nhất giữa đại diện Mỹ-Trung tại Hội đồng bảo an diễn ra trong bối cảnh sức nóng đang gia tăng ở khu vực.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh hôm 26/7 đã tiến vào Biển Đông và diễn tập với tàu hải quân Singapore trên vùng biển quốc tế phía nam khu vực này.

Đức, sau gần 20 năm, đã lần đầu tiên cử chiến hạm đến Biển Đông. Tàu Bayern đã khởi hành từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc nước Đức. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng hoạt động này là tín hiệu Đức đang tham gia vào trách nhiệm gìn giữ trật tự quốc tế.

Hồi tuần trước, Trung Quốc đã khởi động cuộc tập trận quân sự 5 ngày trong khu vực rộng hơn 100.000km2 ở bắc Biển Đông và thông báo cấm tàu bè ra vào phạm vi này. Động thái của quân đội Trung Quốc diễn ra ít ngày sau khi Mỹ bắt đầu cuộc tập trận quân sự quy mô lớn kéo dài trong 26 ngày với các đồng minh Anh, Australia và Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vào đầu tháng 8, Ấn Độ cũng thông báo sẽ triển khai 4 chiến hạm đến Biển Đông và Tây Thái Bình Dương trong vòng 2 tháng. Trong thời gian đó họ sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar 2021 với các đối tác trong nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản vào cuối tháng.

SCMP cho hay, cũng đã có những trao đổi về kế hoạch tổ chức cuộc gặp của các lãnh đạo nhóm Quad tại Mỹ trong tháng tới. Bắc Kinh coi “Bộ tứ” là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới