Trong bối cảnh tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh đang trên đường tới Thái Bình Dương, thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Anh thông báo sẽ điều 2 tàu chiến tới thường trực ở Đông Á từ cuối năm nay.
Tàu tuần tra xa bờ
Hiện chưa rõ loại tàu mà Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hiện diện thường trực ở Đông Á và cũng chưa rõ tàu sẽ neo đậu ở căn cứ nào. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Steven Stashwick (chuyên về vấn đề biển và an ninh Đông Á), đó có thể là loại tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) và được các căn cứ ở Singapore và Úc hỗ trợ.
OPV là loại tuần tra cỡ nhỏ, chỉ bằng 1/4 kích thước tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh. OPV được trang bị đại bác cỡ nhỏ nhưng không có tên lửa.
Đội tàu mặt nước của Hải quân Hoàng gia Anh đã bị cắt giảm đáng kể về số lượng để tập trung nguồn lực cho hai tàu sân bay khổng lồ mang tên Nữ hoàng Elizabeth. Đội tàu này hiện chỉ còn 19 khu trục hạm (destroyer) và khinh hạm (frigate).
Theo tạp chí The Diplomat ngày 21/7, Anh hiện gặp khó khăn trong việc triển khai các tàu nổi chiến đấu tân tiến nhất. Hiện chí có 1 trong 6 chiếc tàu khu trục Type 45 của Hải quân Hoàng gia Anh là đang hoạt động, 5 chiếc còn lại đang được bảo dưỡng, sửa chữa.
Hai chiếc khinh hạm phòng không lớp Daring (Type 45) ban đầu được bố trí hộ tống hàng không mẫu hạm Nữ hoàng Elizabeth tới Tây Thái Bình Dương, nhưng hiện chỉ còn chiếc HMS Defender đi cùng nhóm tác chiến tàu sân bay. Khinh hạm HMS Diamond đã rời nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth để sửa chữa. Tuy nhiên, một chiếc khu trục hạm của Mỹ và một chiếc khinh hạm của Hà Lan đang tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay Anh.
Nhiều năm qua, Anh không có sự hiện diện hải quân thường trực ở Đông Á và không có căn cứ thường trực trong khu vực, kể từ khi căn cứ hải quân Anh HMS Tamar ở Hong Kong đóng cửa năm 1997 (khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc). Tamar cũng là tên của chiếc OPV đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được điều tới Thái Bình Dương.
Lo ngại sức mạnh hải quân Trung Quốc?
Trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản trong tuần này (trước khi thăm Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo, Anh sẽ triển khai hai tàu chiến thường trực ở Đông Á, nhưng vì không có căn cứ hải quân thường trực nên hai tàu này sẽ phải dựa vào các đối tác của Anh trong khu vực hỗ trợ hậu cần. “Sau việc triển khai lần đầu nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth, Anh sẽ cử hai tàu tới thường trực trong khu vực từ cuối năm nay”, Reuters dẫn lời ông Wallace ngày 21/7.
Ông Wallace coi chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh tới Nhật Bản vào tháng 9 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hợp tác quốc phòng và an ninh. “Nhật Bản là đối tác an ninh gần gũi nhất của Anh ở châu Á, chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chiến lược”, ông nói.
HMS Nữ hoàng Elizabeth đang trong chuyến đi đầu tiên kể từ khi hạ thủy cuối năm 2017. Hiện đang trên đường tới Thái Bình Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh sẽ ghé cảng Nhật Bản và Hàn Quốc, một chỉ dấu quan trọng cho thấy Anh quan tâm trở lại đối với khu vực và quan ngại về sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc, The Diplomat nhận định ngày 21/7.
Trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth được triển khai, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các phóng viên rằng, việc triển khai sẽ “cho những người bạn của chúng tôi ở Trung Quốc thấy chúng tôi tin vào luật pháp quốc tế về biển theo một cách tự tin, chứ không phải theo cách đối đầu”.
“Chúng ta không muốn ngăn cản, chống đối bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi thực sự nghĩ rằng, Anh đóng một vai trò rất quan trọng, cùng với những người bạn và đối tác, Mỹ, Hà Lan, Úc, Ấn Độ và nhiều, nhiều người bạn và đối tác khác, trong việc đề cao, ủng hộ pháp quyền, hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế mà chúng ta phụ thuộc vào”, Thủ tướng Johnson nói thêm.
Về việc Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Thái Bình Dương, người phát ngôn Lầu Năm Góc chúc mừng Anh đã thể hiện “cam kết với mạng lưới liên kết đồng minh và đối tác – những nước hợp tác với nhau và ủng hộ tự do hàng hải cũng như trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản tiếp nhận số lượng lớn nhất các lực lượng quân sự Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, bao gồm hàng nghìn thủy quân lục chiến, nhiều tàu chiến và máy bay, South China Morning Post đưa tin ngày 21/7. Tàu sân bay Anh (mang theo nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35B) sẽ ghé Yokosuka – cảng nhà của bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản và tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.
Hàng không mẫu hạm Nữ hoàng Elizabeth sẽ tới Nhật Bản vào tháng 9, sau khi đi qua Biển Đông, dừng chân ở Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc. Một dấu hiệu khác cho thấy Anh tăng cường tương tác trong khu vực là Anh sẽ triển khai một nhóm phản ứng ven biển, South China Morning Post đưa tin. Nhóm phản ứng ven biển bản chất là một đơn vị lính thủy đánh bộ được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ như sơ tán, chống khủng bố…
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lên tiếng
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 21/7 nói rằng, tháng 9 tới, tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth và các tàu hộ tống sẽ chia nhau ra để ghé thăm 5 căn cứ hải quân của Nhật Bản và Mỹ đặt trên lãnh thổ Nhật Bản, NHK đưa tin. Hoan nghênh đóng góp của Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Kishi nói rằng, việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương “sẽ góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế”.
Bộ trưởng Kishi cho biết, ông và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace “mạnh mẽ phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông bằng vũ lực” và hai ông “nhất trí về tầm quan trọng của trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền”.
Bộ trưởng Kishi bày tỏ quan điểm của ông với Bộ trưởng Wallace liên quan luật hải cảnh mà Trung Quốc áp dụng từ tháng 2 có nội dung cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí chống lại tàu nước ngoài bị phía Trung Quốc là đi vào vùng biển của họ một cách trái phép.