Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu có xảy ra “hậu quả chưa từng có”?

Liệu có xảy ra “hậu quả chưa từng có”?

Vào cuối năm nay tại Mỹ sẽ diễn ra “Diễn đàn vì dân chủ”. Wasinghton dự kiến sẽ mời bà Thái Vân Anh – nhà lãnh đạo Đài Loan. Tuy mới chỉ là dự kiến nhưng đã gây nên một cơn sốt ở Trung Quốc.

Cơn sốt ấy có tên tên “hậu quả chưa từng có”. Nói cụ thể hơn, nếu Mỹ cố tình mời nhà lãnh đạo Đài Loan tham dự là đã chọc tức Trung Quốc. Bắc Kinh có thể nói hàng ngàn lần rằng, Đài Loan chỉ là một hòn đảo trực thuộc Đại lục. Tuy nhiên, hơn 70 năm qua, nhà cầm quyền Trung Nam Hải chấp nhận chế độ chính trị “một nước hai chế độ”.

Nếu Mỹ mời Đài Bắc và bà Thái Vân Anh cố tình tham dự thì Washington sẽ gánh hậu quả chưa từng có! Bởi hiện nay quan hệ Trung-Mỹ đã ở mức tồi tệ.  Tờ South China Morning Post đưa tin hôm 13/8, khẳng định thái độ cứng rắn của Trung Quốc.

Nguyên do là, hôm 11/8, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến mời hàng chục lãnh đạo thế giới tham gia Hội nghị trực tuyến mang tên “Diễn đàn vì Dân chủ”, tổ chức vào cuối năm nay. Đây là Chương trình có nội dung chủ yếu là, các quốc gia nỗ lực chống lại âm mưu bành trướng và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Đáp lại, phía Đài Loan tỏ ra rất hồ hởi, lập tức hồi âm. Cơ quan đối ngoại Đài Loan khẳng định, rất mong muốn tham gia Diễn đàn. Bà Trần Huệ Trân, cấp phó tại bộ phận phụ trách quan hệ với các nước Bắc Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden để dành một suất tham dự Hội nghị”.

Sau khi người mời và người được mời phát tín hiệu, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt. Theo ông Lữ Tường – chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc- nếu bà Thái được Mỹ mời dự Diễn đàn nêu trên thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với cá nhân bà và hòn đảo này. Còn đối với Mỹ, ông Lữ de dọa: “Tôi nghĩ điều này chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng thấp nhất trong quan hệ với Mỹ của Trung Quốc.  Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ. Tôi tin rằng tình hình, nếu xảy ra, sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996”.

Cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996 có nguyên do rất… vớ vẩn. Chẳng là, năm 1995, nhà lãnh đạo Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy đã sang thăm trường Đại học Cornell (bang New York, Mỹ), nơi ông tu nghiệp. Ông Lý tự ý sang thăm Mỹ, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Chỉ có vậy thôi. Thế nhưng sau đó, Quân đội Trung Quốc đã vô cớ bắn tên lửa dữ dội vào vùng nước chung quanh Đài Loan. Lập tức, Mỹ triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực và tàu sân bay Nimitz đi qua eo biển Đài Loan. Chuyện dừng lại ở đó, như một động thái chính trị.

Đấy là chuyện cũ, chuyện người đứng đầu Đài Loan thăm trường cũ. Còn lần này là dự một Hội nghị quốc tế để bàn chuyện… đánh Trung Quốc. Vậy thì khác nào nuôi ong tay áo (!).

Như bạn đọc đã biết, quan hệ Mỹ – Đài mấy năm nay được cải thiện đáng kể dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.  Người kế nhiệm là Tổng thống Joe Biden còn tỏ ra “xuất sắc” hơn. Ông sẽ tiếp tục duy trì chính sách này và nâng cấp lên tầm mức mới. Đầu tháng 8 vừa qua, Wasinghton đã phê duyệt hợp đồng bán 750 triệu USD vũ khí cho Đài Loan, trong đó có 40 đơn vị pháo tự hành.  

Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), ông Chu Phong la ó: “Phương Tây đang cố gắn vấn đề Đài Loan với các khái niệm “tự do và quyền con người”. Vấn đề Đài Loan đã đặt ra một thách thức lớn đối với quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ cùng Trung Quốc cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy xung đột về Đài Loan”.

Mặc cho Bắc Kinh đe dọa “hậu quả chưa từng có” sẽ xảy ra,  Mỹ chắc chẳng hề hấn gì. Bởi bao giờ Mỹ cũng xem mình ở thế thượng phong, còn Trung Quốc thì luôn lo rằng Đài Loan sẽ tuột khỏi tay. Như vậy cái hậu quả ấy chắc là Bắc Kinh muốn đe nẹt Đài Bắc.

Nhưng đe nẹt để làm gì nếu  không dám đánh Đài Loan? Theo các nhà phân tích am hiểu tình hình Đài Loan, thì Đại lục tấn công hòn đảo này không dễ. Bởi “nước” này đã lo phòng thủ bờ cõi từ ngày Tưởng Giới Thạch đặt chân lên đây cho tới hôm nay. Đương nhiên đứng đằng sau là Mỹ.

Từ ngày phải rút ra Đài Loan vào năm 1949, Tưởng Giới Thạch và tất cả những tổng thống tiếp theo, không phân biệt đảng phái chính trị, đều lo tăng cường phòng thủ đảo này, đề phòng sự đánh úp từ phía Đại lục. Lo xa như thế cho nên Đài Loan không những luyện tập quân đội, mà còn xây dựng những công sự phòng phủ, hào sâu, thép gai, và tăng cường tối đa xây dựng lực lượng hải quân. Về phương diện phòng thủ, Hải quân Đài Loan là một trong những lực lượng hải quân tinh nhuệ, trang bị đầy đủ nhất thế giới.

Muốn tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải huy động toàn lực lượng, hải, lục, không quân và tên lửa, và phải có nhiều kế hoạch, chiến thuật, và không thể không đổ bộ.  Chặng đường biển phải đổ bộ ít nhất là 160km.  Đó là lý thuyết, thực tế chiến đấu còn khó khăn và phức tạp bội phần.

Bởi thế, cái “hậu quả chưa từng có” vẫn chỉ là phát súng chỉ thiên mà thôi. Chưa thấy Đài Bắc có phản ứng gì sau lời đe dọa của Bắc Kinh. Còn bốn tháng nữa “Diễn đàn dân chủ” tại Mỹ mới diễn ra mà đã sấm chớp ngay từ đầu. Chuyến đi của bà Thái Vân Anh xem ra cũng là đi trong bão táp.

RELATED ARTICLES

Tin mới