Sau khi Mỹ rút quân, phe Taliban ở Afghanistan đã liên tiếp đánh chiếm các thành phố lớn thứ hai, thứ ba, có thể chiếm thủ đô Kabul trong ít ngày tới. Điều dư luận quan tâm hiện nay là thái độ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ đại diện của Taliban tại Thiên Tân hồi cuối tháng 7 sau khi Mỹ tuyên bố rút quân
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 14/8 đăng bài “Taliban thế thắng như chẻ tre, Trung Quốc chuẩn bị chấp nhận hiện thực cay đắng” bàn về vấn đề này.
Bài báo viết: Kể từ khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ các đại diện của Taliban tại Thiên Tân hồi tháng 7 năm nay, các cơ quan tuyên truyền Trung Quốc đã âm thầm mở đường cho dư luận, chuẩn bị chấp nhận sự kiểm soát hoàn toàn của Taliban đối với nước láng giềng Afghanistan. Hiện nay tổ chức Hồi giáo cực đoan này đang nhanh chóng chiếm đóng các khu vực rộng lớn của Afghanistan.
Ngày 13/8, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một chính trị gia đối lập người Afghanistan chỉ ra rằng, nếu muốn thành lập một chính phủ chuyển tiếp thì cần phải bao gồm cả Taliban.
Taliban với nền tảng tôn giáo cực đoan đang tấn công các thành phố ở Afghanistan khiến Bắc Kinh khá lo lắng. Trung Quốc lo ngại tình hình Afghanistan sẽ đe dọa sự ổn định của khu tự trị Tân Cương và đặc biệt lo ngại khu vực do Taliban kiểm soát có thể trở thành căn cứ ở nước ngoài của các thế lực ly khai người dân tộc thiểu số Trung Quốc.
Tuy nhiên, về đối ngoại, Bắc Kinh lâu nay vẫn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ. Do đó, tại cuộc gặp gỡ đại diện Taliban ở Thiên Tân vào cuối tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ với các đại diện của Taliban đến thăm rằng ông hy vọng Afghanistan sẽ có một “chính sách Hồi giáo ôn hòa”. Taliban cũng hứa sẽ không cho phép bất kỳ tổ chức nào sử dụng Afghanistan để tham gia vào các hoạt động gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.
Trên các mạng xã hội như Weibo và Zhihu, một số cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng khi thấy Ngoại trưởng Trung Quốc và đại diện Taliban sát cánh bên nhau. Một cư dân mạng đặt câu hỏi: “Chẳng phải phải là quân Taliban đã công khai đánh bom phá huỷ tượng Phật ở Bamiyan hay sao? Lẽ nào Trung Quốc chúng ta không nên có một ranh giới rõ ràng với họ?”.
Trung Quốc không có ý định bước chân vào “nghĩa địa đế quốc”
Khi giao du với Taliban, Trung Quốc thực sự có một lợi thế mà cả Mỹ và Nga đều không có. Đó là, Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Taliban. Khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Trung Quốc thực tế đã đóng băng quan hệ ngoại giao với Afghanistan; ngay từ năm 1993, khi cuộc nội chiến ở Afghanistan mới nổ ra, Trung Quốc đã rút các nhà ngoại giao của mình về nước.
Giáo sư Lâm Dân Vượng (Lin Minwang), chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại Đại học Phục Đán, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters đã nói rằng, điều này phản ánh thái độ thực dụng của Trung Quốc: “Cách họ điều hành đất nước như thế nào chủ yếu là việc của riêng của họ, miễn là không ảnh hưởng đến Trung Quốclà được… . Trung Quốc là một quốc gia lớn như vậy thông qua cuộc gặp gỡ công khai, mang lại cho Taliban một sự công nhận chính trị nhất định. Đối với Taliban, đó là một thắng lợi chính trị to lớn”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây liên tục nhấn mạnh Afghanistan luôn là “nghĩa địa của chủ nghĩa đế quốc” và cảnh báo Trung Quốc không nên rơi vào vũng lầy của “trò chơi đối đầu lớn”. Các bản tin của các phương tiện truyền thông chính thống này đều truyền đi một thông điệp: Trung Quốc không có ý định đưa quân đến Afghanistan, cũng như không có ảo tưởng lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại.
Làm thế nào để thúc đẩy Taliban ngừng chiến?
Sau cuộc hội đàm với Vương Nghị, phía Taliban bày tỏ hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc xây dựng kinh tế của Afghanistan. Giáo sư Trương Lực (Zhang Li), chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại Đại học Tứ Xuyên, nói với Reuters rằng tuyên bố này của Taliban cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng các cam kết đầu tư và viện trợ kinh tế thời hậu chiến như củ cà rốt để khuyến khích tất cả các bên – bao gồm cả Taliban, ngừng chiến và đạt được hòa giải chính trị.
Andrew Small, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cũng nói với Deutsche Welle rằng, đối mặt với Taliban, Trung Quốc có một số con bài để chơi; “còn Taliban cũng biết rất rất rõ là: trong một khoảng thời gian rất lâu nữa, Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn viện trợ kinh tế nước ngoài duy nhất cho Afghanistan. Nếu Bắc Kinh vẫn nghi ngại về chính quyền Taliban thì khoản viện trợ kinh tế đó sẽ không được chuyển tới Afghanistan”.
Trương Lực cũng chỉ ra rằng đạt được một lệnh ngừng bắn ở Afghanistan là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc, “bởi vì sự hỗn loạn sẽ sinh ra chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố”.
Chỉ vài tuần trước đây, một đoàn xe vận chuyển công nhân Trung Quốc đã bị tấn công khủng bố liều chết ở miền bắc Pakistan nằm sát biên giới với Afghanistan, khiến tổng số 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 công nhân Trung Quốc. Những công nhân này đang xây dựng Nhà máy thủy điện Dasu ở Pakistan, được coi là công trình hỗ trợ của dự án trọng điểm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” mang tên “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” nằm sát biên giới Afghanistan và tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh.
Andrew Small, một chuyên gia ở Quỹ Marshall của Đức chỉ ra rằng Trung Quốc không có quá nhiều lợi ích kinh tế trực tiếp ở Afghanistan, nhưng có các “mục tiêu mềm” liên quan ở các nước láng giềng như Pakistan. Đó mới là điều mà Bắc Kinh thực sự lo lắng.